Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Nắng ơi !

Nắng ơi !

Đừng vội xế tàn

Cho đêm gió thổi lạnh lưng cha nằm

Sợ khuya nghe tiếng ho khàn

Từ hai cuống phổi khẽ khàng bật ra

Nửa đời con ở quê xa

Làm sao xoa ngực cho cha bây giờ ?

Nỗi lo cứ mãi không rời

Nhìn mưa bay cuối chân trời mà thương

Ngoài kia

núi Ngự

sông Hương

Cha nằm dưới mộ

Ai mong con về ?

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Ông lái đò "từ thiện" ở TP.Hồ Chí Minh

Tuy đã già nhưng ông vẫn lặng lẽ đưa những chuyến phà miễn phí cho học sinh qua sông
Ông Tám Hòa chỉ vào bảng giá phà hơn chục năm không thay đổi.
 Sau khi nghỉ nghề “gõ đầu con trẻ”, thầy giáo Nguyễn Thanh Hòa đã trở về quê vợ ở vùng đất trũng giữa Sài Gòn lập nghiệp. Tuy kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng suốt 17 năm lái đò, thầy Hòa vẫn sớm khuya mưa nắng đưa đón hàng triệu các em học sinh đến trường miễn phí. Cũng từng đó năm giá xăng dầu liên tục tăng nhưng giá mỗi lần đi đò của thầy giáo già vẫn rẻ hơn ly… trà đá.

Lận đận đời thầy giáo làng
Đã nhiều lần chúng tôi nghe câu chuyện “đáng nể” về ông lái đò già trên sông Vàm Thuật nối qua quận Gò Vấp và quận 12 của TP.HCM tuy gia đình kinh tế còn khó khăn nhưng suốt 17 năm đưa đò qua sông không biết bao thế hệ học sinh cũng như người già cơ nhỡ không lấy tiền.
Và một điều đặc biệt mà khó tin nổi cũng gần đấy năm trôi đi với biết bao sự đổi thay của xã hội, nhất là giá xăng dầu tăng lên từng ngày nhưng giá đi lại trên những chuyến đò của người người đưa đò này vẫn không hề thay đổi.
Đến bây giờ mỗi người qua đò cũng chỉ mất có 500 đồng. Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện “cổ tích” thời hiện đại này, chúng tôi đã tìm đến bến đò sông Vàm Thuật gặp ông Nguyễn Thanh Hòa (SN 1938, ngụ phường An Phú Đông, quận 12) mà người dân nơi đây thường gọi là chú Tám Hòa, một ông già có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc hoa râu.
Chắc hẳn ai cũng có thể ai cũng biết đến bến phà “bèo” này nhưng có mấy người biết được cuộc đời đầy gian truân của chú Tám Hòa - người đã từng là một thầy giáo dạy cấp II trường làng, phải làm nghề xe đạp ôm, bán rau má... đế có được ngày hôm nay.
Khi lên đến 10 tuổi ông đã phải tự kiếm sống bằng cách đi bán nước trà quế, rồi đến năm 12 tuổi đi bán kem. Khi có sức khỏe một chút, đến năm 14 tuổi, Hòa bắt đầu chạy xe đạp ôm và người dân trong khu vực thuê gì thì làm lấy không ngại gian khổ.Ở cái tuổi 74, chú Tám Hòa vẫn không ngớt bồi hồi khi kể lại những ngày tháng gian nan thuở nhỏ và mạo hiểm để gây dựng cơ nghiệp trong các cung bậc buồn vui cảm xúc lẫn lộn. Sinh ra trong gia đình đông anh em tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Thấy dân mình khổ, nhiều người không biết chữ cộng với sự ao ước được đứng lên bục giảng trao con chữ cho đám học trò nghèo. Thế rồi sau nhiều năm đèn sách, Hòa đã thi đậu vào trường Sư Phạm. Sau khi ra trường, cậu sinh viên Hòa quyết định về quê dạy học.
Trong suốt thời gian làm thầy giáo làng, lương nhà nước trả theo chế độ bao cấp được vài cân gạo không đủ sống nên thầy Tám đã phải chải lận lưng đến biết bao là nghề.
Ông vẫn nhớ như in những ngày nhà ông nuôi heo, đêm đêm ông lại phải đạp xe hàng mấy chục cây số đến các quán cơm, hủ tiếu, phở... để gom thức ăn thừa về cho heo ăn. Nhưng cái nghề gắn chặt với các đời của thầy giáo làng lâu nhất vẫn là xe đạp ôm.
Sau những giờ đứng trên bục giảng mặc áo trắng, vận quần đen thầy giáo Hòa lại mặc những chiếc áo cũ kỹ ở nhà lấy chiếc xe đạp đi chở thuê. Ngày ngày trên chiếc xe đạp cọc cạch mà tằn tiện mấy năm mới sắm được, ông lại đạp xe  ôm khắp cả quãng đường vài chục cây số.
Cuộc sống nghèo khó và nắng gió của vùng đất Nam bộ đã “sinh ra” thầy Hòa như thế. Thấy thầy giáo làm thêm cái nghề xe đạp ôm, nhiều phụ huynh hỏi tế nhị, có xấu hổ không thì được người thầy này vui vẻ trả lời không một chút đắn đó.
“Cái nghề mình làm chân chính, bỏ mồ hôi sức lao động ra để kiếm sống thì mình nên tự hào mới đúng chớ. Mình làm việc không hề vi phạm pháp luật thì có già mà xấu hổ" – chú Tám Hòa vẫn lạc quan như thế.
Rồi cứ thế thời gian trôi đi, sau gần 30 năm dạy học cấp II tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, thầy giáo Nguyễn Thanh Hòa nghỉ hưu rồi cả gia đình về quê vợ ở An Phú Đông, quận 12 lập nghiệp.
Cuộc sống gia đình lúc này hết sức khó khăn, túng bấn, chú Tám phải bươn chải làm đủ nghề để cùng vợ nuôi hai đứa con ăn học. Gia đình thầy giáo nghỉ hưu này thuộc diện nghèo nhất nhì ở vùng chiến khu An Phú Đông đang bất đầu đô thị hóa.
Nhưng với bản chất con người không chịu cam khổ, thầy giáo Hòa lại trở về với cái nghề chạy xe đạp thồ. Sau khi có một chút vốn ông mở tiệm sửa xe đạp và xin đất hoang ở vìa sông Vàm Thuật để trồng rau.... Làm việc quần quật suốt ngày nhưng gia đình thầy Tám vẫn không thoát được đói nghèo.
Hàng ngày hai vợ chồng làm ruộng ở bên bờ sông, chứng kiến cảnh học trò phải chen chúc nhau trên một con đò cũ kỹ, ọp ẹp để tới trường. Mỗi lần có con nước chảy xiết, sông lại rộng và sâu, chiếc ghe nhỏ bao lần như muốn lật úp cũng là bao lần ông thót tim, lo lắng cho tính mạng của học sinh trên đò.
Đã xảy ra nhiều vụ lật đò, úp ghè, những đứa trẻ bị rơi xuống sông suýt chết, quần áo, tập vở ướt sũng mếu máo khóc về nhà đành nghỉ học đến những vài ngày sau đó
Bán đất, vay tiền Ngân hàng để mua đò chở miễn phíCòn những người khác thì tùy khả năng, ai muốn trả phí sao cũng được. Tôi chỉ muốn làm một việc gì đó có ích cho bà con mình…” - chú Tám cam kết với chính quyền địa phương như vậy.
Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận cho khai thác bến đò Vàm Thuật, trong nhà không có nổi lấy một trăm ngàn đồng, chú Tám phải cầm cố ruộng, vay mượn bạn bè lấy tiền mua đò và tự mình đưa đón mọi người qua sông.
Sau một thơi gian sớm khuya làm lụng khi có chút vốn ông bắt đầu mở rộng bến đò và đặt mua một con đò rộng hơn. Tuy lúc này còn nợ nần chồng chất nhưng như lời đã hứa với chính quyền địa phương chú Tám quyết định không lấy tiền của học sinh, sinh viên các cụ già đi qua đó.
Từ khi chú Tám chở đò với giá rẻ và miễn phí con đò lúc nào cũng đầy khách qua sông.
Lúc này người lái đò già lại ao ước vay mượn được tiền để mua chiếc phà rộng và an toàn hơn. Thế rồi trong một lần tình cờ Chú Tám quen được một người làm ở ngành ngân hàng cũng thường đi lại qua bến đò.
Thấy chú hiền lành chịu khó làm ăn nên người này hứa sẽ đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ ông vay vốn để nâng cấp bến đò. Mừng khôn  xiết, chú Tám Hòa về bàn với vợ tiếp tục cầm miếng đất và mua được chiếc phà đầu tiên trị giá 30 triệu đồng vào giữa năm 2000.
Những năm kế tiếp, liên tục những chiếc phà thứ hai, thứ ba... được đóng mới và đưa vào hoạt động tại bến đò An Phú Đông.
Những chiếc phà an toàn vẫn là chiếc phà “tình thương” do chính tay người thầy giáo già này cầm lái chở khoảng 600 em học sinh, sinh viên đi qua mỗi ngày.  Người già, người nghèo, xe cứu thương mỗi ngày hàng trăm lượt người...
Rồi chủ bến phà đã bỏ tiền tráng nhựa một đoạn đường dài cả trăm mét xung quanh bến để người dân đi lại dễ dàng.
Mỗi ngày trung bình, bến phà Vàm Thuật này đón khoảng 7.000 lượt khách. Giá đi phà cho người đi bộ là 500 đồng, có xe đạp là 800 đồng /lượt, một người đi xe máy là 1000 đồng /lượt. Điều đặc biệt, dù các đợt xăng tăng giá liên tục suốt 17 năm qua nhưng giá cước đi phà không bao giờ thay đổi.     
Ông Tám “từ thiện” cho biết, với số tiền thu được từ việc khai thác bến đò, tính toán xăng dầu, tiền công cho người làm, hàng tháng tiết kiệm ông cũng đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình. Nhưng mỗi lần máy móc hư hỏng, ông lại phải bỏ tiền túi ra sửa chữa.
Dù vậy, suốt 17 năm chú Tám vẫn âm thầm lặng lẽ giúp những học trò đến trường qua phà không phải mất phí. Chẳng những đi phà không tốn tiền, nhiều người nghèo tại địa phương còn được chú Tám giúp cho tiền.
Nhiều học trò, sinh viên nghèo qua phà cũng được chủ đò cho tiền mua tập vở, quần áo đi học. Mấy năm qua, thầy Tám Hòa còn đóng học phí cho mấy chục học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên qua lại phà. Người lái phà cho biết:
“Trong mình luôn đặt chữ nghĩa lên hết. Thấy những đứa trẻ hàng ngày mình mừng lắm nhớ lại lúc còn đi dạy chữ. Bây giờ nhìn chúng khó khăn mình cố gắng giúp thôi.
Chỉ cần các em được đến trường an toàn là tôi vui rồi. Đó cũng là trả nợ cuộc đời, trả nợ lại tấm lòng của những người tốt đã giúp mình lúc khó khăn. Sông có khúc, người có lúc mà...”. Vì vậy danh chú Tám “từ thiện” ngày càng được lan truyền nhiều nơi.
Giờ đây những chiếc phà của chú Tám đã trở thành phương tiện di chuyển không thể thiếu cho người dân địa phương và cả những người dân vùng khác. Đặc biệt, các em học sinh không còn sợ những ngày mưa bão, những ngày lụt lội không được tới trường.
Giai thoại của ông Tám gắn mãi trong từng câu chuyện của vùng An Phú Đông. Người dân nơi đây còn kể rằng, cách đây không lâu trong lúc nửa đêm khuya khoắt mưa gió bão bùng, có một phụ nữ ôm đứa con nhỏ đến bến đò nhờ phà đưa qua sông để đưa con nhỏ bị sốt đi bệnh viện cấp cứu.
Lúc này tất cả nhân viên của bến đều đã về nghỉ ngơi. Nghe nói có người phải đi cấp cứu, ông lão thất thập cổ lai hy này một mình đội mưa lái phà chở mẹ con họ qua sông...
Nghe hoàn cảnh hai mẹ con khó khắn, đáng thương không có tiền, người thầy giáo già liền móc hết trong túi được 300 ngàn đồng đưa cho người phụ nữ để nhờ xe ôm đưa tới bệnh viện cho sớm.
Khi nhắc đến một trong nhiều nghĩa cử của ông “bụt” Tám Hòa, ông trầm ngâm: “Cuộc đời ông cũng như con sông Sài Gòn - Vàm Thuật kia, khi đầy khi cạn. Mình cũng đã có những lúc nghèo khó, nổi trôi rồi mới được như ngày hôm nay nên giúp gì được cho người khác sẵn lòng. Đó cũng là trả nợ cuộc đời, trả nợ lại tấm lòng của những người tốt đã cưu mang giúp đỡ mình trước đây”.(Báo Đời sống)

Lạy Chúa:
Khi con làm điều gì cho anh em con, con thường phân vân, suy nghĩ. Xin Chúa mở rộng lòng con, để khi họ nhờ giúp đỡ, con sẵn sàng vì họ. Để họ thấy rằng: nơi nào có danh Thánh Chúa đi qua, là nơi ấy tỏa hương thơm ngát. Xin cho mỗi việc con làm đều vì Chúa, và chỉ vì yêu Chúa thôi.

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

THÁNH LỄ TẠ ƠN


             Lúc 09 giờ ngày 01/07/2013, giáo xứ Thủ Đức cử hành Thánh lễ Tạ ơn và chúc mừng. Thánh lễ được cử hành cách trang trọng .Cha Hạt trưởng Luy Lê Văn Liêu – chủ sự thánh lễ, đồng tế cùng Cha Sở Giacôbê Mai Phát Đạt, Cha Phụ tá Gioan Baotixita Trần Văn Trí và quý Cha khách , quý khách mời cùng cộng đoàn dân Chúa.
Mở đầu Thánh lễ, Cha Hạt trưởng mời cộng đoàn cùng hiệp lời cầu nguyện cho các nữ tu:
-     Nữ tu Anna Lê Thị Hồng, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, mừng Kim Khánh. 
-     Nữ tu Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Thủy, được khấn lần đầu trong Tu hội Hiện Diện Và Sống
-     Nữ tu Têrêsa Trần Thị Hoa, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tại Thủ Đức, mừng Ngân Khánh.
-     Nữ tu Maria Mai Thị Cẩm Hồng, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tại Thủ Đức, mừng Ngân Khánh.
-     Nữ tu Matta Nguyễn Thị Mỹ Triều, Cộng đoàn Mến Thánh Giá Chợ Quán tại Cây Dương, mừng Ngân Khánh.
-     Nữ tu Maria Goretti Đỗ Thị Thúy, trước đây sống tại Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tại Thủ Đức, khấn trọn đời.

Xin Chúa ban ơn lành cho Quý nữ tu và tất cả quý vị có mặt trong Thánh lễ hôm nay
             Trong bài giảng, Cha Hạt trưởng Luy đã bày tỏ trong niềm vui của những người con ở giáo xứ đã được Chúa chọn trở thành những linh mục, tu sĩ nam nữ trong sứ vụ tông đồ. Ngài cũng nhắc nhở mọi người cách sống theo “8 Mối Phúc Thật”  mà  mối đầu tiên Ngài cho là quan trọng hơn hết
Trước khi kết lễ,  Hội đồng mục vụ giáo xứ dâng lời cám ơn Cha Sở, Cha Phụ tá "đã yêu thương quan tâm đến các Nữ tu là những người con trong giáo xứ, và đây cũng chính là niềm vinh dự lớn lao và là hồng phúc Chúa ban cho họ đạo, vì cứ mỗi lễ khấn thì hơn một lần chúng con thầm ao ước ít ra một trong các tiến chức là người của giáo xứ mình. Và hôm nay đây, hồng phúc ấy đã trở thành hiện thực". Nhân ngày hồng phúc này, Hội đồng Mục vụ trao tặng Quý Nữ tu những vòng hoa hoa tươi thắm thay lời chúc mừng 
             Đáp lại, Nữ tu Têrêsa Nguyễn thị Thanh Thủy, tiên khấn -Tu hội Hiện Diện và Sống, bày tỏ tâm tình ước mong và quyết tâm bước theo vị mục tử Giêsu.Đồng thời, một đại diện cảm ơn Quý Cha Sờ, Cha Phụ tá, quý Cha đồng tế , những người đã tổ chức Thánh lễ Tạ ơn, và không quên tri ân quý tu sĩ, họ hàng thân thuộc, quý khách đến tham dự Thánh lễ này.
             Thánh lễ khép lại với bài thánh ca “Tán tụng Hồng ân” “ Chúa cho con trời mới, đất mới, đường đời con đổi mới…” diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn lành Ngài đã thương ban. Mọi người ra về trong niềm vui và lời cầu nguyện tha thiết cho Quý Nữ tu được chu toàn sứ vụ như lòng Chúa mong ước.
                                         
                                          
                                         
                                         
                                          
                                         
                                         
                                          
                                         
                                          
                                          
                                          
                                         
                                            



Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

NGƯỜI THẦY VÀ NHỮNG TỜ TIỀN CŨ



Cuối cùng nó cũng đậu đại học. Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó...

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình "làm sao mà chọi với người ta"!... Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng "mình có thể".

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó... Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học "nhân-lễ-nghĩa" của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là "bí kíp" rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không "cảnh giác" thừa. Gói "bí kíp" mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)... Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy. Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: "Thầy H. mất rồi!". Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: "Sao thầy mất?", rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: "Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã...".

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh... Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm... Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: "Thầy ơi... sao không đợi con về...!?". Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về... 

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

HÃY BIẾT LẮNG NGHE



Khi Thượng đế tạo nên con người, Người ban cho chúng ta năm giác quan. Một Thiên thần ngạc nhiên hỏi:" Thính giác để làm gì?" Thương đế mỉm cười:" Hãy biết lắng nghe!"

Buổi sớm mai thức dậy, nghe tiếng chim hót líu lo, ríu rít trên những tán cây xào xạc, ta" nghe" buổi sáng đầy sức sống, trong lành biết bao.
Buổi chiều,  lặng lẽ ngắm nhìn hoàng hôn lan nhanh, từng đàn chim vỗ cánh bay về tổ, tiếng hối thúc của bà mẹ nhắc đứa con đi tắm cho nhanh kẻo tối, ta" nghe" một hoàng hôn êm đềm, thanh bình đi vào tâm khảm, khó mà phai mờ...
Khi lớn một chút, ta xem một vở kịch hay, một đoạn phim buồn và bỗng chợt nhỏ vài giọt nước mắt...ấy là khi ta "nghe" cuộc đời này có những con người thật đáng thương.
Nếu chỉ nghe vậy thì chưa đủ, ta chưa hiểu hết giá trị của "nghe"
Một ngày, ta bắt gặp một em bé đi bán vé số, một cụ già ăn xin chìa bàn tay về phía ta, một người bế tắc toan tự tử, hay một gia đình giàu có nhưng sống trong hạnh phúc giả tạo...ta có thể nghiêng người xuống "nghe" họ nói không?

Cuộc sống bộn bề lo toan, ta càng dễ đánh mất khả năng "nghe" mà Thượng đế ban tặng độc nhất cho con người. Ta giả điếc, làm ngơ thì cơ hội cho bất công hận thù chồng chất.
Chúng ta, những phần tử nhỏ bé trong guồng quay cuộc sống, xin hãy cùng nhau đặt tay lên trái tim mình và " hãy lắng nghe"





ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN