Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Nhân Tháng các Đẳng Linh hồn - bàn về Lễ GIỖ

Nhân Tháng các Đẳng Linh hồn - bàn về Lễ GIỖ
----------------------------------------------------------- 



Người Việt Nam chúng ta có một phong tục truyền thống tốt đẹp rất đáng trân trọng, đó là ngày kỵ Giỗ người thân trong gia đình, giòng họ hay xóm làng. Ngày Giỗ là ngày tưởng nhớ người đã khuất, tri ân, cảm tạ. Và hơn tất cả là dịp qui tụ những người còn sống, để ôn lại những kỷ niệm, suy tôn công đức, công trạng của người đã mãn phần. Bài sau đây muốn gói gọn trong ngày Giỗ trong gia tộc.

Thông thường, đối với phong tục Việt Nam, việc Giỗ chạp được tổ chức vào dịp bách nhật – còn gọi là Giỗ trăm ngày; rồi giỗ đầu (sau đúng một năm); giỗ tất hay còn gọi là Giỗ đọan tang (sau 3 năm tròn ). Đó là những ngày giỗ hầu hết mọi gia tộc đều tổ chức, lớn hay nhỏ tùy điều kiện kinh tế. Ngòai ra, cứ mỗi năm, không bắt buộc, cứ vào ngày kỵ, tùy gia tộc, hay nhỏ hơn, từng gia đình có thể tổ chức lễ giỗ gọn nhẹ trong nội bộ.

Ngày Giỗ trong gia tộc, vị đại diện thông báo cho mọi người trong tộc họ về địa điểm, qui mô tổ chức và bàn bạc trao đổi trong thân tộc về việc góp giỗ, qui mô tổ chức. Suy cử người cử hành các lễ nghi hoặc mời các vị Trưởng lão trong họ, vị lãnh đạo tôn giáo chủ lễ. Ngòai các nghi thức về tâm linh còn có nghi thức suy tôn công đức, ôn lại thân thế sự nghiệp của bậc tiền nhân để con cháu, chắt ôn cố, tôn vinh. Sau cùng là phần dự tiệc, con cháu, người thân quây quần bên mâm cỗ. Mâm cỗ long trọng thường được sắp trước bàn thờ gia tiên. Chủ gia thắp hương mời tiên tổ, và dưới sự chứng kiến của vong linh người đã khuất về dự. Sau khi tàn nhang, mọi người cùng nhau xum họp, hàn huyên, thăm hỏi nhau, cùng tâm tình trong tình yêu thương, đòan kết, đùm bọc lẫn nhau. Thể hiện mong ước của các bậc tiên nhân trong giòng họ. Bàn chuyện giúp nhau làm ăn, cải thiện cuộc sống và tiếp tục hẹn nhau ngày giỗ năm tới, lần tới. . .

Đối với người Việt Nam Công Giáo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được Giáo hội trân trọng và kế thừa. Đạo Hiếu của dân tộc được Hội Thánh Phúc Âm hóa. Mọi người tín hữu phải “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả Đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc “ ( Thư Chung 1980 ). Thật vậy, Công đồng chung Vaticanno II đã tuyên bố:”Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của lòai người hoặc trong lễ nghi và văn hóa riêng của các dân tộc, họat động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện tòan, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người “(GH, 17,1 ).

Chính vì thế ngày Giỗ theo truyền thống của dân tộc Việt Nam không có gì xa lạ với người Công Giáo Việt Nam. Có người chưa hiểu cũng đặt câu hỏi “ Người Công Giáo mà cũng có ngày Giỗ à ?” Có chứ! Đó là ngày kỷ niệm, tưởng nhớ, cầu nguyện cho người thân đã ra đi trước . Người Công Giáo chúng ta tin “Tôi tin xác lòai người ngày sau sống lại, tôi tin một cuộc sống vĩnh cửu “( Kinh Tin Kính ). Đức tin đó giúp chúng ta vẫn nhận ra người thân yêu, dù cách biệt chúng ta trong cuộc sống trần gian, nhưng vẫn ở bên chúng ta trong đời sống tâm linh. Người đã khuất vẫn hiệp thông với người còn sống trong Hội Thánh cùng thông công. Người ra đi trước vẫn cần những lời cầu nguyện, những hy sinh, những gương lành của cộng đồng lữ hành dương thế để họ đón nhận được Lòng Chúa thương xót khi không còn tại thế này. Đổi lại, các Linh hồn, khi đã được hưởng vinh phúc nước Trời sẽ cầu bầu cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa ( ngôn ngữ dân gian quen gọi là phù hộ độ trì cho chúng ta ).

Vậy ngày Giỗ của người Công Giáo Việt Nam được tổ chức ra sao ? Xin ghi nhận và giới thiệu đến bà con mình những nét chính của một ngày Giỗ của người Công Giáo Việt Nam hiện nay .

Trước tiên là việc thông báo, như mọi gia tộc, gia đình, những người trách nhiệm tổ chức bàn bạc, sau khi thống nhất trong gia tộc, gia đình thì báo tin đến họ hàng, thân thích bằng nhắn lời qua nhau. Hiện nay do phương tiện thông tin thuận tiện , nhiều người dùng tin nhắn trên điện thọai. Cũng có người in thiệp báo tin gửi đi trước ngày giỗ ít nhất một tuần. Thư, tin chủ yếu thông báo ngày giờ Lễ Giỗ tại nhà thờ ( nếu có xin lễ ). Giờ đọc kinh Giỗ tại gia ( nếu không mời dự Lễ tại nhà thờ). Giờ dự tiệc giỗ .

Đối với đa số bà con mình thì thường xin lễ cầu nguyện cho người thân tại nhà thờ vào trước một ngày, hay chính ngày, nhưng là lễ sáng sớm hoặc chiều tối, chủ yếu là dòng họ ở gần đến dự, còn ở xa hoặc vì không thuân lợi giờ giấc, thì hiệp thông cầu nguyện. Cũng có gia đình tổ chức cho con cháu, họ hàng vào viếng thân nhân tại nghĩa trang hay nhà Chờ Phục sinh( nhà hài cốt ) của giáo xứ, nơi lưu giữ linh cốt, đọc kinh cầu nguyện. Một số ít gia đình nhân giỗ trăm ngày, Giỗ đầu hay Giỗ tất, có xin lễ riêng,lễ ngòai giờ, thường mời đông đảo bà con, thân hữu đến dự sau đó dự tiệc tại Hội trường, hay nhà hàng . . . Đây là những trường hợp ngọai lệ, không đề cập sâu .

Với những ngày Giỗ tại gia, gia chủ nên mời mọi người đến sớm hơn khi khai tiệc khỏang 30 phút. Thời gian này để mọi người dự kịp ổn định. Gia chủ mời đọc kinh Giỗ khỏang mươi lăm phút, ngắn gọn nhưng đẩy đủ. Chương trình gợi ý như sau :

1/ Khai mạc: Người hướng dẫn nói sơ qua ý nghĩa ngày Giỗ, ôn lại thân thế sự nghiệp người quá cố. Đây là lần Giỗ thứ mấy? nêu Thánh danh Linh hồn ? rồi mời mọi người cùng hiệp ý cầu nguyện.

2/ Gia chủ thắp nến, thắp hương trước bàn thờ Thiên Chúa. Vị đại diện niệm hương trước di ảnh người đã khuất trên bàn thờ gia tiên, xin Thiên Chúa đón nhận những lời nguyện xin của con cháu cho Linh hồn cầu nguyện hôm nay, nhận được lòng Chúa thương xót.

3/ Kinh Giỗ: - Hát Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh ăn năn tội – Lãnh nhận Lời Chúa : Đọc một đọan Phúc Âm - Suy niệm 1-3 phút – Lời nguyện gia đình ( đại diện gia đình đọc lời nguyện )- Đọc” kinh Vực sâu” hay hát bài” Từ vực sâu u tối” . . .- Kinh cám, Trông cậy. Hát : “ Từ chốn luyện hình u tối” hay” Lạy Mẹ xin yên ủi “– Kết thúc.( Tổng cộng thời gian khỏang 15 phút). ( Mời tham khảo cuốn KINH NGUYỆN GIA ĐÌNH của Linh Mục ĐAN VINH )

4/ Phần Tiệc Giỗ : Gia chủ mời mọi người vào bàn tiệc và nói ít lời tâm tình, đại ý: kính mời các vị tiên nhân cùng hiệp thông, chứng giám cho lòng tưởng nhớ, tri ân của những người còn sống. Mọi người cùng xin Chúa chúc lành cho của ăn, cùng hợp lòng chia sẻ trong thân tình. ( Tránh chè chén say sưa, gây phiền hà cho xóm ngõ ) .

Tổ chức Lễ Giỗ, qua Thánh lễ, qua giờ kinh sốt sắng là điều nên làm, nên khuyến khích. Không chỉ trong các gia đình lớn tam tứ đại đồng đường, nhiều thế hệ chung sống, mà kể cả các Gia đình trẻ hôm nay. Nên luân phiên nhau trong gia tộc tổ chức ( góp giỗ với nhau ) hầu cho con cháu, những thế hệ sau này biết thờ phượng Thiên Chúa, tôn kính tổ tiên, tri ân công đức các bậc tiên nhân trong họ tộc. Điều này đẹp lòng Chúa và đẹp lòng cha mẹ hai bên, cũng là thể hiện niềm tin giữa những người anh chi em trong xóm ngõ, trong nghề nghiệp, bằng hữu về bổn phận hiếu kính tổ tiên của người Công Giáo chúng ta, luôn biết sống theo Lời Chúa dạy. Xóa đi hiểu lầm đáng tiếc lâu nay cho rằng người Công Giáo Việt Nam không nhớ đến Ông Bà tổ tiên. Đó cũng là một cách thức Loan báo Tin Mừng, đề nghị nên áp dụng ngay từ Năm Đức Tin này, nếu chưa tổ chức xứng hợp lâu nay. ( Nguồn: Học hỏi sống đạo)

Thứ năm 31/ 10/ 2013


"Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi." (Lc 13,33)
Lời Chúa: 
 Lc 13,31-35
31 Một hôm, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !" 32 Người bảo họ : "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : 'Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.'
34 "Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !"
Những người biệt phái nói với chúa Giêsu về việc Hêrôđê tìm cách giết Người. Chúa Giêsu đã tỏ thái độ bình tĩnh, Người chính trực, công minh tuyệt đối nên Người không sợ bất cứ quyền lực nào. Trái lại, Hêrôđê được xem là kẻ có quyền lực lại núp lén trong bóng tối, thừa cơ làm hại người khác.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống chân thật, cho đi mà không tính toán. Xin giúp chúng con biết tẩy trừ những toan tính thấp hèn để sống tốt với những người chung quanh. 

Thứ sáu 01/ 11/ 2013- Tháng các linh hồn


Chúng ta đang sống trong tháng 11:
- Ðây là tháng Giáo Hội dành riêng để tưởng nhớ đến những người quá cố.
- Ðây là tháng chúng ta đặc biệt có dịp để báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, tháng để trả nghĩa cho cha mẹ, anh chị em, bà con thân thuộc đã qua đời bằng những kinh nguyện, bằng những chuỗi lần sốt sắng, nhất là bằng cách siêng năng tham dự tích cực và cố gắng sống thành lễ để thực hành những công việc bác ái như thánh lễ đòi hỏi.
Nhưng, vào tháng 11 hằng năm, Giáo Hội cũng muốn nhắc nhở chúng ta phải nhớ bến bờ chúng ta phải tới, nhắc nhở khúc quẹo ngoặt nhất trong đời chúng ta sẽ phải đi.
- Ðó là từ giã cõi đời.
- Ðó là nhắm mắt xuôi tay.
- Ðó là sự thật: ai trong chúng ta cũng phải chết.
Khi Ðức Gioan 23 lâm bệnh lần cuối, không biết vì lý do gì mà các bác sĩ muốn dấu nhẹm sự nguy kịch của căn bệnh, họ bảo ngài chỉ bị chứng lở bao tử. Nhưng Ðức Gioan 23 biết rõ bệnh tình của mình hơn ai hết, vì thế ngài nói: "Tôi đã dọn sẵn hành trang".
Ông Giacômô Manzu, một nhà điêu khắc nổi tiếng người ý viết hồi ký về những giây phút sau hết của cuộc đời Ðức Gioan 23 như sau: Vào ngày cuối cùng của chuỗi ngày đau đớn kéo dài, linh mục Capovilla, bí thư riêng của Ðức Thánh Cha đến bên giường bệnh, hôn tay bệnh nhân và hỏi xem ngài thấy thế nào. Ðức Gioan 23 trả lời: "Tôi cảm thấy trong mình khỏe khoắn và an bình như thể tôi đang ở trong Chúa. Nhưng đồng thời tôi cũng cảm thấy hơi lo".
Linh mục Capovilla thưa: "Xin cha đừng lo. Những người phải lo là chính chúng con, vì con đã nói chuyện với bác sĩ...". Ðức Gioan 23 ngắt lời hỏi: "Họ đã nói với con những gì?".
Nghẹn ngào, linh mục bí thư của ngài nói: "Thưa Ðức Thánh Cha, con muốn nói với cha sự thật: hôm nay là ngày của Chúa. Hôm nay cha sẽ được về Thiên Ðàng".
Nói xong, linh mục bí thư quỳ xuống bên giường, hai tay bưng mặt khóc. Vài phút nặng nề trôi qua, bỗng cha cảm thấy một bàn tay âu yếm xoa đầu mình và nghe một giọng ôn tồn nói: "Hãy ngước mắt nhìn lên. Bình thường, người bí thư của tôi rất mạnh mẽ, can đảm, nhưng bây giờ phải trở nên mềm yếu. Cha đã nói với người bề trên của cha những lời hay đẹp nhất mà con người có thể nghe từ miệng của một linh mục: Hôm nay cha sẽ được vào Thiên Ðàng".
Cái chết thường làm chúng ta suy nghĩ. Nhưng đáng bận tâm hơn là phải sống thế nào nơi trần thế. Thiên Ðàng là bến bờ, là Ðức Mến. Thiên Chúa là cùng đích của giây phút cuối cùng thì cuộc sống của chúng ta phải định hướng theo đó. Chúng ta đã biết rõ con đường mình đi và đừng để phù phiếm trần thế lung lạc. Như thế, ngày về với Chúa nơi miền vĩnh cửu không phải đau khổ nhưng sẽ là ngày vui mừng, hân hoan.

“ Hãy vui mừng hoan hỉ, vì phần thưởng sung mãn dành cho các con trên trời.”

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Thứ tư- 30/ 10/ 2013

"Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được." (Lc 13,24)


Kết quả cuối cùng là điều quyết định mọi cố gắng. Nhưng cố gắng ở đoạn nước rút thì mới quan trọng để đạt thành công. Cũng vậy, trong cuộc đời làm người Kitô hữu, chúng ta có đầy nhiệt huyết ban đầu, nhưng qua thời gian, có thể nhiệt tình mất dần, công việc làm ăn chiếm hết thời gian đến với Chúa. Từ đó, bao nhiêu hăng hái ban đầu được thay bằng những bê trễ, biếng lười việc đạo đức. Khi tỉnh ngộ thì đã muộn vì trở tay không kịp vào ngày đứng trước nhan Thiên Chúa. Lời Chúa báo động cho chúng ta hàng ngày, đừng mê ngủ trong những đam mê tội lỗi lôi chúng ta xa dần Thiên Chúa.


Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tỉnh thức để dù Chúa đến bất cứ lúc nào, chúng con cũng sẵn sàng đón Chúa.

Thứ ba- 29/ 10/ 2013

 "Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được." (Lc 13,19)


Nước Trời là một thực tại cao cả vượt xa trí hiểu của loài người. Vì thế, khi giảng dạy về Nước Trời, Chúa Giêsu đã vận dụng những hình ảnh cụ thể. Nước Trời được ví  như hạt cải, tuy bé nhỏ nhưng rất mạnh mẽ, nó có thể nâng cả tảng đá to hơn nó gấp trăm lần để vươn lên nẩy mầm. Nước Trời không thể thấy bằng mắt thường, nhưng nhờ đức tin, người Kitô hữu có thể nhận ra sức sống của Nước Trời đang lớn lên mạnh mẽ giữa lòng đời.


Lạy Chúa, xin cho chúng con có một niềm tin để thấy Nước Chúa, để chúng con góp phần vào việc mở mang Nước Chúa tích cực hơn.

Thứ hai- 28/ 10/ 2013


"Suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Người gọi và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ." (Lc 6,12-13)


Vào ngày Sabbat, người ta vẫn thả bò lừa ra và dẫn chúng đi uống nước. Thế mà người ta lại nhân danh ngày Sabbat để ngăn cản Chúa Giesu chữa lành cho một người đã bị bệnh tật xiềng xích suốt 38 năm! Hóa ra con người không bằng con vật sao? Có thứ tôn giáo nào biện minh cho một quan điểm phi nhân như thế? Thật là đau đớn! Với người môn đệ Chúa Giêsu, tình yêu phải là tất cả. Tình yêu phải là động lực thúc đẩy, là ánh sáng soi đường, là chuẩn mực đánh giá mọi hành động. Để đừng bao giờ rơi vào lối sống của một thứ tôn giáo phi nhân.


Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đón nhận tình yêu và lòng xót thương của Chúa, để chúng con đem tình thương và tha thứ đến với mọi người không cần tính toán. 

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Chúa nhật- 27/ 10/ 2013

"Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc18,14)

Lời Chúa: 
 Lc 18,11-14
 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.' 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.' 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Chúa Giêsu thật là Người Cha nhân từ, yêu thương con cái trần gian, hy sinh chính bản thân mình cho chúng ta, vậy mà Người không đòi hỏi chúng ta đáp lại điều gì ngoài cái điều nhỏ nhoi vụn vặt mà Người mời gọi chúng ta từ bỏ: thói ương hèn, cao ngạo. Tôi thường nghĩ: sao Chúa nhân từ quá, tôi có là gì đâu mà Chúa vẫn yêu thương tôi. Tôi so sánh mình với những người công chính và hài lòng về điều đó. Thật ra, tôi cũng như bao người Pharisêu thời xưa. Sự công chính là từ Thiên Chúa chứ không phải từ những công việc, những công trạng mà chúng ta đạt được. Chỉ với thái độ khiêm nhường, chúng ta mới nhận ra: tất cả là hồng ân Chúa ban, tất cả đều từ bởi Thiên Chúa, phát xuất từ tình thương bao la của Người chứ không do những thành quả mà chúng ta đạt được.
Có câu chuyện thế này:
Người thanh niên xa quê lên thành phố học hành, bao nhiêu năm xa mẹ, xa nhà, nỗi nhớ cứ cồn cào trong anh. Anh ước được về quê thăm mẹ, nhưng lần nào thư đi rồi thư lại, mẹ anh cũng chỉ có một câu: “ Con cứ yên tâm học hành, mẹ khỏe, khi nào bớt bận bịu mùa màng, mẹ sẽ lên thăm con.” Cứ thế, 5 năm trôi qua trong nỗi nhớ thương con, người mẹ ở quê thương nhớ con còn hơn thế. Bà đặt hết tình yêu vào công việc kiếm tiền: nhổ cỏ mướn, làm thuê, ai kêu gì làm nấy để con thỏa ước mơ làm bác sĩ và để con yên tâm học hành. Xa quê, người con dù thương mẹ, thì cũng chỉ nghĩ :mẹ làm lụng vất vả trên miếng ruộng nhà mình. Anh đâu biết, tiền để mua giống, mua phân mẹ anh còn không có. Rồi ngày tốt nghiệp cũng tới. Mẹ anh đón chuyến xe sớm nhất lên thành phố dự lễ với con. Từ xa, bà dõi theo con mình với tất cả niềm sung sướng mà không dám vào, chỉ sợ nhìn mình con sẽ tủi. Người con cứ thấp thỏm đứng lên, đứng xuống dáo dác kiếm mẹ. Đợi buổi lễ sắp bắt đầu, bà mới rón rén bước vào chỗ khuất trong hội trường nơi con bà không nhìn thấy mẹ.
Nhưng rồi…có một hơi ấm mẫu tử bao trùm bà và hai cánh tay mạnh mẽ quàng lấy đôi vai gầy guộc vì năm tháng; anh cất tiếng gọi: “ Mẹ ơi!”. Bao nỗi nhớ, niềm vui hạnh phúc, người con trai ấy chỉ biết sà vào lòng mẹ như ngày còn nhỏ, nắm lấy đôi bàn tay mẹ, anh chợt sững người trong giây lát… và rồi, để mặc cho dòng lệ tuôn rơi, anh khóc trên đôi tay mẹ, đôi tay ngày xưa của mẹ mềm mại thường nựng nịu, dỗ dành anh khi thơ bé, giờ đây đã trở nên khô ráp, nứt nẻ, chai sần, tóe máu… Vừa hôn đôi bàn tay anh thì thầm với mẹ: “ Mẹ ơi, con cám ơn mẹ, con thương mẹ nhất trên đời, mẹ là Chúa của con!”


Vậy đấy, tình yêu mà người mẹ đã dành cho con mình, dù phải hy sinh, vất vả không ngại đau khổ, chỉ để con mình hạnh phúc. Tôi nhớ tới thập giá tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta. Và đứng trước tình thương mênh mông đó, chúng ta chỉ có thể cúi đầu bái tạ, tôn vinh Thiên Chúa chứ không phải tự hào cho mình được như thế.


Thứ bảy- 26/ 10/ 2013


"Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy." (Lc 13,5)

Chúa Giêsu dùng hai biến cố để mời gọi mọi người ăn năn sám hối: quan Philatô giết người, tháp Silôe đổ xuống đè chết người.
Thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối dễ rơi vào lầm lạc. Vì thế Lời Chúa nhắc nhở: đừng lên án ai, nhưng điền quan trong là khi gặp biến cố, biết suy nghĩ và ăn năn hối cải sẽ được Người cứu độ. Dù con người tội lỗi đến đâu, nhưng biết hồi tâm ăn năn thì Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tha thứ cho chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho bản thân, gia đình con nhận ra tiếng Chúa mời gọi và giúp chúng con sửa đổi đời sống, để được Chúa thương ban ơn cứu độ.


Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Ở Việt Nam

Lịch Sử Đạo Thiên Chúa Ở Việt Nam
by STEPHEN on OCTOBER 7, 2009 · 0 COMMENTS
NGƯỜI TÂY PHƯƠNG ĐẶT CHÂN LÊN ĐẤT VIỆT NAM
 
Âu và Á châu cùng ở trên cựu lục địa, từ đời thượng cổ đã giao thông với nhau, việc giao thông đó không phải thường có luôn. Sử Tàu chép: năm 166 (sau Thiên Chúa giáng sinh) đã có những lái buôn La Mã, mà người Tàu gọi là sứ thần, đến triều đình Trung Quốc sau khi qua nước ta. Đến năm 226, trong đời Tam quốc, lại có một lái buôn La Mã đến thủ đô quận Giao chỉ, viên thái thú quận đó cho thủ hạ đưa người này đến kinh đô nước Ngô vì lúc đó đất Giao chỉ thuộc về Đông Ngô cai trị.
 
Ở thế kỷ thứ 7, mấy người theo đạo Giatô về phái Cảnh giáo (Nestoriens) đã sang Tàu. Người thứ nhất mà người Tàu gọi là Olopen từ Ba Tư sang Tàu, nhưng chắc hẳn những người về phái Cản giáo đó không đi qua nước Đại Cồ Việt và kinh đô Hoa Lư của vua Đinh và vua Lê Hoàn.
 
Đến thế kỷ 13, vì quân Mông Cổ sang xâm lược Âu châu, đến tận miền Trung Âu, nên Đức Giáo Hoàng(1) mới phái người sang Tàu để điều đình với các vua Mông Cổ (2). Năm 1271, hai người trong họ Polo ở thành Venise là Nicolo và Mattéo đã sang Trung Quốc đến tận kinh đô của nguyên Thế Tổ tức Hốt Tất Liệt. Lại đến năm 1275, Marco Polo3 là con Nicolo cùng cha và chú lại do đường bộ qua miền Cận Đông và Trung Á, cao nguyên Parmir sang nước Tàu đến kinh đô của Hốt Tất Liệt hồi đó là Cambaluc ở gần Bắc Kinh. Marco Polo rất được Nguyên chúa tin dùng, giao cho nhiều công việc trọng đại. Khi thì Marco Polo ở trong triều giúp các việc chính trị và hành chính, khi thì được vua phái đi sứ ở các miền Hoa trung, Hoa nam cùng Vân Nam và các nước lân cận Trung Hoa như Chiêm Thành, Ba Tư, có khi lại được cử làm tổng trấn một tỉnh lớn. Chắc hẳn trong khi từ Vân Nam sang Chiêm Thành, viên “sứ thần Mông Cổ”, Marco Polo, có đi qua nước Việt Nam vì trong cuốn “Thế giới kỳ quan” (Les Merveilles du monde) Marco Polo cũng có nói qua xứ Bắc Kỳ. Sau 17 năm ở Tàu, ba người trong họ Polo mới có dịp về Âu Châu. Năm 1291, Nguyên Thế Tổ sai ba người này đi đường bể đưa một công chúa Mông Cổ sang Ba Tư để gả cho vua Mông Cổ ở xứ Ba Tư là Arghoun vừa mới góa vợ. Marco Polo từ giã Nguyên chúa và mang theo thư của ngài gửi cho Đức Giáo Hoàng và vua các nước Pháp, Anh cùng Castille rồi xuống tàu qua bể Trung Quốc, Ấn Độ dương đến Ormuz (Ba Tư). Marco Polo chắc hẳn có ghé lại kinh đô Đồ Bàn của người Chàm và vì ngược gió nên phải dừng ở bờ bể Sumatra trong năm tháng. Khi Marco Polo đưa công chúa Mông Cổ đến nơi thì vua Ba Tư đã chết, người con vừa lên nối ngôi lại thay cha lấy công chúa. Ba người trong họ Polo từ Ba Tư đi đường bộ Tanris, Azerbeidjan và Trébizonde đến Constantinople và năm 1295 mới về đến Venise.4
 
Đến thế kỷ 15, ông Kha Luân Bố (Christophe Colomb) mới dùng địa bàn chỉ nam5 định đi qua Đại Tây Dương để tìm đường thuỷ sang Ấn Độ, nhưng lại tìm thấy A-mỵ-lợi-gia (Amérique) tức Tân Thế giới 6. Năm 1497, người Bồ Đào Nha (Portugal) là ông Vasco de Gama đi vòng qua Hải Vọng giác (Cap Bonne Esperance) ở phía nam Phi châu sang Ấn Độ Dương vào đất Ấn Độ. Năm 1521, lại có người Tây Ban Nha (Espagne) là Magellan đi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đến quần đảo Phi luật tân. Chính nhà thám hiểm này đã đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên và tìm ra eo biển Magellan ở phía Nam Mỹ châu, nhưng sau ông bị giết ở Phi luật tân.
 
Từ đó về sau người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha và người Hà Lan mới tranh nhau sang Á Đông lấy đất thuộc địa và mở cửa hàng buôn bán ở nhiều nơi. Năm quý hợi (1563) về đời Gia Tĩnh nhà Minh, người Bồ Đào Nha đến đất Áo Môn (Macao) ở bờ bể nước Tàu. Năm mậu thìn (1568), người Tây Ban Nha sang chiếm quần đảo Phi luật tân. Năm 1596, người Hà Lan lấy đất Chà-và (Java) làm thuộc địa. Về sau dần dần người Bồ Đào Nha, người Anh-cát-lợi và người Pháp-lan-tây mới đến Ấn Độ.
 
Ngay từ thế kỷ 15, 16, người Âu châu đã biết bờ bể của nước ta, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 17 thì người Tây phương mới bắt đầu giao thiệp với người Việt Nam ta. Lẽ tự nhiên là những người Âu đã ở cõi Á Đông trong hồi đó để chân lên đất Việt Nam trước tiên. Người Bồ Đào Nha thì từ Áo Môn đến trong khi có gió mùa đông bắc, người Tây Ban Nha từ Manille đến, người Hà Lan từ Chà-và và người Pháp và người Anh thì từ Ấn Độ sang. Người Âu châu bắt đầu tiếp xúc với người nước Nam ở xứ Đàng Trong (Cochinchine) trước 7, rồi sau mới dần dần ra Bắc. Chỗ người Âu đến buôn bán và mở cửa hàng trước hết là ở Hội An (Faifo), một nơi người Tàu và người Nhật đã đến từ trước. Mỗi lần đến, họ đem nhiều hàng hóa đến bán, rồi lại mua các sản vật của nước ta chở về nước.
 
Các chúa Nguyễn cai trị trong Nam hồi đó đang đánh nhau với chúa Trịnh, tưởng có thể lợi dụng được người Âu giúp mình đánh kẻ thù, nên tiếp đãi họ rất tử tế, lại cho phép được thương đi lại buôn bán. Chúa Nguyễn hay giao thiệp với người Bồ Đào Nha. Một người nước đó tên là Jean de la Croix năm 1614 (?) đã đến ở gần Huế mở lò đúc súng tại đấy, ngày nay vẫn gọi là Thợ Đúc hay là phường Đúc8 và được chúa Sãi cho phép mở nhà thờ và tiếp giáo sĩ trong nhà 9. Về việc đóng tàu, thì người Đàng Trong cũng học người Âu Châu nhiều. Có sách lại nói chính nhờ người Bồ Đào Nha giúp đỡ, nên quân chúa Nguyễn mới thắng nổi quân Trịnh.
 
Sau đó ít lâu người Tây phương mới đến Bắc Kỳ và các tàu của người Âu châu mới vào cửa Thái Bình và cửa Luộc.
 
Người Bồ Đào Nha không lập nhà buôn ở trong xứ, chỉ vào khoảng hai tháng décembre và janvier thì tàu buôn của họ từ Áo Môn đến Bắc Kỳ chỉ ở lại ít lâu để bán hàng hóa và mua các sản vật trong xứ để chở về. Khác với người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Pháp lại xin phép mở hiệu buôn ở Phố Hiến hay là Phố Khách gần tỉnh lỵ Hưng Yên ngày nay. Người Anh và người Hà Lan lại được phép mở cả hiệu buôn ở phố bờ sông kinh đô Kẻ Chợ tức Hà Nội ngày nay. Người Hà Lan được phép mở hiệu buôn từ năm 1637 dưới đời vua Lê Thần Tôn và chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng. Đến năm 1672, đời vua Lê Hi Tôn chiếc tàu Zant của người Anh do Andrew Parrick làm hạm trưởng, mới đến Bắc Kỳ, có cả người lái buôn tên là William Gifforp và năm người làm cho công ty Ấn Độ của người Anh cũng đáp tàu đến. Chúa Trịnh Tạc cho phép người Anh ở Hiến Nam.
 
Về người Pháp thì từ năm 1669 mới có tàu của Pháp vào xin mở cửa hàng ở Phố Hiến. Mấy năm sau 1682, lại có chiếc tàu Saint Joseph ở Xiêm La sang đem phẩm vật và thư của vua Louis XIV dâng vua Lê Hi Tôn và chúa Trịnh.
 
Ở miền Nam, năm 1686, có người Pháp tên là Verret được phép mở cửa hàng ở cù lao Côn Lôn. Đến hơn 50 năm sau, 1749, lại có một người Pháp là Pierre le Poivre vừa là giáo sĩ, vừa là một công chức ở đảo France, vừa là nhà buôn do công ty Ấn Độ của người Pháp phái sang xứ Đàng Trong để giao thiệp, gây tình thân thiện và mở thêm một đường thông thương mới cho người Pháp. Pierre Poivre trước đã từng có ở bên Tàu. Ngày 29 tháng tám 1749, ông đáp tàu Machault đến Hội An (Faifo). Poivre ở Hội An ít lâu rồi đi đường bộ đến Thuận Hóa vào yết kiến Võ vương để dâng lễ vật và thư xin thông thương. Võ vương tiếp P.Poivre rất tử tế và cho phép được đi lại buôn bán. Nhưng về sau vì công ty Ấn Độ của Pháp bãi đi và nhiều việc khó khăn khác nên việc thông thương cũng không thể tiếp tục được.
 
Các công ty thương mãi của người Âu lập ra hồi đầu thập thất thế kỷ vẫn để ý đến nước Việt Nam và việc mở mang sự buôn bán với nước ta, nhưng sau cả người Anh và người Hà Lan đã mở cửa hàng cũng phải bỏ đi, có lẽ là vì việc buôn bán ở ta hồi đó không được lợi lắm.
 
Trong các người Anh đến Nam kỳ về hồi cuối thế kỷ 17, nên kể đến Thomas Bouyear là người đã đến kinh đô Thuận Hóa vào năm 1695 dưới đời chúa Nguyễn Phúc Chu hay là Quốc chúa niên hiệu là Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế, người Âu thường gọi là Minh Vương, vị chúa Nguyễn thứ sáu. Người Anh này cũng đem phẩm vật đến dâng chúa Nguyễn để điều đình việc thông thương; nhưng sau cuộc điều đình không có kết quả mấy.
Đồng thời với các tàu buôn Âu châu, ngay từ thế kỷ 16 đã có một vài giáo sĩ Tây phương đến xứ ta; nhưng cũng chỉ đến, rồi ở ít lâu lại cùng đi với các tàu đó. Bước sang đầu thế kỷ thứ 17, số giáo sĩ sang nước ta mới càng ngày càng nhiều, việc truyền giáo mỗi ngày mỗi thịnh và số giáo dân trong nước ở Bắc Kỳ cũng như ở trong Nam càng ngày càng nhiều thêm. Trong số các giáo sĩ không những là người Âu châu mà lại có cả các giáo sĩ và các thầy giáo lý người Nhật Bản… vì đạo Thiên Chúa bắt đầu truyền từ giữa thế kỷ 16 và đã có hồi rất thịnh hành ở xứ đó.
 
Xem thế ta biết rằng các giáo sĩ đi truyền đạo sang Á Đông không phải đã đến nước ta trước hết.
 
Người Việt Nam ta vốn tính tình nhã nhặn, trung hậu, không hề có ý ác cảm với người ngoài như các giáo sĩ và các người Tây phương đầu tiên đã công nhận. Vì thế mà khi các giáo sĩ mới vào nước ta đều được dân ta tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến các vua quan nước ta, trong hồi bấy giờ cũng có ý muốn thân thiện với người ngoại dương, để bắt chước những điều khôn ngoan của họ, để mở mang việc buôn bán trong nước và có khi cũng để lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào việc mình. Nhưng về sau chỉ vì nhiều sự hiểu lầm đáng tiếc mà gây nên một mối nghi kỵ giữa người ngoài và người Việt Nam ta.
 
Hồi đó cả các giáo sĩ và các nhà buôn Tây phương vẫn thường bị coi là những kẻ do thám hoặc những người đưa đường dẫn lối cho các nước thực dân Âu châu, có ý muốn dòm dõi nước ta.
 
Đạo Thiên Chúa thì bị coi lầm là một tà đạo, có thể làm hại đến thuần phong mỹ tục và những tập quán cổ truyền trong nước; còn những kẻ theo đạo thì cũng bị người khác cho là những kẻ đã đi ngược với luân thường đạo lý, có thể làm đảo lộn trật tự cựu truyền và lay chuyển cả nền tảng luân lý và có thể đưa nước nhà đến sự nguy vong. Một ít việc bất ngờ xảy ra và một số người ghen ghét, đố kỵ hoặc cạnh tranh về vấn đề tôn giáo lại càng giúp cho mối ngờ vực đó tăng thêm, để đến nỗi đã phải gây ra bao cảnh thê thảm, bao cuộc xung đột lưu huyết như ta đã thấy.
 
Cũng do mối nghi kỵ đó mà sau này gây nên nhiều vấn đề chính trị và tôn giáo có quan hệ đến cuộc giao thiệp của nước ta với các nước Âu châu và đến vận mệnh cả một dân tộc hơn 20 triệu người ở trên bán đảo Ấn độ China này.
 
Chú thích
 
(1) Giáo hoàng Nicolas IV. Lúc ấy nước ta thuộc về đời vua Trần Nhân Tôn Thiệu Bảo, bên Tàu thuộc về đời nhà Nguyên vua Thế Tổ.
 
(2) Dân Mông Cổ vào thế kỷ XIII đã thâu nhập cả Á châu, phá tan Nga, đi đến trung tâm Âu Châu và trận đại thắng ở Lignitz (1241) đã đem dân Mông Cổ lên làm bá chủ một phần lớn ở cựu lục địa.
 
(3) Marco Polo sinh tại thành Venise (Ý) năm 1254, sau mấy năm làm thượng quan cho Hoàng đế nhà Nguyên, Marco Polo trở về tổ quốc, và đến năm 1325 ông chết tại Venise.
 
(4) Do người Tàu biết dùng từ 1000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, sau dạy cho người Ả Rập và đến thế kỷ 13 người Ả Rập mới truyền cho người Âu châu.
 
(5) Sau 24 năm sống ở nước Trung Quốc, lúc ấy Venise với Gênes đương kịch liệt cạnh tranh để dành ngôi bá chủ ở Địa Trung Hải.
 
(6) Cha dòng Dominicô Diègo Déza làm phụ cánh cho Infant de Castille đã giúp Christophe Colomb một cách đắc lực trong việc này. Tối ngày 11 rạng ngày 12 Octobre 1492, đoàn tàu Kha Luân Bố tới đảo Guanahamt.
 
(7) Gaspard de Santa Crux tới Cần Cao năm 1550 (theo Déb.du Christ par Bonifacy).
 
(8) Ở Dương Xuân Hạ, hiện nhà thờ phường Đúc là nhà thờ xưa nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và có lẽ cứ theo anh Thanh Tịnh, là nhà thờ đầu tiên của Hội Thánh dựng nên ở đất Đàng Trong. Nhà thờ này năm 1905 Đức cha Lý và cố Kính đã tu bổ lại.
Ở tại họ thợ Đúc ngày 30 Novembre 1835 cố Du (Joseph Marchaud) đã chịu xử bá đao. Chính tại chỗ nhà thờ Thợ Đúc, ngày 23 Octobre 1833 ông đội Paul Bường xin chịu chém, nhưng đoàn lính dẫn ông thấy trời tối (lúc ấy vào khoảng 8 giờ) bèn ngừng lại trước nhà con gái ông… rồi hạ đao. Hiện nay có hai cái bia của Đức cha Gaspar xây ghi nhớ hai nơi các thánh tử đạo.
 
(9) Chuyện người thợ đúc Jean de la Croix sẽ kể rõ sau. Người lái Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha này đến Thuận Hóa từ năm nào sử không chép rõ, nhưng có lẽ là sau năm 1614 như cuốn Nam sử của C.Maybon đã chép.
 
Bản viết của Hồng Lam
Chú giải của L.Cadière

Tại sao linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép?

Tại sao linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép?
 

° Áo dài trắng (cũng gọi là áo Alba) là loại áo chùng dài màu trắng với hai ống tay rộng, được mặc bên trong.
° Dây các phép (cũng gọi là dây Stola) là một dải vải dài, thường cùng màu với áo lễ. Giám mục và linh mục mang dây các phép chung quanh cổ và rủ xuống phía trước, còn thày phó tế thì đeo chéo vai. Cách đeo dây các phép cho phép ta dễ nhận ra phẩm trật của các chức thánh (giám mục, linh mục, phó tế).
° Áo lễ, rất rộng phủ ngoài áo dài trắng. Màu áo thì tùy theo mùa phụng vụ hoặc theo ngày lễ: đỏ, xanh, tím, trắng (hoặc vàng).
Phó tế chỉ mặc áo trắng và dây các phép (chéo vai).
Trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, các chi thể không thi hành cùng một chức vụ như nhau. Khi thi hành việc phụng tự, sự khác biệt về chức vụ được biểu lộ ra bề ngoài nhờ sự khác biệt về phẩm phục. Do đó phẩm phục là dấu chỉ của mọi thừa tác viên. Hơn nữa, phẩm phục thánh làm tăng vẻ trang trọng của chính nghi lễ phụng vụ.
Nếu linh mục phải mặc áo dài trắng, áo lễ và đeo dây các phép trong thánh lễ, chính chỉ vì muốn cho mọi người biết rằng linh mục nói và hành động không phải với danh nghĩa cá nhân của mình, nhưng là nhân danh Đức Giêsu Kitô.
Đâu là ý nghĩa của màu sắc các phẩm phục phụng vụ?
Mỗi màu sắc mang một ý nghĩa:
Màu tím, màu của sự ăn năn, thống hối và của sự mong đợi, được dùng trong Mùa Chay và Mùa Vọng. Người ta cũng dùng màu tím trong thánh lễ và các nghi thức phụng vụ cầu cho những kẻ đã qua đời (trước Công Đồng Vaticanô II, dùng màu đen).
Màu đỏ là màu máu và lửa, được dùng trong ngày Chúa nhật Thương khó (lễ Lá), thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, trong các cử hành cuộc thương khó của Chúa, trong lễ kính các thánh Tông đồ, các thánh sử Tin Mừng và trong các lễ kính các thánh tử đạo.
Màu trắng (có thể được thay thế bằng màu vàng) gợi lên sự trong sạch, tinh tuyền, nhất là vinh quang của Thiên Chúa, được dành cho các nghi thức phụng vụ và các thánh lễ Mùa Phục Sinh và Mùa Giáng Sinh; cũng dùng trong các lễ kính, lễ nhớ về Chúa không phải là lễ kính nhớ cuộc thương khó của Người; các lễ kính Đức Mẹ, các thiên thần, các thánh không phải là thánh tử đạo. Màu trắng còn diễn đạt sự phục sinh của Chúa Kitô cũng như sự phục sinh của chúng ta sau này. Nơi bàn tiệc thiên quốc những người được tuyển chọn đều mặc y phục trắng toát (xem sách Khải Huyền 7, 9).
Màu xanh lá cây được dùng trong các thánh lễ trong Mùa Thường Niên hoặc Quanh Năm. Màu xanh lá cây là màu của niềm hy vọng và của sự sống. Khi thấy vị linh mục tiến lên bàn thờ trong phẩm phục màu xanh, điều đó cho chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những người có niềm hy vọng lớn lao, là đoàn lữ hành đang được Chúa Kitô dẫn đến những cánh đồng cỏ xanh tươi của miền đất hứa…
Màu hồng được sử dụng hai lần trong năm (Chúa nhật III Mùa Vọng và Chúa nhật IV Mùa Chay) để mời gọi tín hữu hưởng niềm vui thầm kín và an lành trong niềm trông đợi Đấng Cứu Tinh hoặc trong sự chuẩn bị đón mừng Chúa Kitô phục sinh.
Tại Việt Nam, màu hồng thường được dùng trong thánh lễ hôn phối, trong bầu khí vui tươi, để diễn đạt tình yêu nam nữ, là hình ảnh của tình yêu Chúa Kitô với Giáo Hội của Người.
(Tác giả: Lm. Giuse Vũ Thái Hòa- Biên soạn 10/1996)

Thánh tử đạo Việt nam

Các Thánh TĐVN 
(xếp theo ABC)
 
Anê Lê Thị Thành (Bà Đê)
Anrê Trần An Dũng (Lạc)
Anrê Nguyễn Kim Thông
Anrê Phú Yên
Anrê Trần Văn Trông
Anrê Tường
Antôn Nguyễn Đích
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (Năm)
Augustine Schoeffer Đông
Augustinoâ Phan Viết Huy
Augustinô Nguyễn Văn Mới
Bênađô Võ Văn Duệ
Clêmentê Ignaxio Delgaho Y
Đaminh Cẩm
Đaminh Đinh Đạt
Đaminh Nguyễn Văn Hạnh
Đaminh Huyên
Đaminh Phạm Trọng Khảm
Ðaminh Nguyễn Ðức Mạo
Ðaminh Hà Trọng Mậu
Ðaminh Nguyên
Đaminh Nhi
Đaminh Ninh
Đaminh Toại
Đaminh Trạch
Ðaminh Vũ Ðình Tước
Đaminh Bùi Văn Úy
Ðaminh Nguyễn Văn Xuyên
Ðaminh Henares Minh
Emmanuel Lê Văn Phụng
Emmanuel Nguyễn Văn Triệu
Giacôbê Ðỗ Mai Năm
Giêrônimô Liêm
Gioan Baotixita Cỏn
Gioan Baotixita Ðinh Văn Thành
Gioan Ðạt
Gioan Ðoàn Trịnh Hoan
Gioan Hương
Gioan Charles Cornay Tân
Gioan Ven
Giuse Ðặng Ðình Viên
Giuse Ðỗ Quang Hiển
Giuse Du
Giuse Fernandez Hiền
Giuse Hoàng Lương Cảnh
Giuse Lê Ðăng Thị
Giuse Maria Diaz Sanjuro An
Giuse Melchior Garcia-Sampedro Xuyên
Giuse Nguyễn Ðình Nghi
Giuse Nguyễn Ðình Uyển
Giuse Nguyễn Duy Khang
Giuse Nguyễn Văn Lựu
Giuse Phạm Trọng Tả
Giuse Trần Văn Tuấn
Giuse Tuân
Giuse Túc
Henricô Gia
Lôrensô Ngôn
Lôrensô Nguyễn Văn Hưởng
Luca Phạm Viết Thìn
Luca Vũ Bá Loan
Martinô Tạ Đức Thịnh
Martinô Thọ
Matthêu Ðậu
Matthêu Lê Văn Gẫm
Matthêu Nguyễn Văn Phượng
Micae Hồ Ðình Hy
Micae Nguyễn Huy Mỹ
Nicôla Bùi Ðức Thể
Phanxicô Ðỗ Văn Chiểu
Phanxicô Kính
Phanxicô Phan
Phanxicô Tế
Phanxicô Trần Văn Trung
Phanxicô Xaviê Cần
Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu
Phaolô Ðổng
Phaolô Hạnh
Phaolô Lê Bảo Tịnh
Phaolô Lê Văn Lộc
Phaolô Nguyễn Ngân
Phaolô Nguyễn Văn Mỹ
Phaolô Phạm Khắc Khoan
Phaolô Tống Viết Bường
Phêrô Almato Bình
Phêrô Bắc
Phêrô Borie Cao
Phêrô Ða
Phêrô Đinh Văn Dũng
Phêrô Đinh Văn Thuần
Phêrô Ðoàn Công Quý
Phêrô Ðoàn Văn Vân
Phêrô Hoàng Khanh
Phêrô Lê Tùy
Phêrô Nguyễn Bá Tuần
Phêrô Nguyễn Khắc Tự
Phêrô Nguyễn Văn Ðường
Phêrô Nguyễn Văn Hiếu
Phêrô Nguyễn Văn Lựu
Phêrô Nguyễn Văn Tự
Phêrô Trương Văn Thi
Phêrô Võ Ðăng Khoa
Phêrô Vũ Văn Truật
Philipphê Phan Văn Minh
Simon Phan Ðắc Hòa
Stêphanô Nguyễn Văn Vinh
Stêphanô Théodore Cuénot Thể
Tôma Ðinh Viết Dụ
Tôma Khuông
Tôma Nguyễn Văn Ðệ
Tôma Toán
Tôma Trần Văn Thiện
Valentinô Berrio Ochoa Vinh
Vincentê Ðỗ Yến
Vincentê Dương
Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm
Vincentê Phạm Hiếu Liêm
Vincentê Tương 

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN