Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Bảo vệ mầm sống.

Kính gửi những người đang được quyền sống. Kính gửi ông bà nội ngoại, cô bác cậu dì của con. Kính gửi ba má chưa lần nào con được nhìn thấy mặt. Xin hãy thay ba má con thương con. Ba má ơi đừng chối bỏ con mãi mãi. Ba má  hãy thương con dù chỉ một lần thôi. Xin hãy cho con một nấm mồ…"

Trên đây là một đoạn trong bức thư do Cha Nguyễn Văn Đông viết trong một đêm thao thức, tâm thư đọc lên nghe uất nghẹn, xót xa trước tình trạng các thai nhi bị vứt bỏ một cách bừa bãi. Đau đớn cho những sinh linh bé nhỏ không được làm người, không được chôn cất, Cha kêu gọi mọi người giúp sức và nghĩa trang đồng nhi Pleiku ra đời. Như một định mệnh, Cha Đông bước vào hành trình bảo vệ sự sống.

Nghĩa trang đồng nhi Pleiku
Cha Đông dẫn đoàn chúng tôi thăm nghĩa trang trong một buổi chiều. Nghĩa trang cách nhà thờ Đức An không xa. Chiều ở phố núi không như Sài Gòn, hoàng hôn xuống rất nhanh, bầu trời chuyển từ sắc đỏ, sang hồng rồi tím ngan ngát. Mới hơn 5 giờ mà sương đã từ từ xuống lưng chừng núi. Xa xa, mờ trong mây, những vạt trà, cà phê hoa nở trắng sườn đồi. Anh tài xế khéo léo đưa đoàn chúng tôi qua những con dốc quanh co, thanh vắng đến nghĩa trang. Vừa bước xuống xe, một hàng chữ “ chúng con tha thứ cho ba má” được khắc bằng xi măng, đập vào mắt chúng tôi. Cái gai gai, rợn rợn trong khung cảnh bóng ngã chiều tàn giữa những hàng mộ lãng  đãng nhang khói, làm cho lòng người chùng xuống. Chúng tôi đi bên nhau im lặng, nghĩ về những sinh linh nằm dưới những nấm mộ, không có được sự sống. Xa xa đằng kia, còn 2-3 người đàn ông lúi húi dọn dẹp. Cha bảo đó là anh Phụng, ông Tư, những người làm công việc từ thiện, chăm sóc mộ ở đây. Cha kể ngày Cha mới về đây, chổ này hoang vu lắm, đêm xuống, không ai dám qua lại.
Hồi trưa, khi đang ăn cơm, có người rỉ tai: “ chiều, có đi thăm mộ thì đi, nhưng nhớ đừng khen chê gì cả, đừng ghé mộ bé nào lâu, cũng đừng đọc tên, hạp là nó theo!” Tôi không tin những lời đồn thổi, mê tín, phóng đại mang sắc thái ma quái kiểu “hồn bướm mơ tiên” như trong truyện Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh. Nhưng tôi thật sự rùng mình sợ hãi khi đứng trước tội ác của con người, giết chết cái sinh linh bé nhỏ mà sự sống của nó tùy thuộc hết vào người mẹ, họ giết chết chính đứa con của mình. Họ đang phá hủy công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Ngược về khoảng thời gian 1990, khi Cha Đông còn làm chánh xứ Đức An. Nhà thờ nhỏ, giáo dân trong xứ đều nghèo. Một chiều chạng vạng, anh bảo vệ xách một bịch nylon chạy vào sân nhà thờ hổn hển đưa cho Cha: “ Cha ơi, người ta bỏ con nít chết vào đây nè Cha, ghê lắm!” Cha khi ấy khá trẻ, sợ sệt biểu anh bảo vệ mở ra. Cha lạnh toát người, toàn thân bủn rủn. Một em bé đã chết, tím bầm, còn nguyên bọc. Đó là cái lần đầu tiên và là nỗi ám ảnh Cha đến tận bây giờ.
Trở về nhà thờ, nơi chúng tôi lưu lại đêm nay trong nhà khách. Cha nhờ chị bếp pha ấm trà. Ngồi ngoài hàng hiên bên ấm trà nóng, nhìn Cha loay hoay tráng ly trà, thấy nơi ngài một sự lẻ loi, cô quạnh, tôi buột miệng hỏi một câu vô duyên chỉ để phá tan cái không gian tĩnh mịch: Ở đây chắc buồn lắm hả Cha? Cha cười hiền hậu “Không buồn đâu, Cha quen rồi, người tu hành kể gì vui buồn!” Cha Đông lần hồi nhớ lại quá khứ, những câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh và dấu ấn cuộc đời Cha khiến Cha buột miệng: “ Chắc đến chết Cha cũng không quên được!”
Nhìn ra khoảng không phía trước, Cha nhớ lại khoảng thời gian đó. Rồi cái mốc thời gian năm 2004, Cha gọi là năm hãi hùng, vì có những trường hợp quá ấn tượng khiến Cha không thể quên. Ngày nào cũng có thai nhi bị vứt bỏ. Có khi người ta vứt hồi tối, sáng ra vương vãi khắp nơi vì bị chó xé; Có khi, bệnh viện, phòng khám chui phá bỏ thai, 5-7 đứa nhét vô một bịch nylon  rồi thuê xe ôm đem phi tang, xe ôm đợi trời tối đem bỏ vô đây, đi đường buổi tối, ổ gà, cành cây xỉa vào, lôi rách, thế là rải rác dọc con đường mòn gập ghềnh dẫn lên đồi, đó đây mỗi đứa một nơi. 6-7 tháng thai đã quá lớn, các lò phá thai với những tay “đồ tể” cắt vụn thai nhi mới đem ra ngoài được. Bản thân đã không nguyên vẹn, thì giờ còn nát tan hơn, không biết tay này, chân này là của đứa nào…nhặt nhạnh về, đem lau rửa sạch sẽ, rồi mới sắp xếp lại tẩn liệm, đem chôn. Hớp ngụm trà, Cha cười nhớ lại: Có đợt, nhiều quá, sáng ra là gom không xuể. Một lần, anh Phụng gom về, đặt “phịch” cái bao xác xuống nền rồi òa khóc như đứa trẻ, miệng kêu trời “ác quá, tội quá, không làm nữa!” May mà Anh Phụng đã không bỏ cuộc, còn có cụ bà Tâm đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”mà Cha quen gọi bà là Bà Ngoại đồng nhi, đồng tâm, hợp sức lại, hàng ngày đi thu gom về. Còn có Anh Lễ, ông Tư chăm sóc mộ…
 Trăng lên cao, sáng vằng vặc. Tiếng chim heo, tiếng cú kêu giữa không gian phủ đầy sương lạnh làm cả đoàn chúng tôi cứ “dính” vào nhau, có muốn cũng không tách ra được. Cha giục chúng tôi đi nghỉ lấy sức để mai còn đi tiếp. Nói thì vậy, nhưng Cha gọi với chị bếp pha tiếp ấm trà nữa, từ sẫm tối đến giờ có lẽ đây là bình trà thứ 5 rồi. Thấy trăng lơ lửng trên đầu khuya vậy nhưng nhìn đồng hồ mới hơn 9g một chút. Chị bạn tôi ngoại đạo, cứ thúc vào sườn tôi hỏi: Bộ ông Cha, ổng không sợ hả? Để trả lời câu hỏi cho chị này, tôi gợi ý: Có khi nào tụi nhỏ “nhát” làm Cha sợ không, chôn hết từng ấy đứa trong một thời gian dài như vậy chắc mệt mỏi lắm?
Trầm ngâm, giọng Cha thoảng nhẹ như nói với chính mình. Cha thương tụi nhỏ, xét cho cùng chỉ là những đứa con nít vô cùng đáng thương, chưa được sống ngày nào trên đời. Cha sợ lòng dạ con người, họ độc ác đến nỗi không còn biết tội lỗi mình gây ra nữa. Rồi như một định mệnh, “người ta cứ vứt bừa bãi, Cha, anh Phụng, bà ngoại đồng nhi lại phải gom về đem chôn. Chôn nhiều quá, hết chỗ luôn.” Giọng Cha đều đều, khẽ nhíu mày, tôi bắt gặp trên gương mặt ấy ẩn chứa nỗi đau đớn khó tả, một nỗi ray rứt khó thoát ra. Nhiều quá như vậy sao Cha không cắm một cái bảng ghi dòng chữ: HẾT CHỖ CHÔN, cho người ta đừng đem vứt nữa. Cha cười, nụ cười hiền hòa. “ Nếu làm như vậy người ta lại vứt đi tầm bậy ở nơi khác, còn tội hơn. Cha lúc đó rối như mạng nhện, vì nhiều người chôn lén, rồi bão táp, mưa sa, một cơn mưa lớn, sang ra lộ hết tất cả những gì đã chôn ở dưới, lại phải chôn lại, tội lắm!”
Đau xót, trăn trở, “phải nhờ mọi người giúp thôi!”. Đó là khi dòng thư kêu gọi bật ra tận đáy lòng như lời Cha thổ lộ, đã thật sự chạm đến lòng người và được hưởng ứng. Nhờ vậy mà Cha Đông có thể xây được những ngôi mộ cho các cháu bé như mong ước. Trước khi về chổ nghỉ của mình tôi cố hỏi Cha một câu: Cha xây mộ đàng hoàng như vậy, người ta có cớ “yên tâm” vứt bỏ không nghĩ ngợi. Cha có thấy như vậy là vô lý không? Vẫn nụ cười hiền hậu, kèm theo một câu ngắn gọn, ẩn ý: “Vậy, khi chặt cây, chị chặt đằng ngọn hay đằng gốc?” Một câu trả lời bỏ ngỏ khiến tôi khó chợp mắt…

Ngôi nhà cho bà mẹ giữ gìn mầm sống
Sáng nay, đoàn chúng tôi đi thăm mái ấm dành cho các bà mẹ lầm lỡ. Đó chính là Ngôi nhà cho bà mẹ giữ gìn mầm sống.
Đứng trước thực tại là có nhiều cô gái trẻ phải bỏ con: người trót dại, người bị hoàn cảnh gia đình, bị tâm thần, bị nhiều thứ tập tục của dân tộc…các cô gái trẻ không còn sự lựa chọn. Như cô gái trẻ dân tộc là một ví dụ: trong đêm Noel, Cha đang tẩn liệm cho một thai nhi mà Cha đặt tên là Giáng Sinh, thì cô gái dân tộc Ja Rai lặn lội hàng chục cây số đến nhà thờ, đứng trước Cha, cô gái nói tiếng Kinh lơ lớ nhưng Cha Đông nghe rõ: “ Nghe nói ông Cha thương con nít, tui đem con cho ông!” Cha lạnh toát người khi cô gái nghiêng gùi lôi ra đứa bé đã chết tím bầm, nó to, đầy đủ, lành lặn. Hỏi ra, cô gái và anh chàng cùng bản yêu nhau, nhưng có bầu trước, theo tập tục là phải nộp phạt trâu rất nặng và bị bêu xấu, nên cô gái lẳng lặng, tự đỡ đẻ cho mình rồi đem đến nghĩa trang đồng nhi nhờ Cha Đông. Rồi đến một tết trung thu nọ, trong khi bao trẻ em được vui chơi, phá cỗ, rước đèn thì người ta “liệng” cho Cha một sinh linh nhỏ bé bị giết chết, họ tàn nhẫn bỏ em vào hộp bánh trung thu(chắc là vừa ăn xong) và vứt vào chổ Cha Đông. Anh Phụng là người đem em về. Khi phát hiện, kiến bu đen, ăn  hết phần dưới. Khi mở bọc ny lon, để em lên một tờ báo, thấy bàn tay em cứ huơ ra phía trước, cha Đông bất giác đưa tay. Thật bất ngờ, em níu luôn ngón tay Cha Đông. Cha lặng người, đau xót, đặt cho bé cái tên Trung Thu. Bé Giáng Sinh, Noel, Trung Thu và biết bao nhiêu  em khác như Bình An, Quốc Khánh…có hơn 10.000 sinh linh ra đời nhưng chưa bao giờ được sống.Trăn trở mãi, làm gì để giúp cho các bà mẹ lầm lỡ khi còn có thể cứu lấy con mình. Và sau khi bức tâm thư ra đời, được hưởng ứng, Cha lập tức thực hiện nỗi trăn trở của mình: cho các bà mẹ trẻ lầm lỡ một mái ấm.
Ngôi nhà đầu tiên nơi chúng tôi đến là ngôi nhà thứ 3, khá đặc biệt. Nằm cạnh bệnh viện Gia Lai, ngôi nhà đầy ắp sự nhộn nhịp. Chúng tôi đến vào giờ cao điểm. Các bà mẹ mang bầu ở đây đảm trách việc nấu nướng, chia cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận, cảnh đời đáng thương, mục đích là để đánh thức lòng trắc ẩn của các bà mẹ, biết thương người, thương mình, thương mầm sống đang dần lớn lên, chính là đứa con của mình mà biết nghĩ lại.
Trong hai ngôi nhà ở Pleiku, dòng nữ tu Chư Á là nơi đón nhận những bà mẹ đầu tiên. Ngôi nhà sống chan hòa, được các Sơ ân cần dạy bảo. Ban ngày họ chăm sóc các em mồ côi, công việc này khơi gợi tình mẫu tử sẵn có trong những người mẹ. Tối đến, họ cùng đọc kinh với các Sơ, được các Sơ chia sẻ những vướng mắc trong cuộc đời. Các Sơ nơi đây như là những người mẹ, người bạn cùng họ vượt qua những khắc nghiệt, lầm lỡ mà họ phải trả giá. Chính môi trường tuyệt vời này đã dần dà mang lại cho họ bản năng làm mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng, giúp họ nhận ra giá trị cuộc sống, nhận ra tình yêu thương với chính đứa con trong bụng mình. Từ đó, họ bỏ ý định phá thai.
Nhìn họ sinh hoạt, làm việc một cách cẩn thận, chu đáo và nghiêm túc, niềm vui lan tỏa đến những người chung quanh. Họ có được sự bình an vẹn toàn như đang ở chính trong ngôi nhà mình. Hạnh phúc hơn hết là bao nhiêu bà mẹ ở đây là bấy nhiêu đứa trẻ được chào đời. Chúng tôi vui lây với những cái tên tuyệt đẹp Trúc Linh, Thúy An, Hạnh Phúc, An Bình…mà các bà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho con mình chờ ngày khai hoa.
Ba ngôi nhà đã đón nhiều người mẹ đến nương náu, sinh con. Người này đi rồi người sau lại tới. Người sau chăm sóc con của người trước. Tình mẫu tử thiêng liêng vốn có sẵn trong lòng người phụ nữ, nếu biết khơi dậy thì người mẹ sẽ không còn phá bỏ bào thai, hủy hoại cuộc sống của con mình.
Cứ như vậy, ngày nối ngày. Ba ngôi nhà đã đón nhiều người mẹ đến. Những người mẹ sinh con ra nếu không nuôi được thì cha Đông giữ lại nơi này nuôi. Các bà mẹ có thể ra đi làm lại cuộc đời mới. Sau này khi có thể, họ về đây nhận lại con của mình. Rồi những người mẹ mang bầu khác lại tiếp tục chăm sóc các bé này. Lớn lên một chút, các cháu được gửi đến các trường học, mái ấm khác để được đi học, sinh hoạt chung trong cộng đồng. Cha và các Sơ tạo mọi điều kiện, giúp sức, hỗ trợ bằng mọi cách tìm kiếm việc làm cho họ giúp họ vượt qua hoàn cảnh.
Hơn 20 năm trôi qua, Cha Đông giờ đây cũng đang bước vào tuổi “thất thập”. 20 năm, một chặng đường khá dài, một hành trình cam go không có điểm dừng. Với biết bao gồng gánh cùng thời gian đã làm Cha già hơn so với tuổi thật. Nhưng nhìn các cháu nhỏ cúi đầu lễ phép chào, quấn quýt, gọi tên Cha một cách trìu mến: “Ông Cố, ông ngoại”, tôi như thấy bình minh trên gương mặt hiền hòa của ngài, tôi như đọc được trong lòng ngài niềm vui lan tỏa. Vui vì giờ đây, tất cả mỗi bà mẹ đều có mái ấm để có thể làm mẹ, có thể đứng dậy vững vàng bước tiếp cuộc đời còn chờ họ phía trước. Và như vậy hành trình bảo vệ mầm sống của Cha Đông thật sự có ý nghĩa

Để kết thúc, chúng ta ngoái nhìn lại các em một lần nữa; những em được sống và những em  dưới những nấm mồ kia. Hãy để trái tim rung động, kinh sợ trước hành động dã man mất hết nhân tính. Cái tội ác giết người ghê tởm như vậy lại được xã hội chấp nhận, tiếp tay bằng các lò phá thai tràn lan. Chúng ta, hãy làm một điều gì đó, để ngăn chặn cái nền văn minh sự chết. Các bạn trẻ ơi, các bạn có muốn mình là tội nhân không? Hãy suy nghĩ trước những đam mê, hãy tự bảo vệ bản thân, để mình không phải  là tên đồ tể gớm ghiếc giết chết chính đứa con của mình. Hãy chung tay cùng cộng đồng bảo vệ sự sống trên hành tinh này từ ngay chính bản thân mình.
Bộ giáo luật hiện hành điều 1398 quy định “ Ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết( Latae sententiae)





Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Con đường nên Thánh, bạn muốn đi không?

Tôi rất thích câu nói của  Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận: “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng. Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’. 
Nhìn một vận động viên đứng trên bục cao nhận giải thưởng, ta trầm trồ thán phục. Ta ước mong mình có thể trở thành một vận động viên xuất sắc như thế. Đọc một kiệt tác văn học, ta thích thú ngưỡng mộ ngòi bút xuất thần của nhà văn. Ta ước mong mình có thể viết được hay như thế. Nghe gương sống thánh thiện của một vị thánh, ta thấy mình bừng cháy khát khao nên thánh. Ta ước ao đời mình cũng thánh thiện như thế. Rồi ta lên kế hoạch cho mình, ta sẽ làm thế này, ta sẽ làm thế kia…cuối cùng, được vài ngày, ta lại…nản. Tất cả lại trở về như cũ.
Ở đời, tất cả những gì thành công, xuất chúng, đáng giá đều không thể gặt hái một sớm một chiều. Chúng là kết quả của những nỗ lực bền bỉ, bước đi trong khiêm tốn, kiên nhẫn và …từng chút một. Ta nên biết rằng đằng sau tấm huy chương vàng óng ánh là những kiêng khem, tập luyện vất vả, không phải ngày một ngày hai, mà có khi mất nhiều năm trời luyện rèn bền bỉ. Đằng sau những áng văn bất hủ là những bản thảo miệt mài viết đi viết lại, sửa tới sửa lui. Có khi nó là công trình của cả một đời người, bắt đầu từ những nét chữ nguệch ngoạc cho đến những câu chữ chỉn chu rõ ràng. Đằng sau một mẫu gương thánh thiện, là cả một đời rèn luyện nhân đức.
Mọi sự đều có tiến trình riêng của nó. Một chú nhộng bướm phải mất hàng giờ kiên nhẫn cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu trên cái kén. Tiến trình tự nhiên mà ta tưởng là mất giờ này giúp cho cơ thể chú nhộng nhỏ gọn và đôi cánh cứng cáp để có thể bay khi chú thoát thai thành bướm. Nếu ta thương tình can thiệp để tiến trình ấy diễn ra nhanh hơn, chú “nhộng bướm” sẽ chỉ là chú “bướm nhộng” bò loanh quanh với thân hình phồng rộp và đôi cánh nhăn nhúm. Tôn trọng tiến trình của cuộc sống và chấp nhận quy luật ấy cũng là lẽ khôn ngoan ở đời. Một bạn trẻ thành công quá sớm trong khi chưa chín chắn trưởng thành trong nhân cách có thể hủy hoại tương lai và cả thành công hiện tại. Macaulay Culkin, diễn viên nhí trong bộ phim nổi tiếng “Ở nhà một mình” là một thí dụ điển hình. Thành công quá sớm đã khiến cho Macaulay Culkin nhanh chóng sa ngã, sự nghiệp tuột dốc và cuối cùng chết mòn vì ma túy. Chấp nhận mọi thành công đều cần một quá trình, ta từ tốn khôn ngoan bước đi từng bước vững chắc.
Thường thì nói và nghĩ bao giờ cũng dễ, bắt tay vào làm mới khó. Nghĩ tưởng về thành công trong tương lai, khơi lên trong ta bao nhiêu động lực hiện tại, nhưng thực tế, khi bắt đầu hành trình và nhìn về chân trời xa xăm phía trước lại có thể khiến ta thoái chí nản lòng. Ta không biết liệu mình có làm được như vậy không? Ta không biết liệu dự phóng của mình có quá ảo tưởng không? Và cái tiến trình xa vời vợi ấy có thể là một cám dỗ giục ta bỏ cuộc. Lúc mới hoán cải với tâm trí tràn ngập những dự phóng sẽ thực hiện cho Thiên Chúa, thánh Inhaxio cũng đã từng bị cám dỗ như vậy. Khi ấy, tâm trí ngài nổi lên một ý nghĩ: “Liệu ngươi có thể sống nổi cuộc sống này suốt 70 năm không?” Ý nghĩ ấy khiến ngài nản chí, nhưng khi nhận ra đó là một cám dỗ, ngài hiểu rằng 70 năm ấy có thể đạt được, chỉ cần lúc này ngài sống từng giờ trọn vẹn.
Cuối cùng, ở mỗi tiến trình ta phải nhận thức đúng về mình và quý trọng những thành quả tương xứng với tiến trình ấy. Một con sâu róm xấu xí không nên tự trách mình không đẹp đẽ tươi xinh như chú bướm bay lượn trên các khóm hoa. Những so sánh như vậy đều là khập khiễng và dễ dàng khiến ta thất vọng về mình. Ta đang tập viết, không thể đòi mình có khả năng xuất khẩu thành thơ, hay sáng tác những ánh văn kiệt xuất. Điều khiến lòng ta an ủi là, dù có là cây bút đại tài đi nữa, thì cũng từng phải mài đũng quần tập viết từng câu chữ như ta. Nhận thức đúng về mình giúp ta vững vàng trước những tiếng đời dư luận. Chú sâu róm sẽ thất vọng buồn rầu đến chết được, vì ai nhìn chú cũng khiếp sợ. Người ta khiếp sợ một con sâu mà không thể thấy rằng nó sẽ trở thành một con bướm. Người ta thích thú nhìn ngắm một con bướm mà quên mất rằng nó đã từng là một con sâu. Người đời cũng vậy, họ có thể chỉ nhìn thấy bạn như là một “con sâu” mà không thấy được nỗ lực của bạn để trở thành một “con bướm”. Vậy nên bạn đừng để nhận xét của họ làm mai một ý chí vươn lên của mình.
Bạn thân mến, một tòa tháp cao bắt đầu từ một viên gạch nhỏ. Một hành trình dài ngàn dặm khởi đi từ một bước chân ngắn. Bạn là kiến trúc sư cho tòa tháp cuộc đời mình. Trở nên một con người như thế nào, tương lai ra sao, cống hiến được gì cho đời, tất cả được đặt trên đôi vai của bạn. Chính bạn là thuyền trưởng của cuộc đời mình. Từ tốn, kiên nhẫn, trung thành sống từng chút nhỏ thôi, bạn sẽ lái cuộc đời mình về đến đích, như lời vị tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxico Xavier Nguyễn Văn Thuận đã viết: “Chấm một chấm cho thẳng, chấm này nối tiếp chấm kia… đường sẽ thẳng. Sống một phút cho tốt, phút này nối tiếp phút kia… đời sẽ thánh’’.
Bài viết nhẹ nhàng khơi gợi cho chúng ta cách sống để nên Thánh, tuy nhiên, muốn làm được điều tưởng như đơn giản đó, là một sự nỗ lực gần như tuyệt đối. Để nên người, có thể thực hiện gọn trong 2 điều: Mến Chúa- Yêu người. Nhưng muốn nên Thánh dường như là một cuộc thoát xác. Bạn và tôi không còn là mình nữa. Yêu người, tức là bạn từ bỏ chính mình, trong đó thói tham sân xi chiếm vị trí hàng đầu và là hành vi khó bỏ nhất. Tham sân xi làm cho bản thân trở nên nóng nảy, hèn kém, làm cho mọi thứ chung quanh ta không còn đẹp, và làm tổn thương đến mọi đối tượng, ngay cả những người thương yêu nhất. Muốn yêu người phải từ bỏ chính mình. Không từ bỏ chính mình bạn sẽ không biết yêu ai. Từng chút một, bạn cởi bỏ những cái gai xù xì đang đeo bám trên người, nó vừa không đẹp mà mỗi lần bạn "xù" lên, chính bạn làm đau bản thân mình. Tôi hôm nay khác ngày hôm qua, tôi ngày mai sẽ khác ngày hôm nay...Nhưng có một điều không thể thiếu trên con đường bạn đi. Đó là cầu nguyện. Cầu nguyện liên lỉ sẽ giúp bạn dễ đi trên con đường nên Thánh hơn.  nguoi-toi-to-chua-phanxico-xavie-nguyen-van-thuan

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT - LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ - 2014)

Trong cuộc sống hiện tại, nhiều lần bạn vấp ngã, thất bại, bế tắc trước những thử thách, đau khổ, mất mát; có bao giờ bạn đặt hết mọi nỗi đau khổ đó vào bàn tay Chúa chưa?
Hay khi đứng trước sự việc đó, bạn oán than, trách móc, cho rằng mình không đáng "bị" như thế!
Như Thánh Phêrô xưa, chối Chúa 3 lần, vậy mà Thiên Chúa vẫn cho Người hào quang vinh hiển. Lòng từ ái của Chúa vươn lút trời xa, chan hòa như đại dương...và Người chỉ chờ chúng ta đưa bàn tay ra để Người dẫn đường. Vậy thì bạn ơi, hãy ăn năn trở về cùng Chúa và để Người dẫn đi... thay đổi cuộc đời ta.
Vì "không một thử thách nào vượt quá sức chịu đựng của loài người, một khi bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp"

CHỨNG TÁ CỦA SỰ HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG
(LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ - 2014)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng trọng thể lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Mừng kính các ngài, chúng ta nhớ đến hai đấng như là những mẫu gương sáng ngời về đời sống chứng tá cho đức tin qua tinh thần hiệp nhất trong đa dạng. Các ngài còn được ví như những người tiên phong trong công cuộc loan báo Tin Mừng; như những vì sao sáng trong Giáo Hội; như những vị tướng anh hùng trong trận địa đức tin.
Tuy nhiên, nhìn lại cuộc đời của hai thánh, chúng ta thấy các ngài là những con người rất đỗi bình thường.
Thánh Phêrô được biết đến như một con người bình dân học vụ, phát xuất từ một gia đình bình thường làm nghề ngư phủ, không gì nổi trội và nhiều điểm bất toàn như: tính nóng nảy, ăn nói không thông, cư xử cục mịch, nhanh tin nhưng cũng vội phủ nhận, can trường nhưng cũng không thiếu những lúc nhát đảm, và tội lớn nhất của Phêrô chính là chối Chúa đến ba lần.
Còn thánh Phaolô thì: xuất thân từ một gia đình tri thức, ăn nói thông thạo, lý luận sắc bén, tài cao hiểu rộng... Ngài còn được biết đến dưới bóng dáng của một kẻ bắt đạo khét tiếng. Quả thật, Phaolô ghét Danh Giêsu đến nỗi chỉ cần ai nói về Danh ấy thôi thì Phaolô cũng tìm mọi cách để triệt hạ.
Nhưng từ lúc Phêrô nhận ra ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu khi ông chối Ngài đến ba lần; Phaolô được Đức Giêsu mặc khải qua vụ ngã ngựa lịch sử và chữa cho sáng mắt cách lạ thường, thì cả hai đấng đều có chung một thái độ là cảm nghiệm được Đức Giêsu yêu thương đặc biệt, nên ăn năn sám hối và quyết tâm thay đổi cuộc đời.
Nếu trước kia, các ngài ghét danh Giêsu, hay sợ không dám nói và làm chứng về Danh ấy, thì giờ đây, cả hai đều chỉ còn mối lợi tuyệt đối là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa của các ngài mà thôi và suốt cuộc đời còn lại dù thuận tiện hay không, các ngài luôn sẵn sàng loan báo về Đức Giêsu và ơn cứu độ mà Ngài mang đến cho nhân loại qua cái chết trên Thập giá và sự phục sinh vinh hiển.
Thật vậy, nơi các ngài, tuy nhiều điểm khác biệt, nhưng từ khi Đức Giêsu chiếm lĩnh tâm hồn, các ngài đã trở nên chứng nhân cho Chúa: can đảm, kiên trung và chấp nhận chết để bảo vệ đức tin và lời giảng của mình là xác thực.
Các ngài đã dùng đường lối khác biệt để quy tụ một gia đình duy nhất cho Đức Giêsu. Các ngài đã chấp nhận sự đa dạng, nhưng hiệp nhất với nhau trong cùng đức tin và lòng mến.
Hai con người; hai tính cách; hai lối rao giảng khác nhau, nhưng cả hai đều có chung một mục đích. Chính Đức Giêsu đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một nơi tình yêu và trong Ngài.
Lời nguyện tiền tụng thánh lễ hôm nay cho thấy rõ nét tính cách của hai Tông đồ trụ của Giáo Hội: thánh “Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân” (x. Lời Tiền Tụng).
Thật vậy, thánh Phêrô và Phaolô đã trở nên biểu tượng đức tin bất khuất cho Giáo Hội, trở nên đá tảng xây dựng Kinh Thành Muôn Thủa, trở nên kiểu mẫu của sự hiệp nhất trong đa dạng.
Được như thế, là vì các ngài khác nhau trong những điều phụ, nhưng hiệp nhất với nhau trong những điều chính và cùng chung một tình yêu trong tất cả mọi hoàn cảnh.
Vì thế, các ngài xứng đáng lãnh phần thưởng mà Thiên Chúa trao tặng cho người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, được muôn dân truyền tụng và thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân.
Nhân dịp mừng lễ của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta nhận ra sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã ban cho các ngài. Đồng thời cũng từ cuộc đời, ơn gọi và sứ mạng của hai thánh, chúng ta học được nơi các ngài những bài học quý báu trong hành trình môn đệ và sứ mạng của chúng ta:
Trước hết, chúng ta hãy xin Chúa cho được nhận ra ơn gọi và chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội để sẵn sàng thi hành bổn phận cách đặc thù mà Chúa muốn chúng ta thực thi để danh Chúa được rạng rỡ.
Thứ đến, chúng ta cũng nhận ra sứ mạng cứu độ phổ quát mà Thiên Chúa muốn trao ban cho nhân loại, hầu sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho mọi người, mọi nơi và mọi thời, để đem lại niềm vui, hy vọng cho con người và thế giới hôm nay.
Tiếp theo, chúng ta hãy noi gương các ngài để yêu mến Chúa tha thiết, khiêm tốn, sám hối, trở về, can đảm và sẵn sàng làm chứng cho Đấng đã hiến mình làm của lễ đền tội cho chúng ta.
Cuối cùng, noi gương các ngài, chúng ta sẵn sàng ngoan ngùy để Chúa Thánh Thần dẫn dắt, hầu trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất và làm cho sự phong phú, phổ quát của ơn cứu độ được loan đi đến tận chân trời góc bể.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội hai mẫu gương tuyệt vời là thánh Phêrô và Phaolô. Qua cuộc đời của các ngài, xin cho chúng con biết cùng nhau xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội bằng sự cảm thông, tôn trọng trong khi thi hành sứ vụ, hầu Tin Mừng được loan đi khắp nơi, bằng nhiều cách thế khác nhau nhưng vẫn giữ được sự tinh tuyền của đức tin. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Cũng một cuộc đời

Cũng một cuộc đời.

Ai cũng có một cuộc đời, nhưng họ sống thật đẹp đúng nghĩa Con cái Sự sáng.
Vợ tỉ phú Bill Gates sống như thế nào ?

Là vợ của người đàn ông giàu nhất hành tinh nhưng Melinda không mấy quan tâm đến những cửa hàng thời trang sang trọng, những loại mỹ phẩm đắt tiền hay những tác phẩm nghệ thuật danh giá. Thay vào đó, suốt ngày bà chúi mũi vào những chuyện đại loại như… chu trình sống của con muỗi.


Một người phụ nữ hơi bất thường chăng?


Ngay sau khi cưới nhau, vợ chồng Bill Gates bắt đầu làm từ thiện nhưng làm một cách dè dặt, trong đó có lần tặng máy vi tính xách tay cho các ngôi làng ở khu vực cận Sahara (Phi châu). Nhưng rồi hai người nhận ra người dân lục địa đen cần thức ăn để no bụng và thuốc men để chống lại cái chết hơn là phần mềm Windows xa xỉ.

Thế là họ tậu bao nhiêu là sách về các bệnh lây lan vì ký sinh trùng, về hệ miễn dịch, về cách phòng bệnh… “Bạn không thể nói về chuyện tài trợ cho thuốc chống sốt rét nếu như bạn không hiểu rõ chu trình sống của con muỗi. Làm từ thiện không chỉ đơn giản là ký séc chi tiền”, Melinda nói.
http://www.songtinmungtinhyeu.org/uploads/News/vochongtiphu.jpg
Tại sao lại phải nhọc công đến thế?Melinda có thể tận hưởng một cuộc sống trong nhung lụa, dành thời gian chăm sóc con cái. “Khi cưới nhau, tôi và Bill định khi về già sẽ chia sẻ tiền bạc với người khác. Lần đầu tiên chúng tôi đến châu Phi là nhân một chuyến đi săn năm 1993.

Chúng tôi không thể nào tận hưởng thiên nhiên hoang dã vì cảnh tượng mọi người đi chân đất, phụ nữ phải vừa bế con vừa xách nước đi hàng cây số và bởi lời mời từ một bộ lạc về việc dự buổi lễ cắt âm vật phụ nữ.

Sau đó về nhà, chúng tôi tìm đọc Báo cáo về phát triển thế giới năm 1993 và không khỏi giật mình. Trẻ con đang chết hàng loạt chỉ vì căn bệnh tiêu chảy và những loại bệnh cơ bản mà trẻ con ở nước chúng tôi đã được tiêm vắc-xin.

Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu sự thật và càng tìm hiểu, chúng tôi càng thấy không thể chờ vì bệnh tật không đợi chúng tôi. Tôi đi vòng quanh thế giới để xem điều gì đang xảy ra.

Nỗi sợ hãi khi quay về quá khủng khiếp đến độ tôi không dám hy vọng. Nhưng rồi bạn thấy đó, kinh tế đang thay da đổi thịt ở các nước phát triển và tự nó cải thiện mọi chuyện. Điều đó đã vực Bill và tôi dậy”.

“Chúng ta có xem rẻ mạng sống của người Phi châu hơn mạng sống của chúng ta không? Bill và tôi cho rằng không có sinh linh nào mang giá trị hơn hay kém so với sinh linh khác. Chính sự công bằng này là lý do để quỹ từ thiện của chúng tôi hoạt động” / Melinda Gates
Quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates (BMGF) bắt đầu hoạt động với quy mô nhỏ vào năm 1997 rồi chính thức khai trương vào năm 2000.

Vợ chồng Gates đã cam kết sẽ trao tặng hết 95% tài sản khổng lồ của mình (hiện ước tính khoảng 46 tỉ USD). Vắc-xin và tạo hệ miễn dịch cho trẻ em là mục tiêu chính của quỹ. Đến nay BMGF đã chi tổng cộng 28,8 tỉ USD.

Hồi đầu năm, BMGF đã tặng cho Liên minh Vắc-xin và miễn dịch toàn cầu (Gavi) 750 triệu USD – một trong những món quà cá nhân lớn nhất lịch sử.

Những lần tài trợ trước đó của vợ chồng Bill Gates đã giúp tiêm phòng viêm gan siêu vi B cho 43 triệu trẻ em, giúp giảm 39% tỷ lệ trẻ em bị sởi… Ngoài ra, BMGF còn chi mạnh cho các dự án khoa học nghiên cứu vắc-xin và thuốc men, trong đó phải kể đến chương trình trị giá 35 triệu USD để thử nghiệm vắc-xin chống sốt rét ở Zambia.

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên vì ông bà Gates không dành phần lớn tài sản của mình để lại cho con cái. Hiện họ đang có 3 đứa con nhỏ nhưng Melinda không tỏ ra lo lắng:
“Bất cứ lúc nào gia đình tôi nói tới chuyện tài sản, chúng tôi đều nói đến trách nhiệm phải trao tặng nó cho thế giới. Các con của chúng tôi đã có tài khoản riêng của chúng. Không phải lúc nào chúng muốn mua gì cũng được nấy mà phải đợi đến những dịp như sinh nhật mới được tặng hay đợi cho đến khi chúng tự để dành đủ tiền”.


Hiệp hội Bill & Melinda Gates đã chi bao nhiêu cho ai?

Tính đến đầu năm 2005, tỷ phú này đã cam kết số tiền 28 tỷ USD cho nhiều dự án cứu tế, từ thiện, y tế và giáo dục. Tức ông đã đem cho không đến 38% tổng tài sản của mình. 9,3 tỷ USD là tổng số tiền mà tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đã chi cho các công cuộc từ thiện cứu tế và giáo dục thông qua hiệp hội mang họ tên mình thành lập vào năm 2000. Chúng được chia ra như sau:

Sức khoẻ: 5,5 tỷ USD (gồm chiến lược sức khoẻ toàn cầu, 2,3 tỷ USD; nghiên cứu trị HIV/AIDS, bệnh lao và y tế sinh sản, 1,5 tỷ USD; các bệnh lây lan khác, 1,1 tỷ USD; nghiên cứu phát triển công nghệ y tế toàn cầu, 0,4 tỷ USD; nghiên cứu y tế, chiến dịch y tế toàn cầu…, 0,1 tỷ USD)

Giáo dục: 2,4 tỷ USD
Chương trình xây dựng thư viện toàn cầu: 0,3 tỷ USD
Những dự án đặc biệt khác: 0,6 tỷ USD
Các chương trình từ thiện ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương: 0,6 tỷ USD .

Melinda Gates- quyền lực mà thầm lặng

Có một người phụ nữ giản dị, nhân hậu đã chinh phục được biết bao chính khách, doanh nghiệp. Xuất thân trong một gia đình bình dân Mỹ nhưng nhờ nỗ lực cá nhân và cả nét duyên thầm, người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng của quyền lực mềm thế giới.

Năm nay 44 tuổi, Melinda Gates luôn sát cánh cùng người chồng đại tỷ phú, nhà sáng lập và điều hành Microsoft trong nhiều năm qua, và bản thân bà cũng là chủ tịch quỹ tài trợ lớn nhất hành tinh.

Bà là người có vai trò không thể thay thế trong cuộc đời Bill Gates, là một trong những động lực to lớn để Bill Gates lập ra quỹ Bill & Melinda Gates.

Chung sống với Bill Gates đã 14 năm nhưng Melinda luôn có một cuộc sống trầm lặng, ít khi lộ diện trước báo giới. Những cuộc phỏng vấn luôn bị từ chối, thay vào đó là những cuộc trò chuyện mỗi tuần với những người cộng sự. Người ta biết đến Melinda qua những người bạn của bà nhiều hơn.

Mối thâm tình với chiếc máy tính

Trước khi quen biết Bill Gates, nàng thiếu nữ Melinda đã mê tít máy tính. Chính tình yêu này đã thay đổi cuộc đời cô.

Khi Melinda 14 tuổi, cha cô tặng cho con gái yêu chiếc máy tính Apple II. “Tôi đã nịnh cha mẹ đặt vào phòng riêng của mình để tiện học tập nhưng thời gian đầu tôi khoái chơi game hơn”, Melinda nhớ lại.

Không lâu sau, Melinda đã nắm được ngôn ngữ lập trình cơ bản và thường xuyên trao đổi kiến thức với các cậu con trai quanh xóm. Chính việc ham thích trao đổi về máy tính đã khiến cô bé bớt đi những rụt rè tuổi dậy thì, tự tin và hòa đồng hơn hẳn. Chiếc máy tính Apple II năm sau đã được nâng cấp lên thành Apple III. Melinda thường dùng máy tính giúp cha quản lý sổ sách, kế toán.

Gia đình Melinda không giàu có. Bố cô là kỹ sư và mẹ cô là một người nội trợ điển hình. Mặc dù cha mẹ cô có cho thuê một vài gian phòng để phụ thêm nhưng việc lo cho cả 4 chị em Melinda học lên đại học quả thật không hề dễ dàng. Melinda cùng các anh chị em từ nhỏ đã phụ giúp mẹ lau bàn, dọn bếp và cắt cỏ.

Khi Melinda còn đi học, tuy không có quy định thành văn nhưng thành tích học tập luôn được cả gia đình coi trọng. Melinda luôn đặt cho mình những mục tiêu để chinh phục một cách bền bỉ và quyết tâm. Cô giáo dạy môn đại số đã nhận xét “Melinda luôn tìm ra cách học tập hiệu quả nhất!”.

Khi đó, Melinda theo học tại một trường nữ sinh Thiên Chúa giáo, cô ao ước được vào trường Notre Dame. Trong suốt quá trình học, Melinda luôn cố gắng và đã trở thành đại diện phát biểu trong lễ bế giảng. Nhưng cũng chính Melinda là người đưa ra quyết định từ bỏ trường đại học đặc biệt này vì nơi đây coi “máy tính là sở thích nhất thời, phụ nữ không phù hợp với nghiên cứu công nghệ”.

Sau đó Melinda được nhận vào trường đại học Bắc California. Trong 5 năm học tại đây, Melinda đã được nhận bằng cử nhân khoa học máy tính và thạc sỹ quản trị kinh doanh.

Ngay trước hôm tiến hành lễ tốt nghiệp, Melinda đã tham gia phỏng vấn vào công ty IBM. Cô nhớ lại “Tôi đã nói với người phỏng vấn là mình sẽ tham gia thi tuyển vào một công ty phần mềm nữa. Bà ấy đã mỉm cười và nói nếu tôi được công ty phần mềm đó chọn, tôi càng có nhiều cơ hội hơn”. Và Melinda đã đến nơi có nhiều cơ hội hơn – Microsoft.

Tình yêu với sếp và khát vọng chung thay đổi thế giớiNăm 1987, Melinda bắt đầu làm việc chính thức tại Microsoft. Cô phụ trách quảng bá phần mềm văn bản.
Ngay từ những ngày đầu tiên, Melinda đã thích không khí làm việc cởi mở, năng động nơi đây. Cô chúi mũi vào công việc mà không thể ngờ rằng chỗ làm việc lý tưởng này lại đem đến cơ hội tình yêu cho mình.

Melinda là người trẻ nhất trong những người được nhận vào Microsoft làm việc đợt đó. Trong 10 người có bằng MBA, cô cũng là người nữ duy nhất. “Những người được tuyển đợt đó rất tài năng. Tôi đã choáng ngợp khi tiếp xúc với họ và nghĩ họ có thể thay đổi thế giới. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì sao công ty phần mềm nho nhỏ hồi đó lại hấp dẫn họ đến thế!”

Khi đó hai sếp lớn Bill Gates và Steve Ballmer đang bất đồng trong khá nhiều vấn đề, họ thường căng thẳng và quát cả cấp dưới. Nếu như không có cảm tình đặc biệt khi nhìn thấy dáng vẻ thư sinh của Bill, Melinda đã bỏ việc từ lâu.

Sau khi vào công ty được 4 tháng, Melinda đến New York tham dự một triển lãm công nghệ và ngồi cạnh Bill Gates trong một buổi tiệc.

Melinda nhớ lại: “Anh ấy quả thật rất có phong cách, còn hơn trong tưởng tượng của tôi”. Khi Bill được hỏi tại sao để ý Melinda, ông trả lời: “Tôi nghĩ chắc là do vẻ đẹp của cô ấy”.

Mùa thu năm đó, Bill và Melinda gặp lại nhau tại nhà để xe của công ty. Melinda nhớ hôm đó là thứ 7 và mọi người trong công ty vẫn phải đi làm.

Họ nói chuyện một lúc, Bill nhìn đồng hồ và hỏi: “Em có đồng ý hẹn hò với tôi trong vòng hai tuần bắt đầu từ thứ 6 tuần sau không?”

Melinda trả lời: “Từ thứ 6 tuần sau bắt đầu hai tuần hẹn hò? Em thấy không được tự nhiên lắm! Không biết được, đến lúc đó hãy gọi cho em”.

Sau đó, Bill gọi lại báo cho Melinda lịch hoạt động ngày hôm đó, Melinda nhận lời hẹn gặp ông vào buổi tối thứ 6 định mệnh.

Trước khi hai người gặp nhau, Bill đã là một tỉ phú nhưng điều đó không có nghĩa là ông có thể “mua” được tình yêu. “Theo đuổi cô ấy thật vất vả”, Bill than thở. Số là mẹ của Melinda vốn cho rằng chuyện tình cảm của con gái mình với sếp không có gì hay ho cả.

Nhưng Melinda đã đặt ra những giới hạn cho mối quan hệ này, quyết không để ảnh hưởng đến công việc. “Tôi không muốn công khai tình cảm, không bao giờ nói chuyện công việc trong thời gian hẹn hò…”

Dù có công khai chuyện tình cảm với sếp lớn hay không thì bạn bè đồng nghiệp vẫn phải nể Melinda về năng lực làm việc.

Sau 9 năm làm việc bà đã lên chức giám đốc phụ trách các sản phẩm thông tin.

Cấp trên trực tiếp của Melinda lúc đó, bà Patty Stonesifer đã nhận xét: “Nếu tiếp tục ở lại làm việc, Melinda chắc chắn sẽ đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp nhất của Microsoft”.


Tháng 1/1994, Melinda rời khỏi Microsoft, dành toàn bộ tâm huyết cho quỹ từ thiện. Tình cảm hai người dành cho nhau càng trở nên sâu sắc.


Trước đây Bill Gates chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập quỹ tài trợ, dù luật sư và kế toán của ông thường xuyên khuyên ông nên dành thời gian và tiền bạc để chính thức tham gia các hoạt động từ thiện.

Đó cũng là lý do mà báo chí những năm 1990 gọi Bill là “kẻ hà tiện”. Cha của Bill giải thích “Con tôi không muốn đứng ra thành lập quỹ từ thiện vì không muốn sở hữu thêm một công ty nữa”. Ngay từ ngày đầu lập quỹ, Melinda đã quán xuyến công việc quản lý.

Những ngày đầu, Melinda và Bill lập ra dự án tặng cho mỗi phòng học một laptop phục vụ việc giảng dạy nhưng công tác quảng bá đã bị giới truyền thông phê bình gay gắt vì… phô trương và thiếu thực tế.

Khi đi khảo sát các trường học, Melinda nhận ra rằng, chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy, vì thế sau này thúc đẩy phổ cập giáo dục mới là mục tiêu chính của quỹ.

Dưới ảnh hưởng của Melinda, quỹ Bill & Melinda Gates đã mở rộng phạm vi hoạt động của mình trong lĩnh vực phòng chống AIDS, bệnh sốt rét…

Melinda chia sẻ: “Chúng tôi muốn dần dần thiết lập một danh sách cần cứu trợ hợp lý. Tiền chỉ có ích khi mang lại những lợi ích thực sự cho những người cần cứu trợ nhất”.

Bà cũng cho biết, quỹ Bill & Melinda Gates không quyên gửi thẳng tiền cho viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ mà tập trung cho những dự án và khu vực khẩn thiết hơn.

Bà Gates dùng phương pháp liên kết những nhà bán thuốc và bảo đảm trợ cấp tài chính cho việc nghiên cứu để đổi lấy sự hạ giá thuốc cho những nước nghèo, qua đó tạo đà mới cho ngành y học ngừa bệnh của các nước kém phát triển vốn đã bị chững lại từ những năm 1990.

Và rõ nét nhất là việc sáng lập Công ty Vaccine HIV – là công ty liên kết các nhà nghiên cứu với ngân sách 400 triệu USD.

Trải qua 7 năm hoạt động, dưới sự điều hành của Melinda, quỹ Bill & Melinda Gates đã góp phần cứu sống ít nhất 700.000 người tại các quốc gia nghèo thông qua các khoản đầu tư vào những chương trình vaccine.

Quỹ Bill & Melinda Gates hiện là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, với tài sản lên tới 29,1 tỉ USD và luôn đi đầu trong chiến dịch nâng cao sức khỏe cộng đồng trên quy mô quốc tế. Melinda, Bill Gates và cha của Bill là 3 thành viên điều hành quỹ.

Gần đây, Bill Gates đã chính thức rời khỏi Microsoft để hoàn toàn tập trung cho công việc từ thiện.

Mỗi năm quỹ này nhận được khoảng 6000 thư xin được trợ giúp ở khắp nơi trên thế giới.

Bill và Melinda sẽ tự mình phê duyệt với tổng số tiền trên 40 triệu USD. Cách làm những công việc ở quỹ của đôi vợ chồng này uyển chuyển và có phần thử thách hơn cả khi điều hành Microsoft.

“Chúng tôi trò chuyện ngay cả lúc cùng chạy bộ với nhau”, Bill cười nói. Trong vòng hai năm trở lại đây Bill Gates đã chạy bộ khá đều đặn và cùng luyện tập trí nhớ một cách thú vị và ý nghĩa.

Hai người cùng thảo luận và nêu ra các phương án hành động cho các dự án tài trợ. Các thông tin này sẽ được cả hai nhẩm nhớ, không ghi lại bằng giấy gì cả và ghi nhớ cho đến khi thông báo lại cho các thành viên quản lý quỹ để thông qua chính thức.

Món quà đặc biệt của tỉ phú Warren BuffettTháng 6/2006, Warren Buffet đã chuyển giao một phần tài sản trị giá khoảng trên 30 tỉ USD của mình vào việc làm từ thiện, trong đó 83% số tiền được đưa vào Quỹ Bill & Melinda Gates. Khoản hiến tặng này được xem là lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Vào thời điểm đó, số tiền được quyên này còn lớn hơn gấp đôi số tiền hiện có của quỹ. Đây là lời công nhận đầy thuyết phục đối với khả năng quản lý từ thiện, một lĩnh vực mới mẻ và nhiều thách thức của nhà đầu tư tài chính hàng đầu với hai vợ chồng Bill Gates.

Tin vui này cũng đến khi cả hai người đang chạy bộ. Melinda nhớ lại với một vẻ bồi hồi: “Tôi nhận được điện báo và không tin vào tai mình nữa. Tôi nói với Bill, và thực sự muốn khóc. Chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã có niềm tin của mọi người, và chúng tôi có nhiều trách nhiệm hơn nữa”.

Hiện nay, Quỹ từ thiện của hai vợ chồng bà đã thu thập được 37,6 tỉ USD, trong đó, 3,5 tỉ USD là phần góp của nhà tỉ phú Warran Buffet, người đứng đầu công ty Berkshire Hathaway. Sắp tới đây, Warren Buffet dự định chuyển cho quỹ Bill & Melinda Gates thêm 9.000 cổ phiếu nữa với trị giá 41 tỉ USD.

Như vậy, cùng với các khoản lạc quyên và hàng tỉ USD của chính hai vợ chồng Bill Gates, tổng số vốn của quỹ trong vài năm tới sẽ đạt đến con số khổng lồ là 100 tỉ USD. Cả hai vợ chồng đều sẵn sàng chi tiêu toàn bộ số tiền này vào việc giúp đỡ những người nghèo khổ không chỉ ở nước Mỹ. Đến nay, quỹ đã chi gần 20 tỉ USD cho nhiều hoạt động từ thiện.

Bill Gates thừa nhận rằng vợ ông hiểu biết về con người hơn ông. Khi động chạm đến việc nên chi tiền trong quỹ vào những lĩnh vực gì, bà Melinda bao giờ cũng có những ý tưởng thông minh hơn chồng. Melinda nói: “Hai vợ chồng chúng tôi đã cùng soạn lập danh mục những hiện tượng bất công nhất trên thế giới. Và chúng tôi lựa ra những hiện tượng mà chúng tôi có thể đấu tranh”.

Trong hoạt động nhân đạo chung của cả hai vợ chồng, vai trò của bà Melinda dường như nổi bật hơn.

Không phải vô cớ mà người bạn thân của họ – nhà tỉ phú Warren Buffet – đã có nhận xét rất đáng chú ý: “Bill Gates cực kỳ thông minh. Nhưng khi ta nhìn toàn bộ bức tranh chứ không phải một phần riêng biệt nào đó thì Melinda hiển nhiên là vượt xa chồng. Nếu như Melinda không làm việc trong quỹ từ thiện của hai vợ chồng họ thì liệu tôi có trao tiền cho Bill không? Có lẽ không”.

Như vậy, điều kiện chủ yếu thúc đẩy Buffet chuyển giao tài sản chính là người vợ nhanh nhẹn, hiểu biết, thấu tình đạt lý của Bill Gates. Buffet đã khiến Bill phải thốt lên: “Melinda đúng là vận may lớn nhất cuộc đời tôi”.

Yêu thích cuộc sống bình lặngLà vợ người thường xuyên giữ vị trí giàu nhất thế giới, Melinda không tránh khỏi những phiền toái của cuộc sống.

Dù cố gắng thế nào đi nữa, Melinda cũng rất khó khăn để có được cuộc sống bình thường. Nhưng đến nay, sau nhiều nỗ lực, người phụ nữ dịu dàng này vẫn có cách để cuộc sống của mình đi theo những quỹ đạo mong muốn.

Trước khi kết hôn với Bill Gates, Melinda cũng chịu nhiều áp lực từ khối tài sản đồ sộ này. Melinda luôn băn khoăn con người mải mê công việc và cạnh tranh thương trường của Bill Gates có thích hợp với cuộc sống gia đình hay không.

Câu hỏi: “Cái người có thể phát điên lên vì công việc này nếu làm chồng mình sẽ ra sao?” luôn quẩn quanh trong đầu Melinda.

Cuối cùng bà cũng nói thẳng điều này ra với Bill, rằng: “Nếu muốn em dọn đến ở cùng anh, anh cần phải tạo nên một ngôi nhà thực sự ấm cúng của gia đình giống như em tưởng tượng”.

Sau 6 tháng thảo luận, bàn bạc với vị hôn phu, Melinda đã đã đích thân thuê kiến trúc sư cải tạo khu nhà ở 3700m2. Đến nay, cứ cuối tuần Melinda đều cho đội ngũ làm thuê trong tư gia nghỉ, để gia đình có thể trải qua những giây phút quây quần bên nhau như những gia đình bình thường khác.

Có 3 con, điều đáng ngạc nhiên là chính Melinda đã tuân thủ các quy định nuôi con bằng sữa mẹ như các bác sĩ khuyến cáo.

Trong việc nuôi dạy bọn trẻ, Melinda cũng khuyến khích các con tự lập và làm việc chăm chỉ. Bà cũng tranh thủ đưa các con đi cùng trong các chuyến đi từ thiện để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa mở rộng tầm nhìn về thế giới cho chúng.

Melinda và Bill cũng thống nhất trong việc để dành thừa kế cho các con. Sẽ không quá 5% tài sản của họ sẽ trở thành tiền thừa kế của 3 con, còn khối tài sản khổng lồ còn lại sẽ trở thành khoản đầu tư từ thiện với mong muốn sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người hơn nữa.

Thực ra, ban đầu Bill và Melinda thậm chí không muốn để lại tài sản gì cả nhưng người bạn thân Buffet đã khuyên:

“Một người có rất nhiều tiền nên để lại cho con cái họ đủ số tiền để chúng thực hiện ước mơ của mình nhưng cũng không được nhiều đến mức chúng không muốn làm gì nữa”.

Không thích mua sắm, ghét những nhãn hàng xa xỉ và chỉ trang điểm nhẹ nhàng, Melinda vẫn giữ được vẻ đẹp trẻ trung suốt những năm qua.

Một trong những bí quyết của bà là luyện tập thể thao đều đặn. Melinda đã tập chạy marathon từ gần 15 năm qua, thậm chí còn tham dự cả giải Seattle Marathon.

Dù bận rộn đến mấy, mỗi tuần bà cũng có một cuộc chạy việt dã, trong 1 giờ vượt qua 11km. Việc Bill tham gia chạy trong 2 năm trở lại đây cũng là do Melinda động viên và thôi thúc.

Hoàng Trần sưu tầm (tổng hợp từ Internet)

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN