Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Mua lấy Thiên Đàng

MUA LẤY THIÊN ĐÀNG.

Một người kia suốt đời chỉ lo thu gom tiền bạc, cho nên rất giàu. Khi chết, ông còn ôm túi vàng theo mình đi sang cuộc sống bên kia. Đi một hồi ông thấy đói. Bỗng ông thấy một quán ăn bên đường, liền ghé vào. Vì hà tiện,ông hỏi người chủ quán:

- Tô cơm nhỏ này giá bao nhiêu?

- Chỉ một đồng thôi.

- Còn tô lớn kia?

- Cũng chỉ một đồng thôi.

Thấy rẻ, ông gọi luôn hai tô lớn. Nhưng người chủ quán bảo:

- Ở đây chỉ xài loại tiền "cho đi" thôi. Ông có không?

Người hà tiện chỉ vào túi vàng của mình. Nhưng chủ quán nói:

- Đó chỉ là thứ tiền "lấy vào". Ở đây không xài được.

- Thế tiền cho đi là tiền gì?

- Khi còn sống, mỗi lần ông cho ai bao nhiêu đồng thì ông được ban lại bấy nhiêu đồng loại tiền "cho đi".

Ông nhà giàu lục lọi khắp nơi trong mình nhưng chẳng có đồng nào thuộc loại tiền "cho đi" cả. Thế là ông phải nhịn đói.


"Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại." (Lc 16,8)

Sự trao tặng nào cũng là một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một ít thì giờ. Sự mất mát càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Mất mát, thua thiệt một phần để cho người khác được niềm vui hạnh phúc đó là tất cả ý nghĩa của sự cho đi.
Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta càng được nhận lãnh. Đó là nghịch lý của người Kitô hữu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban là tài năng, là thời giờ và sức khỏe để phụng sự Chúa. Xin ban cho chúng con nghị lực để chúng con luôn tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong cuộc sống. Xin cho con biết dùng cuộc sống đời này để mua lấy cuộc sống đích thực nơi quê trời.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Cái chết- Khởi nguồn cho sự sống.

Nhân ngày Lễ Các Thánh và Lễ cầu cho các linh hồn

Cái chết- Khởi nguồn cho sự sống.

Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi vì chết không phải là hết. Khi nơi trú ngụ tạm bợ trên trần gian này bị hủy diệt thì chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ mở ra một nơi cư ngụ mới cho sự sống vĩnh cửu.

Hàng năm giáo hội dành ngày 2/11 để tưởng nhớ những người đã khuất. Từ giữa trưa ngày lễ các thánh, chúng ta đã viếng nhà thờ, nghĩa địa, nơi chôn cất những con người đã có một thời gắn bó với chúng ta. Giáo hội dành hai ngày liền nhau một và hai tháng mười một - ngày lễ Các Thánh và ngày lễ các linh hồn để chúng ta hướng cái nhìn về nơi Nước Trời bằng cách tạo ra mối liên kết mật thiết giữa chúng ta với những người đi trước.

Mối liên hệ giữa ngày lễ Các Thánh và các đẳng.

Với ngày lễ Các Thánh, chúng ta vui mừng trước hạnh phúc vinh quang của các bậc tổ tiên, cha ông. Không chỉ những vị thánh được giáo hội tuyên phong, chúng ta còn mừng kính những vị đã trung thành với Chúa, những vị chân phước, những người chưa được Giáo hội phong thánh. Chúa cho mỗi người một cuộc sống trần thế, các thánh đã chọn cách sống lý tưởng, tuyệt vời như lòng Chúa mong muốn mà giờ đây các ngài cũng đang ca tụng Chúa và hưởng hạnh phúc trên Nước Trời.
Tiếp đến, với ngày lễ các linh hồn, mặc dù đã yên nghỉ nơi lòng đất hay chỉ còn nắm tro hiện hữu trong nhà chờ phục sinh, thì tất cả họ vẫn sống trong tâm trí chúng ta; một mối dây tình cảm liên kết không bao giờ mất, là sự sống tâm linh với người trần thế. Trong những ngày của tháng mười một này, Giáo hội muốn chúng ta hướng tới những người đã qua đời mà chúng ta luôn cầu xin Chúa cho các ngài được yên nghỉ.
Hai ngày tưởng nhớ liền nhau được gắn kết với nhau cách chặt chẽ. Niềm vui và ánh sáng của ngày lễ Các Thánh chiếu dọi vào ngày lễ các linh hồn giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể, thiết thực về cách sống của chúng ta, gieo vào tâm hồn chúng ta hạt giống mà các thánh đã để lại; là niềm hy vọng cho các linh hồn còn ở nơi luyện ngục, hy vọng vào lòng Chúa xót thương, vào ánh sáng vĩnh cữu Nước Trời.

Cái chết với người Kitô hữu
"Thánh Phaolô có viết: “Những đau khổ đời này làm sao sánh ví được với vinh quang mà Chúa dành cho chúng ta.”
Đối với người Kitô hữu, chết không là điều gì ghê sợ, vì chúng ta biết rằng:"chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Quan trọng là chúng ta đã chọn cách sống nào nơi trần thế. Ai cũng thuộc Mười Điều răn Đức Chúa Trời, cũng biết Phúc Âm, Giáo lý Hội thánh, nhưng sống thế nào để được bước vào quê hương Nước Trời thì đó mới là điều cốt lõi cho mỗi chúng ta. Đứng trước cái chết của một người thân, ta thường suy nghĩ và tưởng tượng về cái chết của chính mình. Nếu ta chỉ còn 6 tháng để sống hoặc 30 ngày hoặc chỉ vỏn vẹn trong vài phút, ta sẽ nói gì với những người thân yêu của mình, làm gì cho họ và những kế hoạch còn dở dang..." Sinh ký, tử quy". Nếu chúng ta hiểu ra được điều đó thì chúng ta sẽ thông suốt và không sợ hãi gì khi Chúa gọi về. Tôi có dịp dự đám tang ông cố của một linh mục. Thường khi là bầu không khí nặng nề bao trùm gia quyến. Nhưng đám tang này khác hẳn... Trước khi chết, ông cụ được bệnh viện trả về, biết mình sẽ không còn sống thêm được nữa, ông chuẩn bị cái chết cho mình cách chu đáo. Ông gọi bà tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ tươm tất. Chuẩn bị cho mình chiếc áo quan không đắt tiền vì theo như ông nói:" đốt cái vèo mất vài chục triệu, tiền đó để dành cho người nghèo". Ông không cho khóc lóc, ỉ ôi, than vãn." Có tiếc thương bố thì thay vì khóc lóc, cả nhà dành thời gian đó đọc kinh cho bố". Ông còn để sẵn những chiếc CD Thánh ca "mở" nho nhỏ cho vui, ấm cúng mà không phiền lòng hàng xóm". Ở trong nhà hiếu một giờ mà tôi cứ ngỡ như đang họp mặt gia đình. Hương hoa thơm ngát (vì gia đình không "chấp điếu", khách chỉ dâng hoa, nến), nhạc thánh ca nhè nhẹ, du dương, những câu chuyện vui khi ông cụ còn sống cứ nối tiếp...Thật hay và đáng suy nghĩ. Hãy cứ sống với tất cả tình yêu và phó thác cuộc đời mình vào tay Chúa thì nếu cái chết đến ta không ngần ngại lưu luyến gì. Chúng ta là con cái sự sáng, là "bản gốc" hình ảnh Thiên Chúa, thì hãy sống và chết như một "bản gốc" chứ đừng là "bản sao" có xác mà mất linh hồn.

Ngày lễ Các Linh hồn cũng nhắc nhở chúng ta nên nhìn lại chính mình. Hoạch định cho mình ngay từ bây giờ cuộc sống thích hợp. Chúng ta đều biết Thiên đàng là cùng đích của người Kitô hữu; là nơi Thiên Chúa sẽ lau khô nước mắt cho mọi người và ban cho con cái Người sự sống vĩnh cữu. Nếu tin tưởng như vậy, thì ngày về với Chúa sẽ là ngày hạnh phúc, hân hoan, chứ không phải lo âu, đau khổ, khóc lóc, níu kéo những vướng bận trần gian và sợ hãi khi diện kiến Ngài.


Chung vui với tôi

“Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân.
Có một hiện tượng rất phổ biến trong chúng ta; đó là dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, tầng lớp nào chúng ta hay cho mình cái quyền "ngồi ngai" phán xét người khác. Thiên Chúa thì không phải vậy. Người là Đấng tối cao nhưng luôn cảm thông và tha thứ mọi yếu hèn của con người.Người thương tha những người tội lỗi, thể hiện tình bạn với họ. Nhưng chỉ có một thái độ mà Ngài không thể dung tha, đó là thái độ của những người tự cho mình thánh thiện để chia rẽ và kết án người khác. Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ như thế, vì đó là tước quyền Thiên Chúa: chỉ một mình Ngài mới có quyền xét xử.
Tôi là ai mà được Chúa thương đến, tôi là ai mà Chúa cho tôi làm con của Người?
Xin cho con luôn nhận ra Chúa tạo ra con giống hình ảnh Chúa để con biết yêu thương, tha thứ, cảm thông với những người chung quanh con bằng tất cả tình yêu của con.

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN