Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Có người mẹ nào như thế?

Ngày 27/08: Thánh nữ Monica( 331- 387)




Thánh nữ MONICA
Hôm nay tôi muốn được chia sẻ đôi điều với anh chị em, đặc biệt với những ai được mang danh hiệu cao quí là Mẹ.
Khi viết về người Mẹ một nhà văn Pháp đã có những lời diễn tả như thế này: “Bà mẹ không phải như một họa sĩ vẽ cái đẹp lên tranh, không như một nhà điêu khắc chạm hình trong đá, không như nhà văn diễn đạt tư tưởng hay bằng những lời chọn lọc, cũng không như một nhạc sĩ ký thác tâm tình đẹp trong tiếng đàn. Phận sự của bà mẹ chính là nhờ ở sức Chúa giúp đỡ, hình thành nên trong linh hồn những người con hình ảnh của Chúa trên trời."
Vâng kính thưa anh chị em
Có lẽ không có lời nào hay hơn thế để mô tả về một người mẹ, một người mẹ rất nổi tiếng trong Giáo Hội mà hôm nay chúng ta mừng kính. Đó là thánh nữ Monica.
Chúng ta chỉ biết Thánh Mônica qua quyển Tự Thuật của người con là Thánh Augustino. Bà sinh khoảng năm 332 ở Tagaste miền bắc Châu Phi, là con trong một gia đình có đạo. Lúc 18 tuổi, bà phải kết hôn với một người ngoại tên là Patricius theo ý của gia đình và sau đó sinh được 3 người con: người con cả là Augustinô. Bà luôn theo dõi sự phát triển của con với niềm vui lẫn âu lo. Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi người con của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Dầu vậy bà luôn luôn lấy tình thương khuyên nhủ con. Sau một thời gian quá dài nhưng chưa chinh phục được người con của mình, bà đã được một vị Giám mục, nói chính xác là thánh Ambrosiô, đã an ủi bà: "Không lẽ một người con đã làm cho bà rơi biết bao nhiêu nước mắt, lại phải hư mãi sao?".
Như vậy là chúng ta thấy không những bà đã lo lắng cho chồng để ông được trở lại đạo một năm trước khi ông qua đời, khoảng năm 371. Rồi sau khi chồng mất, bà đã từ Roma theo người con cả Augustino lên tận Milan nơi ông dạy học để ở nơi đây Bà được chứng kiến cảnh con của mình từ bỏ lạc giáo trở về với Chúa, chịu rửa tội vào đêm Vọng Phục Sinh năm 387 dưới sự hướng dẫn và dìu dắt của Giám Mục Ambrôsiô. Sau khi trở lại, Augustinô, em và mẹ đã quyết định trở về Tagaste.
Mùa thu năm 387 cả ba mẹ con từ bỏ Rôma, lên đường về Châu Phi. Chúng ta hãy nghe chính Augustinô thuật lại những giờ sau hết của mẹ mình trên dương thế: "Con không nhớ rõ con đã trả lời làm sao. Nhưng phỏng năm ngày sau, hay hơn một chút, mẹ con ngã bệnh sốt rét. Đang khi nằm bệnh, thì ngày nọ ngài bất tỉnh, không còn nhận ra những người chung quanh. Chúng con chạy tới thì ngài tỉnh lại ngay, nhìn con và em con đang đứng đó; ngài có vẻ tìm kiếm cái gì đó và bảo chúng con : “Mẹ ở đâu thế này?”
Rồi thấy chúng con buồn sầu và lo sợ, ngài nói: "Các con hãy nhớ chôn mẹ ở nơi đây!' Con thinh lặng và kìm hãm nước mắt. Nhưng em con nói mấy lời tỏ ý ước ao thấy ngài được chết tại quê nhà hơn là ở tha hương. Nghe thấy vậy, ngài tỏ vẻ không bằng lòng. Ngài quắc mắt nhìn em con, vì nó đã có những tư tưởng như vậy, rồi nhìn con mà nói: "Con xem, nó nói như vậy đó!” Đoạn ngài bảo hai chúng con: "Các con chôn xác này ở đâu cũng được; các con đừng quá lo về việc đó. Mẹ chỉ xin các con một điều, là bất cứ các con ở đâu, các con hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa". Sau khi cố gắng nói được điều đó rồi, mẹ con ở lặng và cơn bệnh gia tăng, làm cho ngài càng đau đớn. Vậy, sau khi thụ bệnh được 9 ngày, thì linh hồn thánh thiện và đạo đức đó đã lìa khỏi xác: ngài được 56 tuổi còn con được 33 tuổi" đúng tuổi sống trên đời của Chúa Giêsu.
Augustinô đã chôn cất mẹ tại Ostia.
Sau này khi nhớ về cái chết của Mẹ mình Augustinô đã viết: "Con mất mẹ cách đột ngột, nhưng con cảm thấy an ủi khi dâng cho Chúa nước mắt con khóc mẹ. Con dâng nước mắt ấy cầu nguyện cho mẹ con. Nếu ai đoán xét con, phạm tội vì khóc thương một bà mẹ chết đi và tạm thời mắt con không còn trông thấy được nữa, thì con xin họ nhớ rằng chính bà đã khóc than biết bao năm trường để mắt bà được trông thấy con sống lại với Chúa, xin họ đừng nhạo cười con, nhưng xin họ cũng khóc lóc vì tội lỗi con đã phạm trước mặt Chúa. Chúa là cha của tất cả anh chị em chúng con trong Đức Kitô.
Ngày nay xác bà được dời về thánh đường kính Thánh Augustinô tại Rôma.
Vâng đó là cuộc đời của người mẹ thánh. Và sự thánh thiện đã đổ tràn qua người con. Một niềm vui vô cùng lớn lao nhưng là một niềm vui phải trả bằng một giá thật lớn. Rõ ràng một người mẹ nhờ ở sức Chúa giúp đỡ hình thành nên trong linh hồn người con của mình hình ảnh của Chúa trên trời."
Hình như số phận của những người làm mẹ muốn cho con của mình được thành đạt, thành đạt trong cuộc sống đời thường hay thành đạt trong lãnh vực thiêng liêng đều phải như thế.
Ông Comolet Sue, nhà giáo dục danh tiếng, đã điều tra và kể lại trong bản báo cáo về Hội Hôn nhân Thiên Chúa giáo ở Pháp câu truyện này:
Có lần ông gặp một bà góa. Các con bà giữ đạo sốt sắng và thành công một cách vinh quang trên đường đời. Ông hỏi bà :
- Bà đã làm gì trong công việc giáo dục con cái bà? Bà đã dìu dắt con bà một cách thực tế như thế nào trong cuộc đời? Bà đã một mình làm tròn sự nghiệp phức tạp ấy!
Bà trả lời cách gọn gàng, giản dị:
 - Tôi không biết.
Ông gặng hỏi:
 - Bà giấu đấy chứ? Các con trai bà đã làm cách nào để tạo được những địa vị danh giá mà đồng thời vẫn là tín đồ đáng nể phục? Các con bà hình như rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Có bao bà phải thất vọng không ...?
Bà mỉm cười và hỏi:
 - Ông có tin tưởng Thiên Chúa không?
 - Chắc là Thiên Chúa cai trị sóng gió, nhưng nếu bà không biết lo liệu thì thuyền cứ chìm.
 - Lo liệu phòng ngừa là phải cầu nguyện cho nhiều.
 - Không đủ, thưa bà. Bởi chắc không phải lúc nào bà cũng chắp tay quỳ gối trong nhà thờ?
Bị hỏi dồn, bà nói thiệt:
 - Ngày chồng tôi chết, để lại cho tôi mười đứa con nhỏ, đứa lớn chưa đầy 15 tuổi. Tiền của eo hẹp, nên tôi phải quả quyết... Trước hết là... Là xét lại lương tâm, khi xét mình tôi đã nhận thấy cần phải tu chỉnh, cải tạo đời sống mình cho tốt hơn, thêm nhiều đức tính tốt hơn nữa. Tôi làm ngay... và cứ thế mà tiến...
 - Có thế thôi sao? Bà còn làm gì hơn nữa cho con bà?
-  Không có gì khác cả, thưa ông. Tôi tự sửa mình và chính Chúa đã đào tạo chúng nó.
Ngạn ngữ của người Roma có câu: “Không ai có thể cho cái mình không có.” Bà Monica thánh thiện cho nên sự thánh thiện của bà đã tràn qua người con.( Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Như Phạm Thế Mỹ đã viết bài hát "Bông hồng cài áo", hẳn là rất tâm tư:" Mẹ là dòng suối dịu hiền, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối; mẹ là lọn mía ngọt ngào, mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời. Để rồi...khi không còn mẹ,  nhận ra ta "như đóa hoa không mặt trời, như trẻ thơ không nụ cười, ngỡ đời mình không lớn khôn thêm, như bầu trời thiếu ánh sao đêm..."Sự diệu hiền, nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh  đã làm cho mẹ rực rỡ như ánh dương, bao la như Thái Bình." Trong khi lặn lội tìm con mình, hẳn là thánh Monica đã trải qua bao gian nan, khổ cực, nhưng một lòng quyết chí trông cậy vào tình thương của Chúa mà thánh nữ đã vượt qua và tìm được con mình. Nhìn lại con đường thánh nữ đi qua, ta nhận ra một điều: thánh nữ đã làm gương cho con mình. Bà giáo dục và dìu dắt con bà trong sự yêu thương bằng chính cuộc đời mà thánh nữ điều chỉnh mình từng ngày.
Cuộc sống ngày nay như dòng thác lũ, cuốn phăng đi tất cả giá trị luân lý của con người nếu ta không có thời gian nhìn lại mình. Ta dạy con bằng bức tranh vẽ cảnh vật, đường đi mang màu sắc rực rỡ; trong khi ta lại đi trên con đường bùn lầy ngập ngụa dơ bẩn, con đường mang gam màu xỉn; thì thử hỏi con có vâng lời đi trên con đường ta vẽ cho chúng không? hoặc nhìn theo cách giản đơn: ta dạy con phải học, trong khi ta tụ họp ăn chơi, ta dạy con nhường nhịn trong khi ta hơn thua, ta dạy con yêu mến mọi người trong khi ta không có lòng nhân ái, ta dạy con hiếu thảo với ông bà cha mẹ trong khi ta sống thờ ơ với cha mẹ mình, ta dạy con yêu mến Chúa trong khi ta không siêng năng đến nhà thờ...Thánh nữ Monica không thế, người chỉ là một góa phụ, đã giáo dục, những đứa con của mình trưởng thành. Bà đã phải khóc lóc vì thấy nơi Augustinô, người con trai giỏi giang, tài năng của bà có những dấu hiệu sai lạc về luân lý và tinh thần. Bà đã dùng chính cuộc đời gương mẫu và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa với bao nước mắt; chính những giọt nước mắt ấy đã làm thay đổi cuộc sống Augustino; mà sau này Giáo hội đã có vị Thánh tài ba, lỗi lạc: thánh Augustino -Gm tiến sĩ hội thánh.Trong tất cả các kỳ quan, kỳ quan tuyệt mỹ nhất là trái tim người mẹ".Thánh nữ Monica là mẫu gương sáng ngời như thế. 
Nguyện xin thánh nữ trên trời hướng dẫn cho chúng con, những bà mẹ còn ở trần thế này biết sống theo gương mẹ, để ngày sau được hưởng ơn ban của Thiên Chúa, vui vầy cùng các thánh trên Quê Trời.

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2014

Thương xá Tax còn đâu?

THƯƠNG XÁ TAX CÒN ĐÂU?


Với lịch sử lâu đời, thương xá Tax đã là một biểu tượng của Sài Gòn. Toà nhà cổ kính với kiến trúc Tây phương này sẽ bị đập phá để xây một toà nhà 40 tầng đã làm tiếc nuối nhiều người.
Theo bạn có cần thiết phải đập cái cũ để xây cái mới không?

Hình ảnh những năm đầu của Thương xá Tax

Được xây dựng từ năm 1880, Thương xá Tax đã trở thành địa điểm tham quan mua sắm quen thuộc của người dân Sài Gòn trong suốt hơn 130 năm qua.




Thương xá Tax có một lịch sử lâu đời và được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa. Ban đầu, nơi này mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông.



Công trình tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của Sài Gòn, ngay trung tâm quận 1.



GMC kinh doanh các mặt hàng sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.



Cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố, Dinh toàn quyền (nay là Hội trường Thống Nhất), Dinh Xã Tây (này là UBND TP HCM), Thương xá Tax góp phần tạo nên một "Hòn ngọc Viễn Đông" tao nhã và sôi động bậc nhất châu Á thời bấy giờ.



Về sau, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa. Chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa.



Đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. 



Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp...



... đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.



Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại bền vững.



Sau ngày giải phóng, Thương xá Tax được giao lại cho UBND thành phố, Tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất. Đến năm 1981, UBNDTP quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đây cũng là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.



Ngày 19/1/1998, dòng chữ Thương xá Tax chính thức được đặt trên nóc tòa nhà, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa.



Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại Thương xá Tax được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà và trở thành điểm tham quan quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách quốc tế.



Tòa nhà với câu chuyện hơn “100 năm lịch sử” đã là một trung tâm thương mại sầm uất, lâu đời nhất tại Việt Nam. Dự kiến vào cuối năm nay địa điểm này sẽ được xây dựng thành trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn tại Thương xá Tax. Theo thiết kế, Thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng gồm có trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe.


...vẫn còn đâu đó những nỗi buồn của những người xem Thương xá Tax là nơi gắn liền ký ức của mình.




Thương xá Tax có một lịch sử lâu đời, từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa hoa lệ. Tòa nhà cùng với những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc khác như Chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Nhà hát lớn thành phố... góp phần tạo nên một “Hòn ngọc Viễn Đông”, một “Ville de Sai Gon” tao nhã và sôi động bậc nhất Châu Á thời bấy giờ.
Thương xá Tax ngày ấy được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Les Grands Magazins Charner tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó.
Cùng với việc kinh doanh tại GMC rất hưng thịnh, để tận dụng tối đa công năng và hiệu quả sử dụng tòa nhà, người chủ GMC đã quyết định đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa, đồng thời chữ GMC được đặt trên nóc tòa nhà, quan khách có thể nhìn thấy từ rất xa.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu Dịch đổi tên thành Thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê vị trí để buôn bán. Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, hàng hóa không khác mấy so với trước, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975 tòa nhà Thương xá Tax được giao lại cho UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Tòa nhà không còn là địa điểm kinh doanh sầm uất; mặt bằng thỉnh thoảng được tận dụng làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh của thành phố sản xuất.
Đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1978, một lần nữa Thương xá Tax được đổi tên thành Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố, với đội ngũ mậu dịch viên khăn quàng đỏ, đánh dấu sự náo nhiệt trở lại của tòa nhà tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian trầm lắng.
Đến năm 1981, trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà trước đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố trực thuộc Sở Thương Nghiệp để nâng tầm hoạt động, đáp ứng việc phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng và tòa nhà là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử cùng biến động của thành phố, tòa nhà vẫn tiếp tục tồn tại một cách bền vững và lặng lẽ. Tuy nhiên, dấu ấn thời gian ngày một in hằn trên từng cây cột và từng mảng tường… bản thân tòa nhà cần được đầu tư sửa chữa một cách tổng thể.
Những năm cuối thập niên 90 của Thế kỷ 20, tòa nhà một lần nữa được cải tạo và chuẩn bị cho giai đoạn buôn bán tấp nập, thịnh vượng mới. Thời điểm này, tòa nhà trở thành một trung tâm giao dịch thực sự, hàng hóa tại đây vô cùng phong phú, từ hàng may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện. Việc giao thương với người Nga rất được chú trọng nên thời kỳ này tòa nhà còn có một tên gọi khác là “chợ Nga”.
Ngày 18/10/1997, Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố được đổi tên thành Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn, trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).
Ngày 19/1/1998, dòng chữ "THƯƠNG XÁ TAX" chính thức được đặt trên nóc tòa nhà thay thế dòng chữ Cửa Hàng Bách Hóa Tổng Hợp Thành Phố, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước sự cạnh tranh từ các trung tâm thương mại do người nước ngoài đầu tư và quản lý, một lần nữa áp lực cạnh tranh đã buộc Thương xá Tax phải tự làm mới mình.
Ngày 26/4/2003, một Trung tâm Thương mại hiện đại mang tên Thương xá Tax được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà đã đáp ứng được sự mong đợi của lãnh đạo cũng như đông đảo nhân dân thành phố và du khách đến từ khắp nơi trên Thế giới.(Internet)
Ngẫm nghĩ thay cho lời kết: 

Không cao mà cũng phải ngước nhìn

Công trình kiến trúc cổ đẹp xinh
Oằn mình chịu đựng bao biến cố
Gồng gánh con dân đất nước mình.

Thời gian: mang bề dày  lịch sử

Công trình: hình dáng của quốc gia.
Nếu là mới? Sài Gòn đâu có mới,
Nghĩ cho cùng, Thương xá Tax cũ không?

Thương xá Tax còn đâu,Hòn Ngọc hỡi?

Viễn Đông ơi, nhỏ lệ tiễn bạn hiền.
Còn người, còn lực, còn đâu trí,
Lịch sử bao đời nỡ bỏ đi?   (MT)

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Khiêm hạ



"Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên." (Mt 23,12)

"Còn ai cao trọng hơn Gioan?"

Khi Gioan đi rao giảng khắp vùng ven sông Gio đan và rửa tội cho họ, hồi ấy, dân đang trông ngóng một đấng cứu thế và lầm tưởng Gioan là đấng Mesia họ trông đợi. Gioan đến và trả lời với họ rằng: "...có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài!" Còn ai cao trọng hơn Gioan? Vậy mà trước Thiên Chúa, Gioan đã nhìn nhận bản thân trước mọi người mà khi ấy đã xem Ngài như là Mesia? 
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầmthường.Nhiều người trong chúng ta đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.Chúa ơi, biết bao lần con sống xa người anh em con, chỉ vì cái thói ích kỷ, kiêu căng. 


Xin Chúa tẩy sạch con, để con thấy những thói tật xấu xa đó chỉ làm con thấp hèn và xa người anh em con hơn. Và xa người anh em con chính là con đang xa Chúa. Xin hãy giữ con lại trong Chúa. 

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Lạc đà qua lỗ kim

Lời Chúa: Mt 19, 23-30
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời.  Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”
Chúa Giêsu dùng một hình ảnh cường điệu, để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,
khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ. Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được.
Của cải, vật chất có sức mạnh của nó. " Đồng tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là đà danh vọng, là lọng che thân, là cán cân công lý...". Thật vậy,  từ cổ chí kim, đồng tiền luôn chi phối đời sống con người; nó đưa con người từ chổ thấp lên cao, nó chứng tỏ sức mạnh van năng, chứng tỏ quyền lực, nó có thể biến chuyện vô lý thành có lý, biến trắng thành đen, biến công lý thành nhà tù, đẩy bao người công chính vào chổ cùng cực, bế tắc. Chính vì thế mà người ta thu tích mọi thứ về mình một cách vô độ,  từ chổ "con người làm chủ vạn vật' thành kẻ nô lệ của cải vật chất, nô lệ đồng tiền. 

Thuở xưa, 12 tông đồ theo Chúa Giêsu, họ từ bỏ mọi sự nơi quê nhà để theo Thầy chí thánh. Họ cũng có cha mẹ anh em, gia đình, con cái, nhà cửa, của cải vật chất, công việc, địa vị...trong số họ có người cũng được coi là nhà giàu,  họ cũng can đảm bỏ hết để theo Chúa. Vậy người giàu cũng có thể vào được Nước Trời, tuy có khó khăn, vất vả. 
Chúng ta ngày nay đã được đọc nhiều Kinh Thánh, hiểu biết Lời Chúa, thấm nhuần giáo lý Phúc Âm...nhưng chúng ta có dám bước theo Chúa Giêsu như các tông đồ xưa không? Câu hỏi tưởng dễ hóa ra lại khó.

 "Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).
Thật vậy, của cải không so sánh với Thiên Chúa được. Của cải chỉ làm cho ta tự mãn, cứng cỏi, quyền lực trước người anh em của ta nơi trần thế, nhưng lại hèn kém trước mặt Thiên Chúa. Thử hỏi: ai cho ta sự sống này, đồng tiền có làm cho ta trường sinh bất tử mà hưởng lạc không? Vậy thì của cải nào có ích gì? 

Nhớ khi mẹ còn sống, tôi thường cằn nhằn với mẹ sao cứ ăn thức ăn cũ, thức ăn mới thì gói ghém cho người ta, khi thì anh đổ rác, khi thì chị bán đậu hủ, em bán vé số...chung quanh mẹ toàn là "người gì đâu!". Ngày mẹ đổ bệnh, chỉ vài tháng sau là qua đời, mẹ tôi tỉnh táo cho đến lúc mất. Chúng tôi vừa cười, vừa khóc khi mẹ "chia của": phần này là để dành cho nhà thờ Cha này để làm cái giếng bơm, nhà thờ Cha kia sắp hoàn tất, nhà thờ nọ Cha mặc cái áo gió  rách cả khuỷu tay, đôi dép Cha đi mòn dẹt; Sr dòng này, dòng kia...rõ ràng, không lẫn lộn; rồi thì nuôi ơn kêu gọi, thăm nhà hưu dưỡng, trại phong...cho đến xấp vải này cho cháu gái con chị X vô năm học mới, cho tiền con chị Y khám mắt và "cắt" cho thằng con trai chị cặp kiếng mới,"để kiếng cũ lên độ hư mắt!". Những ngày mẹ sắp mất, người ở đâu mà tới thăm liên tục, thấy mẹ thở oxy mệt, chúng tôi hạn chế người thăm, ấy vậy mà mẹ biết, cố gắng thều thào: "đừng làm vậy người ta buồn, ai vô thăm mẹ, cho vô!". Những lúc khỏe một chút, tôi thầm thì  với Mẹ: "Mẹ đi một mình có sợ không?" Mẹ tôi cau mày, chỉ tượng Đức Mẹ rồi đưa 2 ngón tay. Tôi bàng hoàng chợt hiểu ý mẹ tôi không đi một mình mà là hai, đi cùng với Đức Mẹ. Mẹ tôi rất yêu mến Đức Mẹ. Trước lúc mất 2 ngày, tôi dặn dò và "bắt" mẹ hứa: "Mẹ à, khi lên gặp được Chúa rồi mẹ nhớ cười thật tươi cho chị em con biết để yên tâm nha mẹ!" Mẹ gật đầu liên tục ra ý cho tôi hiểu là mẹ đã nghe. Thế rồi, mẹ đi, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng, 30 giây với hai cái thở hắt, không giằng co, chết lành như ý mẹ mong muốn. 8g30 tối mẹ mất, gương mặt bình thản như đang ngủ, 4g sáng hôm sau mẹ tôi"cười" thật tươi. Chị em tôi bàng hoàng, kinh ngạc nhận ra là mẹ đã gặp được Chúa như lời hứa với tôi. Kỳ diệu, không thể lý giải. Mẹ tôi chỉ là một bà mẹ bình thường như bao bà mẹ khác nhưng với tôi bà vô cùng vĩ đại, vững lòng tin cho đến phút cuối đời, một lòng trông cậy vào Chúa, vào Mẹ Maria. Đám tang mẹ  người viếng đông không tin nổi, nhiều người tôi chưa thấy mặt bao giờ và tôi nghĩ đó chính là phần thưởng Chúa ban cho mẹ tôi nơi trần thế.
“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21), kho tàng của mẹ tôi nơi những người nghèo, những người bé mọn, bệnh tật, nơi Chúa Giêsu ẩn thân trong các linh mục- chủ chăn đoàn chiên nơi dương thế; nơi Đức Mẹ ẩn sau những bà mẹ nghèo hèn, khốn khó. Mẹ tôi thật là khôn ngoan, bà là một trong các cô trinh nữ đi đón chàng rể với cây đèn cháy sáng trong tay không để bị tắt. Nước Trời chính là phần thưởng Chúa hứa ban cho những người biết nghe và sống đẹp lòng Chúa. 
                                                                      8g 45 tối
                                                        4g sáng hôm sau 


Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Cao và thấp

Một sáng mùa xuân, Dê và Lạc Đà rủ nhau vào công viên chơi. Dê thì thấp bé, Lạc Đà thì cao lêu nghêu.
Dê nói:
- Thấp là tốt nhất.
- Còn Lạc Đà lại cho rằng "Cao vẫn tốt nhất", rồi sinh ra cãi nhau ầm ỹ.

Cả hai đã đến công viên, nhưng tường cao bốn bề, bên trong cây cối xum xuê.
Cành lá vươn cả ra ngoài tường. Lạc Đà chỉ cần ngẩng đầu lên là đã có những lá non ăn ngon miệng, còn Dê thì chịu... nhịn, nhìn lạc Đà ăn mà thèm.

Lạc Đà đắc chí cười khì:
- Rõ ràng cao là tốt hơn thấp rồi chứ?
Cả hai định vào công viên, nhưng khốn nỗi cái cửa ra vào lại vừa hẹp, vừa thấp, Dê chui vào dễ dàng gặm cỏ non xanh, còn Lạc Đà thì quỳ chân, cúi đầu cố chui vẫn không vào được.


Dê ta lên mặt nói với Lạc Đà:
- Đúng là thấp tốt hơn cao như lời tôi nói không nào? Tôi nói cấm có sai.
Lạc Đà lắc đầu Không nhận Dê đúng mình sai. Cả hai tiến đến nhờ bác Trâu phân xử, bác Trâu hiền từ nói:
- Chỉ nhìn thấy điểm mạnh, không nhìn thấy điểm yếu của mình, thì chẳng ai đúng đâu.
Lạc Đà, Dê phục thiện, nghe ra ý nghĩa lời nói của bác Trâu, thấy mình không đúng, bác Trâu nói chí phải, cần lấy đó sửa lại mình. 

Phục thiện- đó chính là sự khôn ngoan, chính là hành động vâng lời Thiên Chúa. Vâng lời Chúa ta không mất đi bất cứ thứ gì, còn "được" nhiều hơn nữa. Khi ta chưa hiểu hết Thánh ý Chúa, chưa nhận ra kế hoạch của Chúa cho cuộc đời; thì Chúa chính là nguồn sức mạnh là ánh sáng dẫn đưa chúng ta vào chương trình của chính mình mà Người chính là chìa khóa. Điều quan trọng là chúng ta có thực sự để Chúa dẫn dắt mình không? Chúng ta thường cho mình là "cái rốn" vũ trụ mà quên mất đi thân phận mỏng giòn của mình được tạo thành do đâu? Kiêu ngạo, tự phụ hẳn đã làm chúng ta mê muội mà đánh mất ơn Chúa ban. 


Khi Gioan đi rao giảng khắp vùng ven sông Gio đan và rửa tội cho họ, hồi ấy, dân đang trông ngóng một đấng cứu thế và lầm tưởng Gioan là đấng Mesia họ trông đợi. Gioan đến và trả lời với họ rằng: "...có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài!" Còn ai cao trọng hơn Gioan? Vậy mà trước Thiên Chúa, Gioan đã nhìn nhận bản thân trước mọi người mà khi ấy đã xem Ngài như là Mesia? 


Nhớ khi xưa tại tiệc cưới Cana, khi hết rượu, các môn đệ Chúa lo sợ thông báo với Đức Mẹ; Mẹ cầu cứu với Chúa và quay qua nói với các môn đệ Chúa một câu ngắn gọn, nhưng hàm chứa  một lòng cậy trông tuyệt đối; một lòng tin vững mạnh vào quyền năng của Chúa Giêsu: "Người bảo gì, các con cứ làm theo!" Chúng ta hãy bắt chước Mẹ, bắt chước Gioan: Xin vâng làm theo ý Chúa. Mọi sự đều có thể đối với Thiên Chúa. Chúng ta hãy kiên nhẫn, vâng lời với hết tâm trí để chờ những gì Thiên Chúa hứa ban cho tới khi trở thành sự thật.


Sửa đổi, nhìn lại chính mình không làm cho ta thấp hơn, trái lại "nó" làm cho cuộc đời thêm phong phú, dư tràn sức sống; làm cho bản thể con người hóa ra xinh đẹp, thế giới hòa bình, thù hận chấm dứt và để hoàn tất chương trình cứu đô của Thiên Chúa. Cao hay thấp là do chính mình và phần thưởng cao trọng nhất là do Thiên Chúa ban tặng, phải không?

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN