Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Biết ơn

  "Tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa".

Nếu có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.

Một trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên Chúa là những vật quý giá hơn vàng.

Nhiều người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.

Ðối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng... Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta.Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương.

"Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trong đại, và danh Ngài là Thánh"


Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cảm nhận về lễ bổn mạng MVTT liên nhóm hạt Gia- Đức- Thiêm




Thật là tuyệt vời, ngày mừng bổn mạng liên nhóm hạt Gia- Đức Thiêm. Xin chúc luôn an vui và thăng tiến trong tình yêu Giêsu.

Xin chúc mừng ban MVTT(mục vụ truyền thông) liên nhóm hạt GIA- ĐỨC THIÊM, mừng lễ bổn mạng thật trang trọng..

Cảm tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban tặng cho MVTT Liên nhóm hạt Gia -Đức-Thiêm. Xin chúc cho ACE chúng ta mãi mãi giữ ngọn lửa nhiệt tình để phục vụ cộng đồng và làm sáng danh Chúa.

Tuyệt vời, lan tỏa tình yêu khó quên.

Làm truyền thông cho Chúa là vui và hạnh phúc vậy đó!

Cám ơn một ngày họp mặt thân thương và ý nghĩa.

Chúc MVTT Gia- Đức Thiêm luôn đoàn kết và phát triển như ý Chúa muốn...

Một kỷ niệm khó quên. Đúng tên gọi gia đình MVTT

Các Anh Chị không tham dự được, tiếc ngẩn ngơ,
cũng gửi lời:

Hiệp thông, cầu nguyện và chúc mừng ngày Lễ Bổn Mạng Liên Hạt Gia Đức Thiêm luôn tràn đầy Hồng Ân Chúa Thánh Thần trong sứ vụ

Rất nhiều lời chúc thật ý nghĩa và vô cùng dễ thương từ Quý Cha, quý Thầy, Quý Soeur      và tất cả ACE của mục vụ truyền thông giáo phận.

Không thể có hạnh phúc nào hơn khi được dự một  ngày bổn mạng thật ý nghĩa và long trọng như vậy.

Như chương trình thiệp mời, 07 giờ 15, đón tiếp khách mời. Ấy vậy mà mới 06 giờ 30, các Anh Chị liên nhóm hạt Thủ Thiêm đã có mặt và chỉ ít phút sau đó tất cả ACE của các liên nhóm hạt khác cũng đến đông đủ.

Niềm vui như được nhân lên khi được cùng chung bầu không khí:

* Chia sẻ thân tình về bài ”tốt nghiêp” nhật tác của 3 liên nhóm hạt.
* Hát múa truyền thông và giúp vui văn nghệ, có sự chuẩn bị nghiêm túc phải “nhắc nhiều” đến Thủ Thiêm. Rất sinh động, dễ thương.
* Ra mắt  logo nhóm hạt, với chú ong cần mẫn, siêng năng cũng để lại nhiều ấn tượng.
Đáng chú ý nhất là khách mời chia sẻ về tầm quan trọng của truyền thông, hướng đi, mặt tích cực, cũng như hạn chế khi làm truyền thông

Cha Phêrô  Chính, dòng Donbosco, thầy Tôma Tín thuộc Dòng Tên,  Soeur Clara Minh Trang dòng con Đức Bà phù hộ
Chia sẻ rằng:
* Trên mạng xã hội hiện tại, đại đa số là bạn trẻ, muốn giới trẻ thích, chúng ta nên chia sẻ những điều thực tế hợp với họ, không nên giáo điều. Cha cũng đưa ra những ví dụ cụ thể rất hay.
* Làm truyền thông phải có ‘lửa’, ngọn lửa khiến cho thế giới bừng cháy lên lòng yêu mến. Để việc truyền thông có hiệu quả cần ba điều: truyền lửa, chú trọng phần hình ảnh và có sự hợp tác với nhau.
* Soeur Minh Trang cũng đồng ý kiến với Thầy Tôma, Soeur thực hiện được nhiều video clip và sách hay dành cho trẻ em như “Ông Hoàng Hạnh Phúc”,"10 Điều Răn cho thiếu nhi"…

Để đúc kết, cha Trưởng ban Giuse cám ơn Cha Phê rô Chính, Thầy Tôma Tín đã chia sẻ kinh nghiệm truyền thông, Cha cũng giới thiệu, kêu gọi sự hợp tác của các bạn trẻ  về công việc làm phim hoạt hình công giáo cho thiếu nhi của Soeur Minh Trang.

Sau phần chia sẻ là Thánh lễ đồng tế do cha TĐD làm chủ tế. Hiệp dâng Thánh lễ với cha TĐD có cha Trưởng ban MVTT TGP, cha linh hướng MVTT, cha chánh xứ Thủ Đức Giacôbê Mai Phát Đạt và cha Dòng Don Bosco Phêrô Phạm Văn Chính.

Trước khi lãnh phép lành cuối lễ, các thành viên đã hoàn thành Khóa Tổng hợp cấp 1 và Khóa Bồi dưỡng MVTT mùa Hè 2013 cùng tiến lên để lập lại lời tuyên hứa của thành viên MVTT và hát bài “Truyền Thông Dấn thân”. Giây phút thật lắng đọng, mỗi lời hát là lời xác quyết cho công việc mục vụ của chính mình.

Kết lễ, từng hạt chụp hình với Quý Cha đồng tế, và cùng chia sẻ bữa cơm thân mật tại hội trường giáo xứ.
* Chúng con cám ơn Cha trưởng ban Giuse Vũ Hữu Hiền, Soeur Duyên Sa đã đồng hành, truyền dạy kiến thức truyền thông cho chúng con trong suốt khóa học.
* Chúng con cám ơn Cha linh hướng, Cha phó ban đã đồng hành giúp đỡ chúng con cách này, cách khác,
* Chúng con cám ơn Cha Sở đã tạo điều kiện, lo lắng cho việc học của chúng con.
* Chúng con cám ơn các “ nhân viên của Chúa, của Cha” ở văn phòng D7, đã “ theo” chúng con trong suốt khóa học.
* Không quên cám ơn đến tất cả ACE, những thành viên đi trước đã không ngại chia sẻ kinh nghiệm quý báu cho chúng con, những thành viên “ mới toanh và rất hay thắc mắc”

Chương trình mừng bổn mạng liên nhóm hạt Gia – Đức –Thiêm kết thúc hôm nay, nhưng tình yêu trong đại gia đình truyền thông luôn gắn kết với nhau sẽ làm chúng con nhớ mãi. Tiếng gọi “truyền thông dấn thân,” niềm vui truyền thông” “trong Giêsu” lan tỏa mọi ngày trong đời sống chúng con, “là sức sống giúp con luôn bình an.”




Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Tìm kiếm Nước Trời


“ Ai làm cho những kẻ bé mọn này, cũng là làm cho chính Ta”


Ðời chiến quốc, Phùng Huyên làm thực khách cho Mạnh Thường Quân là tướng quốc nước Tề.
Một hôm Mạnh Thường Quân nhờ Phùng Huyên qua đất Tiết để thu các mối nợ. Trước khi ra đi, Phùng Huyên hỏi: "Thu xong nợ rồi có cần mua thêm vật gì không?".
 Mạnh Thường Quân bảo: "Xem trong nhà còn thiếu vật gì thì cứ mua về".
Phùng Huyên đến đất Tiết cho người mời tất cả những con nợ của chủ đến đông đủ, rồi truyền rằng: Mạnh Thường Quân ra lệnh xóa bỏ tất cả số nợ. Và để cho mọi người tin tưởng, Phùng Huyên đem đốt hết những văn khế. Những người thiếu nợ và toàn dân đất Tiết rất vui mừng, tung hô vạn tuế.
Khi họ Phùng trở về, Mạnh tướng quân lấy làm lạ cho là đòi nợ gì mau chóng thế, mới hỏi: Thu nợ xong chưa, và được trả lời là thu xong cả rồi. Ðến khi được hỏi về việc mua đồ vật mang về, Phùng Huyên thưa: Khi đi tướng quân dặn bảo mua những vật gì trong nhà còn thiếu. Tôi trộm nghĩ: trong cung, tướng công chất chứa những đồ trân bảo, ngoài chuồng nuôi đầy chó ngựa. Vậy vật tướng công còn thiếu là điều nghĩa, nên tôi trộm lệnh mua điều nghĩa đem về.
Mạnh Thường Quân ngạc nhiên hỏi: "Mua điều nghĩa thế nào?".
 Họ Phùng đáp: "Tôi trộm lệnh tha cho tất cả các con nợ, nhân đó thiêu hủy các văn khế, được dân vui mừng tung hô, ấy là vì tướng công mua được điều nghĩa vậy".
Một năm sau, vua Tề không dùng Mạnh làm tướng quốc nữa, nên ông phải lui về đất Tiết ở. Bấy giờ bá tánh đất Tiết, trai gái bé già tranh nhau ra đón rước giữa đường, hoan hô nhiệt liệt. Khi ấy Mạnh Thường Quân quay lại Phùng Huyên mà bảo: "Tiên sinh vì tôi mà mua điều nghĩa, ngày nay tôi mới trông thấy".
"Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con về chốn an nghỉ đời đời".

Lời khuyên trên của Chúa Giêsu có giá trị hơn việc mua điều nghĩa do ông Phùng Huyên bày ra để dân chúng đất Tiết hoan hô đón rước Mạnh Thường Quân, khi ông bị thất thế. Bởi lẽ lời khuyên của Chúa Giêsu đề cập về thời gian tối hậu của cuộc sống đời sau, khi con người phải nhắm mắt xuôi tay. Như khi đã đến trần gian trần truồng, từ dạ mẹ mang tiếng khóc ban đầu mà ra thì lúc chết, con người phải từ giã cuộc sống ra đi với đôi bàn tay trắng.
Những bạn hữu sẽ tiếp đón chúng ta vào cuộc sống trường sinh là những ai? Ðó là: Những người đói khát mà chúng ta đã cho ăn uống.Những kẻ rách rưới mà chúng ta đã cho quần áo che thân.Những người đau ốm mà chúng ta đã đến viếng thăm giúp đỡ.Những kẻ bị giam cầm mà chúng ta đã can đảm đến ủy lạo, ủi an.Những người sa cơ lỡ bước mà chúng ta đã cho tạm trú.

 Chúa ơi, bao lần con ngoảnh mặt làm ngơ trước những người khốn khổ, bất hạnh. Xin cho trái tim con biết thổn thức và xin cho con nhận ra hình ảnh Chúa nơi chính những người anh em này, để con yêu mến, giúp đỡ họ, không một chút đắn đo, suy tính.




Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Tiếng chuông- Giáo đường



"Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hay ẩn mình trong những cánh rừng sâu, những ngôi giáo đường đẹp như tranh vẽ
Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.
Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.
Cha ông của chúng ta đã để lại phần cao quý nhất của các Ngài. Mãi mãi, tâm tình của các Ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này, cho đến mai sau…
Nhớ khi còn nhỏ, điều đọng lại trong ký ức tôi, nhiều nhất vẫn là ngôi Thánh đường, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chiều xuống, thoảng trong tiếng gió đưa, tiếng chuông nhà thờ đổ vang một giai điệu trầm bổng, thiết tha, mời gọi cách kỳ diệu, làm trí tưởng tượng non nớt của tôi bay bổng. Khi thì tôi như đang lướt trên các tầng mây, mây hồng, mây trắng nhẹ như bông; khi thì tôi liên tưởng sau đám mây kia là Thiên đàng, Chúa Cha chắc phải uy nghi lắm, còn Đức mẹ và thánh Giuse chắc là hai bên Chúa Giêsu rồi. Chúa Giêsu chắc là mặc áo choàng bằng vàng, chắc là chói mắt lắm? Tự hỏi không biết rồi ba tôi, ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội tôi ở đâu, có nhận ra tôi không?
Những buổi sáng mùa giáng sinh,  trời còn tối, đã nghe tiếng chuông vang khi xa, khi gần bài thánh ca quen thuộc “ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”Tôi cuộn mình trong chăn ấm áp, lắng tai nghe thích thú, nghĩ: “Tôi đang ở dưới đất hay trên trời”
Lớn lên, xa ngôi Thánh đường nhà mình, tôi như quên hẳn tiếng chuông vang. Nơi tôi ở, tiếng chuông nghe lạ và mỗi lần nghe, một nỗi nhớ nhà cứ dâng lên…Rồi lập gia đình, tiếng chuông nơi nào đi qua nghe cũng lạ, lạ nhất là tiếng chuông nhà thờ nơi nhà chồng. Tiếng chuông nhà mẹ tôi, thời con gái, đã làm cho tôi suýt đi tu, tiếng chuông ấy giờ đây tôi vừa nhớ, vừa như quên…
Rồi một ngày xa xưa trở về, một sớm mai thức giấc, nằm trong ngôi nhà của mẹ, tiếng chuông nghe thời con gái lại văng vẳng bên tai. Xa nhà nhiều năm, vậy mà khi trở lại, tiếng chuông vẫn ngân vang, thánh thót trong lòng tôi… Tôi lại trở về với ngôi giáo đường đã xa một thời, nơi có tiếng chuông mà nhiều lần tôi tự hỏi: “ Đây là đâu, tôi đang thức, hay mơ?”…
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.
Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.
" Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa"
Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô hữu ­­vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.


Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta.

Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta

Khi 18, 19 tuổi, tôi có dạy kèm cho con bà chủ nhà Phật giáo, cũng là hàng xóm, thằng bé học lớp 5. Đến nay, nó cũng đã 36 tuổi. Hôm ghé chơi nhà, bà than phiền nhiều về nó, suốt ngày không lo làm ăn. Lớn rồi mà không chịu cưới vợ, bà ưng đứa nào, nó cũng chê, còn nói lẫy: “ Má chịu thì má cưới, con không thích, con không cưới!” Tuyên bố ngang như cua vậy, bà nổi nóng la nó tơi bời, kết cục là nó bỏ nhà bà tới ở nhà bạn. Nó đi, bà buồn, đổ bệnh. Thật ra, câu chuyện không đến nỗi trầm trọng như vậy. Con bà làm nghề tự do, mua bán xe. Nó lại ít tâm sự với bà, nên chuyện bà cưới vợ cho nó, nó không chịu vì nó đang để ý một cô, quận kế bên.
Tôi hàn huyên với bà như những người “bạn”, như đứa con trong nhà, như chị gái nó. Tôi với bà cùng nấu cơm ăn, cùng “ tám” mọi chuyện trên trời, dưới đất.Tôi kể bà nghe câu chuyện:

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó, chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếp sống xa đọa đã đưa đẩy chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.
Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý. Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.
Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một chiếc áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả bờ dậu trước ngõ.

Và tôi kể câu chuyện dụ ngôn “đứa con hoang đàng”
Dù đi đạo Phật, bà cũng chăm chú khi tôi kể. Tôi lấy bài học vỡ lòng còn bé của tôi ra kể cho bà nghe. Tôi đố bà: tại sao tôi ngoan, tôi hiền, tôi  học giỏi hơn anh tôi mà mẹ tôi vẫn thương anh tôi hơn? Bà dễ dàng trả lời: “ Vì mầy ngoan, nên má mầy đâu có lo làm chi!”
Tôi thầm thỉ với bà về thái độ người cha trong dụ ngôn:
“ Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải mở tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.”
Thật dễ thương khi bà nói trong ánh mắt ngời sáng: “ Nhưng mà, tao chỉ có một mình nó!” Tôi khấp khởi mừng vì có một ánh sáng lóe lên cho bà và cho tôi. Tôi ra về...
 Hôm khác tôi đến, không đá động gì tới đạo hạnh, sợ tấn công quá bà sợ, tôi chỉ loanh quanh câu chuyện về thằng con trai của bà, về những chuyến đi từ thiện không phân biệt lương giáo, về những vùng dù cũng đi nhiều mà bà chưa từng tới.
Kể chỉ để bà vui, và cũng lo bà chỉ có một mình, đêm hôm…có gì biết ai hay. Bà đắn đo rồi buột miệng “ Vậy, phải kêu nó về hả con? Bà hỏi và như trả lời. Tôi mừng ra mặt nhưng cố trấn tĩnh“ Vậy mình đâu có lo gì nhiều, vì đâu có ai tị nạnh với nó như thằng anh cả trong câu chuyện con kể hôm nọ…”
Tháng rồi, tôi có vinh dự được đi với bà sang ăn hỏi nhà con dâu duy nhất của bà. Điều làm tôi sung sướng hơn cả buổi nói chuyện hôm trước ở nhà bà về; là bà để cho con trai bà; thằng con duy nhất, thằng con đích tôn, gánh gồng hai bên nội ngoại giữ nhà thờ tự, theo đạo Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình Yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai mở tiệc ăn mừng.

Điều Chúa làm thật lạ lùng, tôi chỉ biết sung sướng mà cảm ta Chúa.


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Chính Thiên Chúa sẽ quyết định cuộc đời ta

Chính Thiên Chúa sẽ quyết định cuôc đời ta


Tại một nhà tù nọ, có một người đàn ông bị kết án tử hình. Nhưng người ta thấy anh không hề tỏ ra nao núng, trái lại lúc nào cũng vui tươi ca hát.
Ngày nọ, các quản giáo bắt gặp anh đang chơi tây ban cầm trong sân chơi của trại tù. Ðám đông bu quanh anh, lúc đầu còn nhút nhát, về sau mọi người cùng hát theo tiếng đàn của anh. Thấy thế, ban giám đốc nhà tù mới ra lệnh không cho anh được chơi đàn nữa.
Nhưng ngày hôm sau, tù nhân đã có bản án tử hình ấy vẫn tiếp tục ra sân chơi và đàn ca như mọi ngày. Ðám đông tù nhân cũng tuôn đến ca hát với anh. Không chịu nổi nữa, những người canh tù sấn đến túm lấy anh và chặt đứt những ngón tay của anh. Họ nghĩ rồi đây anh sẽ không còn chơi đàn được nữa và như vậy đám đông cũng không còn tụ tập được nữa. Nhưng ngày hôm sau, cũng người tử tội ấy, cũng đám đông ấy tụ tập lại trong sân tù và với đôi tay cụt, anh vẫn có thể đàn được những điệu nhạc càng thảm thiết hơn. Lần này, những tên canh tù lôi anh đi và đập nát chiếc đàn.
Ngày hôm sau, con người đáng thương ấy cũng trở lại sân chơi và cất tiếng hát vang. Tiếng hát ca của anh dặt dìu, tha thiết và mời gọi đến nỗi đám đông cũng kéo đến hòa cùng tiếng hát với anh. Lần này, những tên canh tù mới đưa anh đi và họ cắt lưỡi anh. Họ nghĩ rằng tiếng đàn đã bị dập tắt, tiếng ca cũng sẽ bị tắt lịm và như vậy, không còn ai sẽ tụ tập trong sân nữa.
Nhưng trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngày hôm sau, người tử tội vẫn trở lại sân chơi. Lần này, anh không đàn, không hát, nhưng nhảy múa theo một điệu nhạc câm mà chỉ mình anh mới có thể nghe được. Không mấy chốc, đám đông tù nhân kéo đến và họ nhảy múa xung quanh con người khốn khổ ấy.

Chúng ta không nhất thiết cần có đôi chân mới nhảy múa được. Chúng ta có thể nhảy múa với tâm hồn phấn khởi, chúng ta có thể ca hát với lòng tin yêu, vui sống..
“Không gì có thể tách tôi ra khỏi lòng mến Chúa Kitô”. Dù tù đày, dù bệnh tật, dù khốn khổ đến đâu, nếu chúng ta có lòng mến, thì cuộc sống trơ trụi, nghèo hèn của chúng ta vẫn luôn là bài ca chúc tụng, tri ân dâng lên Chúa.
Chính Thiên Chúa sẽ quyết định cuôc đời ta. Chúng ta xác tín rằng: Chúa không tạo ra tôi, rồi để tôi khốn khổ. Chỉ là thử thách của Chúa.
Chúa để tôi: Chịu thử thách đau khổ để rèn nên ý chí. Chịu oan ức, tủi nhục để mạnh mẽ tâm hồn. Chịu chê bai, khinh rẻ để tôi đừng tự mãn. Chịu oán thù, bất công để tôi biết tin yêu.
 “ Ai tự tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống.”
“ Đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không thể giết linh hồn”
 “ Cha của con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ hoàn trả cho con.”
Chúa đã chỉ cho tôi thấy con đường đến Nước Trời, bày vẽ cho tôi cặn kẽ cách thức để đi đến. Vậy tôi còn muốn gì hơn?
Lạy Chúa, xin cho con đi theo con đường Chúa đã đi, đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa và bước đi vững chãi trong cánh tay yêu thương của Người./.



Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

"Cái tôi" của chính mình

“Xin hãy làm cho Chúa lớn lên, còn con thì nhỏ lại”.


Một tác giả nào đó đã nói như sau: "Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu từ câu nói điều này thuộc về tội, điều kia thuộc về tôi".
Khi con người muốn chiếm giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác. Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người. Ðó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại bản thân". Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao cho người khác được hạnh phúc.
Một phụ nữ nọ qua đời, được các Thiên Thần mang đến tòa phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của bà lúc còn sống, Ðấng phán xét đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái nào, ngoại trừ có một lần bà đã cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Ðấng phán xét tối cao đầy lòng nhân từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người đàn bà lên Thiên Ðàng. Dĩ nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để người đàn bà bám vào và leo lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Ðàng.Người ăn mày cũng chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của người đàn bà để được đưa lên Thiên Ðàng.
Một người khác cũng qua đời vào ngày hôm đó. Người này cũng níu lấy chân của người hành khất. Không mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận: mọi người đều níu kéo nhau để lên Thiên Ðàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống, người đàn bà bỗng châu mày khó chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ căng ra rồi đứt chăng. Cho nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho mình củ cà rốt và la lên: "Các người giang ra, đây là củ cà rốt của tôi".
Người đàn bà cố gắng giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi theo.
Trong cuôc sống hàng ngày, trong gia đình hay ngoài xã hội, không ít lần chúng ta vô tình làm cho người khác bị tổn thương bởi những cử chỉ, lời nói, những thù hằn, ghen ghét nhau trong công việc...Đó là lúc ta xa lìa Chúa, không để Chúa can thiệp vào đời sống của chúng ta. Tha thứ và yêu thương như viên thuốc cô lập, giết chết con vi trùng tội lỗi là “cái tôi”của mình ra khỏi chính con người mình. Đừng vì những nhỏ nhen vụn vặt mà làm cớ vấp phạm cho sự dữ.
“ Thiên Chúa là tình yêu”. Xin cho chúng con luôn nhận ra chân lý này, để mỗi ngày chúng con sống giống hình ảnh Chúa hơn.







Sự chân thành làm nên phép màu.

 "Tất cả mọi sự đều là ân sủng của Chúa".
                                                                                                                                                                  
Trong cuộc sống, sự chân thành bao giờ cũng là điều đáng trân trọng. Người ta cho rằng một sự thật xấu xa còn hơn một điều dối trá tốt đẹp. Người có lối sống chân thành bao giờ cũng tạo một sức hấp dẫn với người khác, bởi bản chất con người là luôn hướng về sự thật, về chân lý.
Người chân thành luôn tạo ra sự tin cậy quanh họ, là chỗ dựa tinh thần ấm áp của bạn bè, người thân. Sống bên họ ta cảm thấy yên ổn, thanh thản.
 
Chân thành, sẽ cho bạn sự tự tin, sức lôi cuốn tỏa sáng kỳ diệu
Sự chân thành được thể hiện không chỉ trong lời nói mà nó phải được bắt rễ sâu xa từ trong một tấm lòng thành thực và trong sáng, với tình cảm thực sự thì mới có sức thuyết phục, lâu dài và vững mạnh.

Một cô bé tám tuổi nghe cha mẹ mình nói chuyện về đứa em trai nhỏ. Cô bé chỉ hiểu rằng em mình đang bị bệnh rất nặng và gia đình cô không còn tiền.

Chỉ có một cuộc phẫu thuật rất tốn kém mới cứu sống được em trai cô bé, và cha mẹ em không tìm ra ai để vay tiền. Do đó, gia đình em sẽ phải dọn đến một căn nhà nhỏ hơn vì họ không đủ khả năng tiếp tục ở căn nhà hiện tại sau khi trả tiền bác sĩ.

Cô bé nghe bố nói với mẹ bằng giọng thì thầm tuyệt vọng:

- Chỉ có phép màu mới cứu sống được Andrew.

Thế là cô bé vào phòng mình, kéo ra một con heo đất được giấu kỹ trong tủ. Em dốc hết đống tiền lẻ và đếm cẩn thận.

Rồi cô bé lẻn ra ngoài bằng cửa để đến tiệm thuốc gần đó. Em đặt toàn bộ số tiền mình có lên quầy.

Người bán thuốc hỏi:

- Cháu cần gì?

Cô bé trả lời:

- Em trai của cháu bệnh rất nặng và cháu muốn mua phép màu.

- Cháu bảo sao? Người bán thuốc hỏi lại.

- Em cháu tên Andrew. Nó bị một căn bệnh gì đó trong đầu mà bố cháu nói chỉ có phép màu mới cứu được nó. Phép màu giá bao nhiêu ạ?

- Ở đây không bán phép màu, cháu à. Chú rất tiếc. - Người bán thuốc nở nụ cười buồn và tỏ vẻ cảm thông với cô bé.

- Cháu có tiền trả mà. Nếu không đủ, cháu sẽ cố tìm thêm. Chỉ cần cho cháu biết giá bao nhiêu?

Trong cửa hàng còn một vị khách ăn mặc thanh lịch. Sau khi nghe câu chuyện, ông cúi xuống hỏi cô bé:

- Em cháu cần loại phép màu gì?

- Cháu cũng không biết nữa - Cô bé trả lời, rơm rớm nước mắt - Nhưng em cháu rất cần phép màu đó. Nó bị bệnh nặng lắm, mẹ cháu nói rằng nó cần được phẫu thuật, và hình như phải có thêm loại phép màu gì đó nữa mới cứu được em cháu. Cháu đã lấy ra toàn bộ số tiền để dành của mình để đi tìm mua phép màu đó.

- Cháu có bao nhiêu? Vị khách hỏi.

Cô bé trả lời vừa đủ nghe:

- Một đô la mười một xu.

Người đàn ông mỉm cười:

- Ồ! Vừa đủ cho cái giá của phép màu.

Một tay ông cầm tiền của cô bé, tay kia ông nắm tay em và nói:

- Dẫn bác về nhà cháu nhé. Bác muốn gặp em trai và cha mẹ cháu. Để xem bác có loại phép màu mà em cháu cần không.

Người đàn ông thanh lịch đó là Bác sĩ Carlton Armstrong, một phẫu thuật gia thần kinh tài năng. Ca mổ được hoàn thành mà không mất tiền, và không lâu sau Andrew đã có thể về nhà, khỏe mạnh.

Mẹ cô bé thì thầm: Mọi chuyện diễn ra kỳ lạ như có một phép màu. Thật không thể tưởng tượng nổi. Thật là vô giá! Cô bé mỉm cười. Em biết chính xác phép màu giá bao nhiêu.
Một đô la mười một xu, cộng với sự chân thành của một đứa bé, và lòng tốt của người bác sĩ.


Sự chân thành là một loại men làm dậy khối bột; lòng trắc ẩn của con người, có thể khiến phép màu xảy ra!

Có nhiều khi tôi thấy mình rất giỏi khi biết cách làm thế này, nói thế kia…để có kết quả như ý muốn. Ấy là lúc tôi đang tự đánh mất sự chân thành của mình, đánh mất sự khôn ngoan không do Thiên Chúa ban tặng.Thay vì để Chúa hướng tôi, tôi lại có khuynh hướng làm ngược lại, khuynh hướng của satan, mà không để Chúa làm chủ cuộc đời tôi.

Lạy Chúa xin cho con dám từ bỏ những gì làm mất lòng Chúa, xa lìa Chúa.Xin cho con can đảm bước qua những toan tính trục lợi, thói giả hình đê hèn. Bởi vì "những gì không thuôc về Thiên Chúa là thuộc về satan”. Xin cho con có cái nhìn trẻ thơ để  mọi việc con làm tất cả là vì Chúa, chỉ vì Chúa mà thôi.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    





Thứ Ba, 20 tháng 8, 2013

Cảm nhận kết thúc khóa học bồi dưỡng hè 2013.

"Hãy đi và loan báo Tin Mừng"

Khóa học bồi dưỡng hè đã kết thúc. Chúng tôi những thành viên mới được Soeur Duyên Sa thông báo ai  sẽ được cấp chứng chỉ  khóa học vào dịp lễ thánh Bartholomeo, bổn mạng liên hạt Gia- Đức –Thiêm  vào ngày 24. 08. 2013 sắp tới. Không khí thật rộn ràng, khác hơn các buổi học trước đó.

Sau phần chia sẻ Tin mừng, Cha trưởng ban tuyên dương một số thành viên đã có cố gắng trong việc thực hiện nhật tác trên trang web newtitoco.Cha cũng nhắc nhở các thành viên khác về việc “ bồi hoàn” bài học của mình.
Chúng tôi họp theo nhóm hạt, thảo luận công việc tổ chức bổn mạng liên hạt sắp tới, trước khi đưa ra những khó khăn nhờ Cha trưởng ban giúp đỡ. Sau cùng thì “như ý Chúa” mọi việc đâu vào đấy. Chúng tôi hết sức phấn khởi.

Niềm hạnh phúc bất ngờ khi được Đức Cha phụ tá Phêrô đến chia sẻ. Thật ấn tượng với cách nói chuyện của Ngài: vui tươi, ngắn gọn, giản dị nhưng sâu sắc. Dù chỉ có vài phút, khi Ngài đi khỏi, những lời Ngài nói vẫn còn vang bên tai tôi: “ Theo Chúa là bước vào con đường hẹp, con đường đơn côi, con đường từ bỏ và phục vụ… Làm truyền thông là phải hiệp thông: các thành viên phải nâng đỡ, gắn bó, chia sẻ, đồng hành với nhau; chứ đừng như những hòn đảo, cô đôc xếp gần nhau.” Đây là bài học mà tôi chắc phải nhớ rất lâu và mang theo suốt hành trình của mình.

Cám ơn Đức Cha Phêrô đã quan tâm đến chúng con từ khi mới bắt đầu cho đến mãn khóa 

Cám ơn Cha trưởng ban đã kiên nhẫn, hết lòng dạy dỗ và đồng hành cùng chúng con suốt khóa học.

Cám ơn Cha linh hướng, Cha phó ban đã giúp chúng con cách này, cách khác trong khóa học

Cám ơn Soeur Sa đã giúp chúng con hiểu biết hơn trong các tiết học hình ảnh, những chỉ dẫn tận tâm để chúng con tác nghiệp.

Cám ơn các anh chị đi trước đã không ngại, bớt thời gian, nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và cùng đồng hành với chúng em

Cám ơn những thành viên “mới toanh” và rất hay thắc mắc, đã tạo nên một lớp học vô cùng sôi nổi, dễ thương.


Chúa ơi, ước gì con biết can đảm chọn Chúa nhiều lần trong ngày, qua những chọn lựa bé nhỏ, để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của con, và cho con được thông hiệp vào cuộc sống của Chúa.
Khóa học này kết thúc, nhưng mỗi ngày trong đời con là những bài học mới. Xin Chúa cho con có đôi mắt sáng, có tai biết lắng nghe, và có trái tim rộng mở để nhìn thấy những người chung quanh con tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.


Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Chuyến tàu và sân ga đời người

“ Yêu thương là nhẫn nhịn tất cả, tha thứ tất cả.”

TT - Mỗi cá nhân đều có chuyến tàu và sân ga đời mình. Con người không thể quyết định lộ trình sinh mạng dài ngắn, nhưng việc lựa chọn lái chuyến tàu theo con đường nào và dừng ở sân ga nào trên hành trình cuộc đời nằm ở tầm tay...

Xe tù xuất phát từ trại tạm giam chạy thẳng vô cổng TAND TP Cần Thơ, rồi băng qua sân trước đến sân sau. Từ đây, cảnh vệ dẫn giải bị cáo theo cầu thang tầng hầm lên phòng xét xử hình sự nằm ở tầng trệt. Sau khi xử xong, các bị cáo lại bị dẫn giải xuống xe tù trở về trại tạm giam... Và sân sau, nơi xe tù đậu, trở thành như một sân ga tiễn đưa những chuyến tàu...

Những người thân của bị cáo Nguyễn Thị Phương Trang, 34 tuổi, đã đến dự phiên tòa sơ thẩm rất sớm. Sự nghèo khó hằn lên manh áo bạc và lai quần xoắn tít của người chồng. Nỗi nhớ mong in đậm trong đôi mắt hai đứa trẻ đang hướng ánh nhìn nơi cánh cổng tòa án... 

Khoảng 7 giờ, xe chuyên dụng từ cổng chạy đến sân sau. Người chồng bế thốc thằng út chạy tất tả theo xe. Đứa con lớn lốc thốc phía sau. Rồi họ lại hộc tốc quày ngược để người cha vô phòng xử, hai đứa trẻ không được cho vô, đứng trước cửa thút thít gọi mẹ ơi mẹ hỡi... Phía bên trong, người mẹ đang đứng trước vành móng ngựa nghe kiểm sát viên đọc cáo trạng về hành vi gây án của mình: Anh N.H.L. thuê đất giáp ranh nhà Trang trồng nấm rơm. Sợ gia cầm phá nên anh L. dùng lưới rào xung quanh. Anh của Trang cuốn lưới lên bắt gà dẫn đến hai bên gây gổ, đánh nhau. Vì bênh anh mình nên Trang dùng khúc gỗ đánh liên tục vào đầu anh L. khiến anh L. tử vong...(Tuoitreonline)             

Hình ảnh hai đứa trẻ ngoài phòng xử thút thít gọi mẹ, hình ảnh người chồng manh áo bạc, lai quần xoăn tít tất tả chạy vào phòng xử…Đó là một vòng lẩn quẩn bất công thường đeo bám  cái nghèo, thất học. Nếu chị  Trang có dịp nhìn thấy cảnh đó chắc chị đã không phạm tội. Rồi hai đứa trẻ lớn lên liệu chúng có thể chịu đựng nổi ánh mắt người đời?
Tương lai chúng đi về đâu khi mẹ nó phải thụ án, cha phải vất vả, gáng gồng một mình nuôi con, những đứa trẻ bé xíu lại rất cần sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ  từng ngày để lớn lên, trưởng thành. Vậy mà...
Nếu ngày đó, Anh L và gia đình chị Trang mỗi người nhịn một chút, thì bây giờ đâu ra tình cảnh này. Người chết, người ngồi tù, chỉ tội cho những đứa trẻ. Chúng chẳng có tội lỗi gì mà phải lãnh số phận bi thảm, côi cút quá bất công.

” Yêu thương là hy sinh tất cả, hy sinh cả mạng sống  vì người mình yêu”

Chúa là vua trời đất, mà còn nhẫn nhịn, chịu chết trên thập giá cứu chuộc thế gian để cho nhân loại một bài học về tình yêu.
Vậy thì chúng ta, sao nỡ đành lòng sát phạt nhau, hơn thua nhau, làm hỏng công trình cứu chuộc của Chúa.

 Hằng ngày tôi cầu xin cùng Chúa. Chớ gì Chúa tạo nên con thì xin Chúa đừng bỏ rơi con. Xin cho  đường đi của con có Chúa đồng hành.
Xin cho con có đôi mắt trẻ thơ, để nhìn con người và vạn vật trong trời đất bằng cái nhìn trong trẻo đầy tình yêu.
Xin cho con có tấm lòng rộng mở, để con có thể yêu thương những người quanh con, những người đau khổ, đơn sơ, nhỏ bé.
Và Chúa ơi, xin cho sân ga đời con; không chỉ có mình con, gia đình con mà còn có đông người thân, anh em, bạn bè…những người con từng gặp gỡ, yêu mến ở thế gian này.



Đôi dép.


Khi còn là cô bé, tôi thích đọc thơ Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Bùi Chí Vinh.
Lâu lắm rồi, mới lại có dịp đọc được bài thơ hay


Bài thơ đầu anh viết tặng em
Là bài thơ anh viết về đôi dép
Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ
Hai chiếc dép kia gặp gỡ bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi, cùng nhau
Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người chà đạp
Dẫu vinh nhục, không đi cùng người khác
Số phận chiếc nầy phụ thuộc ở chiếc kia.
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu.
Cũng như mình trong những phút vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh.
Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi.
Không thể thiếu nhau trên mọi bước đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái
Nhưng anh yêu em bởi những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau một bước đi chung.
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.

" Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một thân xác."

Có người bạn là tu sĩ nói một câu ấn tượng” Tôi đi tu vì không thể chịu đựng được cảnh tử biệt, sinh ly.”
Dù là câu nói đùa nhưng gợi cho tôi một ý nghĩa đặc biệt. Ai trong chúng ta lại không chứng kiến một lần trong đời cảnh ấy.
“Tử biệt,” chỉ là một bước về với Chúa. Trần gian chỉ là nơi chốn tạm bợ, cuộc sống vĩnh cửu là bên Chúa. Nhưng trần gian này lại có những người ta yêu thương, vì thế, ta luyến tiếc.
Chúa gọi mỗi người theo cách riêng. Người được gọi theo bậc tu trì, người được gọi theo đời sống hôn nhân. Bậc nào cũng có những khó khăn riêng.
Sống theo ơn gọi hôn nhân ngày nay không phải là chuyện dễ. Người ta có thể yêu nhau bằng cái nhìn đầu tiên. Có thể nắm tay nhau đi đăng ký kết hôn trong vòng 15 phút. Và cũng có thể ra tòa li dị liền sau đó. Hôn nhân công giáo” chỉ được chọn chứ không được đổi”. Gia đình là nền tảng xã hội và giáo hội. Gia đình hôm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp: đổ vỡ, ly dị…kéo theo nhiều hệ lụy: những đứa trẻ không cha, không mẹ. Ly dị không là giải pháp tốt nhất. Đối với người Kitô hữu, trong hôi thánh có nhân luật và thiên luật. Nhân luật thì có thể thay đổi vì chính con người làm ra nó. Còn thiên luật là luật của Chúa, không thể thay đổi.

“Điều gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”

Lạy Chúa, xin giúp các gia đình Kitô hữu biết ý thức trách nhiệm mà tuân giữ luật Chúa. Xin cho những người đang sống đời hôn nhân, biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ cam kết  











Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Thăm mái ấm tình thương.

Nhân chuyến hành hương Linh đài Mẹ Tàpao 17.08.13, đoàn chúng tôi ghé thăm một mái ấm tình thương ở Lagi- Hàm Tân- Bình Thuận. Nơi đây các Soeur chăm sóc các cháu bị bỏ rơi, bại não, tật nguyền...Vì sự công bằng và tương lai cho trẻ thơ, bậc làm cha mẹ đừng vì một phút lầm lỡ mà tước đoạt cuộc sống của các cháu nhỏ này...

 Dù được các Soeur chăm sóc kỹ lưỡng, các cháu học hành rất giỏi, tuy nhiên một số cháu bé mồ côi lại còn bại não, đã in sâu vào tâm trí chúng tôi xúc động, khó quên...

"Mỗi lần các ngươi làm việc gì đó cho các người anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta." 

Nhìn các cháu xinh như thiên thần ăn, ngủ, vô tư, chơi đùa, tôi nghe lòng nặng trĩu...Không biết nơi nào đó, cha mẹ của các cháu có còn nhớ đến: mình từng bỏ một đứa con dễ thương như vầy không?Các cháu rất cần tình thương cha mẹ, cần sự quan tâm cộng đồng để lớn lên, trưởng thành lành lặn cả thề xác và tâm hồn.

Lạy Chúa:
Xin cho công việc bác ái của các Soeur, các nhà hảo tâm được nhân rộng trong cộng đồng dân Chúa.Xin cho công việc bác ái này nảy sinh hạt giống yêu thương trong tâm hồn mỗi người chúng con, để chúng con biết mở lòng ra, sống yêu thương nhau, chung tay sẻ chia nỗi đau cho người bất hạnh.Xin cho các bậc làm cha mẹ hiểu biết giá trị sự sống con người; tạo vật duy nhất, đẹp nhất trong vũ trụ được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.




 









ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN