Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

THỨ HAI TUẦN THÁNH


Ga 12,1-11
1 Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. 2 Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. 3 Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. 4 Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: 5 "Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?" 6 Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền, nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. 7 Vậy Chúa Giêsu nói: "Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. 8 Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu".
"Giá tiền của bình dầu thơm mà Maria đã đổ ra để xức chân Chúa Giêsu là 300 đồng, bằng lương 300 ngày công, nghĩa là gần suốt một năm. Mà gia đình Bêtania không khá giả gì. Maria yêu mến Chúa Giêsu “bằng mọi giá, chẳng tiếc bất cứ thứ gì cả. Trước đây, Maria cũng đã làm hài lòng Chúa khi bỏ hết mọi việc để ngồi bên chân Ngài và lắng nghe lời Ngài (Lc10,38-42). Lòng yêu mến Chúa của Maria không phải chỉ là tình cảm suông, cũng không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà còn bằng thái độ không tiếc bất cứ thứ gì với Chúa, nhất là tiền bạc và thời gian.

Một bình dầu thơm được đánh giá 2 cách khác nhau: Maria dùng nó như phương tiên phục vụ Chúa, Giuđa coi đó là một giá trị vật chất đáng thèm muốn.
Giuđa nói: “sao không bán dầu thơm đó lấy 300 đồng mà cho người nghèo”. Nhiều khi người nghèo bị lấy làm chiêu bài để che đậy cho lòng tham, để tô vẽ bộ mặt đạo đức của kẻ giả hình.
“Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh, còn Thầy thì anh em chẳng có mãi đâu”. Phục vụ Chúa và phục vụ tha nhân đều là hai việc tốt. Tuy nhiên Chúa dạy ta hai điều:
Phải biết cân nhắc khi nào thì ưu tiên cho việc nào;
Đừng viện cớ phục vụ tha nhân mà bỏ bổn phận phục vụ Chúa."
Bình dầu thơm hảo hạng mà Maria đổ ra để lau chân Chúa có giá 300 đồng, tương đương 300 ngày công thời đó; Cho thấy một Maria hết sức yêu mến Chúa không tiếc thứ gì tốt nhất dành cho Chúa. Còn con...

Chúa ơi, con thật đáng hổ thẹn vì biết bao lần xa Chúa, tính toán với Chúa, nghe Lời Chúa một cách hời hợt như đứa con hoang đàng bao năm đi xa, trở về rồi lại đi xa... Chúa lúc nào cũng chờ đợi con, tha thứ cho con...
Nghĩ lại, con yêu Chúa bằng môi miệng nhiều hơn tấm lòng, con cảm thấy rất thẹn nhưng cũng
 cảm thấy sung sướng vì Chúa yêu con quá đỗi. Con sẽ cố gắng mỗi ngày để không làm mất lòng Chúa, cố gắng mỗi ngày để những người chung quanh con nhận biết Chúa là Đấng từ bi, nhân hậu, giàu lòng thương xót!

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Đường lên Núi Sọ.

Lễ Lá.

"Chúc tụng triều đại đang tới,
triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta.

Hoan hô trên các tầng trời!"
(Mc 11,10)

Lần theo con đường Chúa đi lên Núi Sọ, đặt bước chân mình vào bước chân Người, thật chậm rãi, khe khẽ để nghe bàn chân kể chuyện.Đường Chúa đi lên Núi Sọ là con đường kinh khủng nhất thời đại. Nó chỉ toàn tiếng than khóc; tiếng lòng của bao con người đã từng biết Chúa; tiếng chửi rủa, lăng mạ; tiếng roi vọt, vũ lực của bọn quân lính Philato; ..Mới hôm qua, cũng trên những con đường này, dân chúng tung hô chào đón Chúa vào thành; trải áo lót đường cho Người đi. Từng viên đá, lối mòn, thành quách...đã chứng kiến từng bước chân Người; mới hôm qua thôi, hôm nay đã khác...
Tạm nghĩ như một phàm nhân, đứng ở góc độ người phụ nữ bình thường; có nhiều khi tôi ngỡ ngàng trước sức mạnh diệu kỳ của Chúa Giêsu. Làm sao mà Con Người có thể chịu đựng được sự tàn bạo, thói ích kỷ, vô cảm của những kẻ từng cận kề đi theo mình nghe giảng, ăn uống, ngủ nghỉ, từng được chữa lành bệnh tật..Giả như tôi thời ấy, tôi là ai trong số họ? " Không phường chém giết, cũng quân nghịch thù" phải vậy không? Cũng có thể lắm chứ! Như Giuđa kia- cũng từng là môn đệ Chúa, vậy mà cũng là tên phản nghịch bán Chúa với 30 đồng. 30 đồng thời đó mua được gì ! Như Phêrô- đã từng trả lời 3 lần câu hỏi của Thầy "con có yêu mến Thầy không?" " Thầy biết là con yêu mến Thầy!"Một câu trả lời xác quyết như vậy mà cũng chối Chúa đến 3 lần...
Có người bạn không công giáo nói với tôi rằng: tôi thấy đạo công giáo rất hay, Giáng Sinh, tết, ngày Chúa sống lại tưng bừng, rực rỡ...Câu nói nghe bình thường nhưng làm tôi thẹn! Tôi muốn người bạn ấy biết "người công giáo" có gì khác hơn, chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài như vậy!Câu nói làm tôi suy nghĩ.
Đường vào thành Giêrusalem đẹp lắm chứ, ai đi theo Chúa chẳng được. Nhưng con đường lên Núi Sọ mới thật đáng sợ!
"Ai muốn theo Thầy phải từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mà theo Thầy". 

Lạy Chúa, xin dạy con làm thế nào để"chặt" những cái "gai" đang xù xì đeo bám thân con; xin uốn con cho ngay thành nhành lá mềm mại trong tay Chúa;  xin cho con sức mạnh và sự khôn ngoan để biết nói và làm những điều Chúa đã dạy; để có thể bước đi đến cùng con đường mà Chúa đã đi qua!

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Mùa Chay sắp hết, tĩnh tâm lại, ta có làm được gì?

Bức tranh vẽ chân dung cựu thủ tướng Lý Quang Diệu được tạo từ 18.000 lượt chữ “Lee Kuan Yew” (Lý Quang Diệu) viết tay đang gây “bão” trên mạng Internet vì sự độc đáo riêng.

Ong Yi Teck đã chọn cách một cách riêng để thể hiện tình cảm với vị thủ tướng này: Cậu viết đi viết lại hàng chục ngàn lần tên ông lên một tờ giấy khổ A2 theo các đường nét bố cục để rốt cuộc, hiện lên gương mặt hiền từ vị thủ tướng một thời của đất nước Singapore.

Ong Yi Teck cho biết: “Thế hệ chúng tôi không giống thế hệ cha mẹ mình, không được tận mắt chứng kiến giai đoạn chuyển mình của Singapore, nhưng trong mắt tôi, ông Lý giống như một huyền thoại, một hình ảnh mang tính biểu tượng mà tất cả người dân Singapore sẽ luôn nhớ tới. Thông qua tác phẩm của mình, tôi chỉ muốn bày tỏ lòng kính trọng và trân trọng về sự đóng góp của ông Lý với đất nước”.

Chính bởi những tình cảm đặc biệt này nên khi nghe tin ông Lý Quang Diệu phải vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, Ong Yi Teck đã muốn làm một việc gì đó dành tặng ông. Suốt 15 giờ liền viết tay khoảng 18.000 lượt tên ông, cậu đã hoàn thành bức chân dung ông Lý.

Hình ảnh Ong Yi Teck ngồi 15 tiếng đồng hồ vẽ nên hình ảnh Lý  Quang Diệu chỉ để tri ân và tỏ lòng kính trọng; gợi cho ta nhớ về hình ảnh Matta lấy mái tóc đẹp của mình lau chân Chúa Giêsu như là một hành động  biết ơn, kính trọng; hình ảnh Giuđa vừa chạy ra ngoài thành vừa khóc để rồi thắt cổ vì hối hận đã bán Chúa với 30 đồng bạc; hình ảnh Phêrô đấm ngực thống thiết vì chối Chúa 3 lần...Mỗi thời mỗi khác, nhưng cuối cùng quy lại một mối vẫn là tội lỗi và sự thống hối. 

Mỗi ngày mở mắt ra, đối diện với bao nhiêu là vấn đề, bao nhiêu là lọc lừa, tranh giành cơm áo, quyền thế, tước vị...liệu tâm hồn ta có còn biết thống hối? Liệu ta còn biết giới hạn giữa thiện và ác nữa hay không? Liệu ta còn nhớ đến Chúa Giêsu đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta hay không, hay chỉ để đối diện với cảnh đời trần thế mà ta quên mất cái chết đau thương của Chúa cho chúng ta, quên mất đường hướng đời mình?

Mùa Chay sắp hết, tĩnh tâm lại, ta nghĩ gì và làm được gì?
"Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết." (Ga 8,51)

Lạy Chúa, xin Chúa luôn ở bên cuộc đời chúng con, xin nâng đỡ chúng con khỏi những vấp ngã làm đau đớn anh em, làm mất lòng Chúa. Xin dạy cho con biết sống theo luật Chúa mỗi ngày trong đời con.

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Tâm tình trong ngày lễ Truyền Tin.



Tâm tình trong ngày lễ Truyền Tin.
Lc 1,26-38
36 Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; 37 vì không có việc gì mà Chúa không làm được". 38 Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt Bà.

Nói về Đức Mẹ như lời thánh Bênađô thì "chẳng bao giờ cho đủ". Trong cuộc sống hàng ngày ta thường nhớ đến Đức Mẹ nhiều hơn hết. Vui, buồn, sướng, khổ...đều chạy đến cùng Mẹ. Không chỉ có phụ nữ gần gũi với Mẹ mà cánh mày râu cũng yêu mến Mẹ không kém; thật cảm động khi thấy một thân hình cao lớn, phương phi, quỳ rạp dưới chân mẹ cầu nguyện trước ánh mắt của bao nhiêu người qua lại, nhìn ngó...
Vậy làm sao mà Đức Mẹ có một hấp lực như thế?
Nơi Đức Mẹ ta thấy có hai nhân đức quan trọng đó là:
Lòng kính sợ Thiên Chúa.
Thứ đến là sự khiêm nhường.
Vì lòng kính sợ Thiên Chúa cho nên Mẹ không dám làm điều gì mất lòng Chúa, tiêu biểu qua việc Mẹ "xin vâng" khi nghe Thiên Thần truyền tin. Một biến cố trọng đại như vậy; có thể nói đó là biến cố sống còn cho một trinh nữ sẽ mang trong dạ Con Đức Chúa Trời.
Thứ đến là Đức Mẹ luôn sẵn sàng thi hành mọi mệnh lệnh của Thiên Chúa trong việc đưa Hài nhi Giêsu trốn qua Ai cập,đưa Chúa Giêsu trở về và nhất là can đảm theo chân Chúa Giêsu lên đến đỉnh đồi Golgôtha. Một sự đau đớn cùng cực chứng kiến cái chết của con mình...


Trong cuộc sống hiện đại, mỗi khi chán nản, ta hãy nhìn ngắm Mẹ, nhìn ngắm nhân đức và sự hy sinh của Mẹ, để mỗi ngày trở nên giống Mẹ hơn.Và hơn hết được gọi Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa là Mẹ, quả là nguồn hạnh phúc lớn lao, vô biên, vô tận...

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Khi chết- tôi đem theo được cái gì?


Vua Salomon trong Kinh Thánh được vang danh vì sự khôn ngoan, giàu có của mình. Ông lên làm vua vào khoảng 967 trước Công Nguyên. Quốc gia Do thái của ông, lúc đó, trải dài từ ven sông Euhrates trên miền Bắc, vùng Lưỡng Hà, xuống đến tận vùng cực Bắc của Ai Cập, phía Nam.
Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình... Vua bèn nói với ông:
- Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó.
Benaiah trả lời:
- Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy chắc phải có gì đặc biệt?
Nhà Vua đáp:
- Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui. Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.
Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi:
- Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?
Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười.
Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.
- Nào, ông bạn của ta, - Vua Salomon nói - Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?
Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói:
- Nó đây thưa đức vua.
Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: “Điều đó rồi cũng qua đi”.
Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi.
Đúng như thế, tất cả mọi danh vọng, chức tước, giàu sang, địa vị rồi sẽ qua đi. Nguyên nhân đau khổ mà chúng ta thường gặp là do chúng ta không thấy tính chất tạm bợ và mong manh của cuộc sống.
1. Tất cả ai rồi cũng phải già
2. Tất cả ai rồi cũng phải bệnh
3. Tất cả ai rồi cũng phải chết
4. Những gì yêu thương, nắm giữ giữa cuộc đời ra đi phải để lại tất cả.
5. Lúc chết chỉ đem theo cái tội và cái phước.
Do đó, bạn cũng như tôi phải quán niệm năm điều này thì lúc gặp những thăng trầm, mất mát trong cuộc sống chúng ta sẽ rất tự tại và thản nhiên, bởi vì bản chất của đời người là như thế!
Trong tinh thần Mùa Chay Thánh, sống bác ái, yêu thương và phục vụ chính là nền tảng vững chắc. “Điều đó rồi cũng qua đi”. Chỉ có Chúa là Đấng có thể ban cho ta sự sống đời đời.

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN