Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Hội thảo: Kiến tạo không gian thánh

WGPSG -- Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt, vào lúc 8g30, ngày 12/07/2014, tại hội trường Học viện Thánh Giuse, Dòng Tên Việt Nam đã diễn ra buổi hội thảo đề tài: “Kiến tạo không gian thánh - Bài học rút ra từ Sách Giáo lý của cha Đắc Lộ” và “Cái nhìn về các tôn giáo theo Sách Giáo Lý của cha Đắc Lộ” do hai diễn giả Lm. Antôn Phạm Trung Hưng và Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu trình bày.
Đến dự buổi hội thảo, có các linh mục, tu sĩ Dòng Tên, chủng sinh, đông đảo bạn trẻ quan tâm, đặc biệt có sự hiện diện của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm.























































Thong thả trong cách trình bày, Lm. Antôn Phạm Trung Hưng “mở trang Giáo lý” của Cha Đắc Lộ một cách nhẹ nhàng, giản dị, giúp cho thính giả tiếp thu dễ dàng theo khả năng của mình. Diễn giả đặt trọng tâm vấn đề về việc dạy và học giáo lý, người huấn giáo cũng như thụ giáo; áp dụng phương pháp “đặt khung cảnh” để bản thân thích nghi đến với đối tượng truyền đạt như: trẻ em hay người ít học, người đạo mới... Điều quan trọng nhất là họ nuôi dưỡng mối tương quan thâm sâu và gần gũi giữa con người với Thiên Chúa; nhắm đến khai tâm đời sống Kitô giáo, hướng dẫn tâm trí người học sẵn sàng ước muốn thực hành và khơi dậy lòng sốt mến nơi họ.
Với diễn giả Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu thì “Cái nhìn về các tôn giáo của Cha Đắc Lộ” giúp thính giả có khả năng hạn chế, sẽ hiểu hơn một số nghi thức trong Thánh lễ, việc thờ cúng trong đạo Lão… Một chị thính giả đặt câu hỏi: “Trong mỗi Thánh lễ làm dấu bao nhiêu thì đúng?” Bởi chị cho rằng: “Thấy người ta làm mà mình không làm thì sợ thiếu; mình làm, không thấy người ta làm lại sợ dư.” Câu hỏi làm thính phòng như vỡ ra, còn diễn giả thì bối rối… điều đó cho thấy: giáo lý Công giáo rất cần thiết cho mọi người, nhất là người đạo mới, đạo theo.
Dù khung giờ được sắp xếp, song đã quá trưa mà chương trình vẫn không ngớt sôi nổi. Cha phụ trách đã nói lời cảm ơn và hẹn một dịp khác. Thiết nghĩ, buổi hội thảo đã đem đến nhiều điều bổ ích cho mọi đối tượng quan tâm, nhất là giới trẻ và những người đang theo ơn gọi.

Nước Trời.

Hằng ngày, hằng phút, hằng giây chúng ta sống trong tình thương ấp ủ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta không ý thức điều đó, cho nên nhiều khi chúng ta bi quan chán nản, và mặt khác chúng ta không đáp lại tấm lòng của Chúa. Chúng ta ít suy gẫm về tình thương của Chúa đối với chúng ta. Chúng ta ít biết ơn Chúa mặc dù đã nhận được rất nhiều ơn từ bàn tay rộng rãi của Ngài. Ơn quý trọng nhất mà Chúa ban cho ta là Nước Trời. Nhưng xem ra chúng ta không coi trọng ơn này. 






Thiên Chúa yêu thương loài người, và thương thật tình. Chính vì thương nên có nhiều điều tuy chúng ta cứ nằng nặc xin Ngài nhưng Ngài biết có hại cho chúng ta nên Ngài không cho. Ngài cho chúng ta những điều mà Ngài biết là tốt nhất, có ích cho chúng ta nhất. Ðó là những điều mà các bài đọc hôm nay kể cho ta biết: sự khôn ngoan, luật Chúa, ơn làm con Chúa và nhất là Nước Trời. 


Chúng ta hãy tự kiểm điểm xem chúng ta có khôn ngoan hay không?
Nhiều người ham tiền. Ðối với họ, tiền là trên hết, hay nói cách khác, không có gì trọng bằng tiền. Nhưng thử hỏi tiền có bền vững mãi mãi không? Dĩ nhiên là không. Rất nhiều bằng chứng về điều này... Vậy, người suốt đời lo kiếm tiền và chạy theo tiền là người dại .Nhiều người hám danh. Họ ham được khen, họ thích địa vị. Họ bỏ tiền ra để mua danh. Nhưng thử hỏi Danh có bền vững mãi không? 


Ở đời, có những người khôn mà không ngoan, có người ngoan mà không khôn. Có những người khôn vặt, khôn láu cá, khôn lỏi, cái khôn mà Thánh Kinh gọi là sự Khôn ngoan của con cái tối tăm. Nghĩa là chỉ biết khôn ngoan trong việc trần thế vật chất, tội lỗi, mà không có một chút khôn ngoan trong sự sáng, biết phân biệt lành dữ, biết lo phần rỗi. Chúa phán: “Được mọi sự thế gian, nghĩa là khôn ngoan nơi trần thế mà mất linh hồn thì nào được ích gì ?” 
Muốn có sự khôn ngoan, con người phải dùng đến lý trí và lương tâm trong sáng mới đạt được, nghĩa là đừng để cho vật chất, tiền tình lôi kéo, trấn áp, làm cho tâm trí trở nên mê muội. Có những người học thức cao, bằng cấp đầy mình mà hành động hết sức thiếu khôn ngoan. 
Tại sao vua Salomon không xin gì khi Thiên Chúa gợi mở cho ông: "Ngươi muốn gì cứ xin, Ta sẽ ban cho ngươi" và ông chỉ xin ơn khôn ngoan? Ông dại quá, không xin giàu có, không xin sống lâu, không xin một thế lực hùng mạnh... mà lại xin khôn ngoan. Tuy nhiên thực ra ông quá khôn, bởi vì khôn ngoan là nền tảng và nguồn gốc của mọi thứ khác: nhờ khôn ngoan nên sau đó ông giàu có, triều đình ông vững bền, đất nước ông giàu mạnh... và nhất là ông được Thiên Chúa che chở bảo vệ. Vua Salomon xem ra "dại" nhưng thực ra là quá "khôn"; là vị vua khôn ngoan nhất trần gian, sáng tác được những câu châm ngôn tuyệt vời, không ai sánh bằng, nhưng khi về già đã đổi tính đổi nết, kết hôn với những người đàn bà ngoại đạo, đưa các thần ngoại vào trong triều đình, khiến nhà vua mất khôn ngoan sáng suốt, làm những việc ngu xuẩn khác với thời trước. Như vậy, sự khôn ngoan đích thực chỉ thật sự tồn tại khi con người sống và tuân giữ lề luật Chúa.
***
Vincent Van Gogh là một họa sĩ nổi tiếng thế giới. Một hôm ông bệnh nặng, và dĩ nhiên phải gọi bác sĩ đến. Sau một thời gian điều trị lâu dài, ông khỏi bệnh. Nhưng vì không có tiền trả cho bác sĩ nên Van Gogh đã cố gắng vẽ một bức tranh để tặng. Tuy nhiên ông bác sĩ này không thích hội họa nên cũng chẳng biết thưởng thức bức tranh. Ông lấy nó làm tấm chắn cửa sổ. Với thời gian, nắng mưa đã làm cho bức tranh ấy hư hao dần và cuối cùng mục nát. Về sau, người ta tìm thu thập những bức tranh của Van Gogh. Mỗi bức trị giá hàng trăm ngàn đôla. Nhưng có một bức không ai tìm lại được. Ðó chính là bức tranh nhà danh họa đích thân vẽ tặng cho vị bác sĩ nọ.
***
Con cảm tạ Chúa vì mọi thử thách Chúa đã gởi đến cho con. Có những thử thách nặng nề đã làm con bàng hoàng kinh sợ, chán ngán cuộc đời. Có khi con đã muốn bỏ cuộc, nhưng rồi qua đó Chúa đã biến đổi cuộc đời con.Thiên Chúa cũng tặng cho mỗi người chúng ta một kho tàng vô giá là phẩm vị làm con của Ngài. Ðừng để nó bị tàn phai hủy hoại như bức tranh kia. Xin cho con biết Chúa chính là “viên ngọc quí” nhất trần gian! Con có đổi cả cuộc đời lấy viên ngọc đó cũng không xứng! Xin cho con hiểu điều Chúa muốn, yêu điều Chúa yêu, và sống cho Chúa như Chúa đã sống cho con.  Xin cho con biết nhìn mọi người, mọi vật và mọi biến cố như Chúa nhìn chúng trong tinh thần khôn ngoan đích thật. Như vậy con mới là người khôn ngoan thật sự; khôn ngoan trong Chúa chứ không phải khôn ngoan như người thế gian. Được như vậy, con mới thật sự cầm giữ được "viên ngọc quý'' là Chúa - là Nước Trời của con.

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Nhân ngày lễ Thánh Giacôbê tông đồ.

25/07
Giacôbê được gọi là vị Tông Đồ cao vọng (Mt 20,20).

Giacôbê được Chúa gọi là “con của thiên lôi”, điều này cho thấy rằng ông là con người nóng nảy và cuồng nhiệt đến thế nào. Quả vậy, phản ứng của ông đối với các dân thành Samaria đã giải thích điều đó. Khi Chúa qua con đường Samaria để về Giêrusalem, dọc đường những người Samaria đã từ chối không đón tiếp Chúa, Giacôbê đã đề nghị với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54).
Cao vọng của Giacôbê còn được thể hiện qua sự việc bà Salômê, là mẹ của ông, đã thỉnh cầu Chúa Giêsu cho Giacôbê và Gioan rằng: “Xin Ngài truyền lệnh cho các con tôi đây được ngồi một đứa bên tả, một đứa bên hữu Ngài trong Nước của Ngài” (Mt 20,21).
Cao vọng của người mẹ truyền sang cho người con đến độ người mẹ không xin thì con cũng tự xin. Bằng chứng là Márcô kể lại câu chuyện thỉnh nguyện này mà không nhắc đến người mẹ, nhưng chỉ kể Giacôbê và Gioan tự miệng nói ra câu ấy (Mc 10,37).
Tuy Giacôbê có cao vọng như vậy, nhưng Chúa vẫn chọn ông và tín nhiệm ông, và Người đã hoán cải ông. Chúa hoán cải các môn đệ:
  • Bằng đời sống gương mẫu của ngài: Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ và Người bảo các Tông Đồ hãy rửa chân cho nhau, vì “Ai muốn làm lớn trong anh em, thì hãy hầu hạ anh em” (Mt 20,27).
  • Bằng cái chết của Người: con Người đến để thí mạng sống mình hầu làm giá chuộc thay cho nhiều người (Mt 20,28). Các Tông Đồ đã lần lượt chịu tử đạo để theo gương Chúa.
Thánh Giacôbê thuộc giới thợ thuyền làm nghề chài lưới vất vả; đàng khác lại có tham vọng đi ngược với vai trò và tinh thần của người tông đồ, nhưng Chúa Giêsu vẫn gọi và chọn ông đi theo Chúa và làm Tông Đồ cho Chúa. Điều này chứng tỏ ơn thánh của Chúa Kitô quả có sức làm biến đổi tâm hồn và cuộc sống của Giacôbê đến độ ông đã hiến mình trọn vẹn cho Chúa.
Noi gương thánh Giacôbê: người tông đồ không nên tự ty mặc cảm về những hèn kém của mình, nhưng tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của ơn Chúa để hiến thân trọn vẹn cho Chúa.
Đi theo Chúa, Giacôbê vẫn còn có những tham vọng phàm trần, song nhờ sự giáo huấn của Chúa và nhất là gương sống của Chúa đã khiến ông từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính bản thân mình để hiến mình cho Chúa cách trọn vẹn.
Người tông đồ cần lắng nghe lời Chúa để đón nhận những giáo huấn của Chúa; đồng thời phải biết chiêm ngắm gương sống của Chúa để noi gương bắt chước sống trọn vẹn cho Chúa.
Giacôbê được Chúa dành riêng trong nhóm những người thận cận của Chúa để được chứng kiến những sự việc cần thiết cho sứ mạng làm chứng nhân trong vai trò người Tông Đồ.
Một chút tâm tình của Cha Giuse Đinh Tất Quý đã xóa tan những mảng tối trong tư tưởng của một lữ khách trên con đường tìm về chính mình. Chúa có cách chọn lựa tông đồ rất lạ, mỗi khi nghĩ về sự lựa chọn của Người, tôi thường cười một mình. Chọn và biến đổi cuộc sống một người đến độ không còn là mình nữa, Giacôbê - từ kẻ nóng nảy, hơn thua, có thể biến hành động "trả đũa" dân Samari không đón tiếp Chúa với thái độ: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống mà tiêu diệt chúng không?” (Lc 9,54); đủ cho thấy sức mạnh chính mình, không cậy dựa, nương nhờ ai, ngay cả có Chúa là thầy mình ở đó. Trong cuộc đời chúng ta, nhiều lần chúng ta cũng có thái độ "hỗn xược" như thế. Ta tự cho mình là giỏi, là hay hơn người khác không chấp nhận mình chỉ là kẻ bất toàn, hạn chế. Có phải ta đang dung dưỡng cho thói kiêu ngạo lớn lên chỉ để thỏa mãn tính tự ái của mình? Có những phút lắng lòng, nhìn lại, với chính bản thân mình, ta cũng kiên quyết đi theo Chúa, nhưng rồi, theo được bao lâu và có đi đúng con đường Chúa đã đi không thì ta không trả lời được!
Lạy Chúa, xin hãy làm cho con như Giacôbê, xin bẻ gãy những gai góc kiêu ngạo, mài nhẵn những xù xì ương hèn; làm cho con nên tông đồ của Chúa. Yêu mến Chúa và hết lòng yêu thương anh em mình.

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Huyền bí quanh ngôi nhà Đức Mẹ Đồng trinh

Ngôi nhà này sau đó trở nên rất linh thiêng, thậm chí là có quyền năng giúp người ta hoàn thành ước nguyện.
Câu chuyện bắt đầu từ những truyền thuyết về việc Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cùng với gia đình đã chuyển đến sinh sống tại khu vực ngoại vi của một thành phố lớn trong những năm cuối đời.
Dựa vào những đặc điểm được mô tả của thành phố trong truyền thuyết, người ta đoán rằng đó chính là thành cổ Ephesus, dù không có bất cứ tài liệu nào ghi chép về điều này.
Những lời đồn đoán càng rộ lên vào đầu thế kỷ 19 với sự kiện một nữ tu sỹ tên là Anna Katherina Emmerich (1774-1820) sống lại sau cơn thập tử nhất sinh và kể về những điều huyền bí.
Năm 1811, nữ tu sỹ Emmerich, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho Thiên Chúa, ốm liệt giường trong một tu viện nhỏ ở Đức. Giữa cơn mê sảng, bà bắt đầu nghe thấy những tiếng nói, những hình ảnh vừa xa xăm lại vừa sống động. Những câu chuyện kể rất chi tiết về cuộc đời của Chúa Jesus, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria và chuyến di cư của Người từ hàng ngàn năm trước.

Ngôi nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria ở gần thành phố cổ Ephesus, phía Tây Nam đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Người ta kể lại rằng lúc đó nữ tu sỹ đã cực kỳ ốm yếu. Bà nằm trên giường cầu nguyện với hai cánh tay giang rộng. Rồi đột nhiên bà lên cơn sốt và co giật, sắc mặt đỏ gay.
Ngay sau đó, một luồng ánh sáng từ trên cao chiếu xuống cơ thể bà. Khi nó rọi đến hai bàn tay của người tu sỹ, bàn tay bà chợt dính đầy máu như thể vừa bị đóng bằng đinh câu rút.
Những người chứng kiến đã cực kỳ kinh ngạc và sợ hãi. Cứ y như là Emmerich vừa nếm trải nỗi đau bị hành xác của chúa Jesus. Các bác sỹ cũng không thể giải thích được bằng y học.
Người nữ tu sỹ sau đó đã hồi tỉnh lại, tuy vẫn nằm liệt giường nhưng tinh thần lại sáng suốt lạ kỳ. Bà bắt đầu kể những câu chuyện về Đức Mẹ Đồng Trinh mà bản thân vừa trải nghiệm. Những câu chuyện được một nhà văn có tên là Clemens Brentano ghi lại, trước khi Emmerich mất ý thức hoàn toàn chỉ sau đó vài tháng. Bà mất tại tu viện vào năm 1820.
Emmerich đã nhìn thấy rõ ràng cảnh Đức Mẹ Đồng Trinh Maria rời khỏi Jerusalem cùng với thánh John trước khi những cuộc vây bắt tín đồ Thiên Chúa Giáo trở nên tồi tệ. Họ đã đến Ephesus.
Người nữ tu sỹ ốm yếu cũng trông thấy ngôi nhà mà gia đình Đức Mẹ Đồng Trinh sinh sống: một ngôi nhà bằng đá do Thánh John tự tay xây dựng. Ngôi nhà khá nhỏ nằm trên đỉnh một ngọn đồi, hình chữ nhật và có hàng rào bao quanh.
Trong ngôi nhà cũng có một căn buồng nhỏ nằm kề bên khe suối. Giữa căn buồng còn có lò sưởi. Đây chính là nơi mà Đức Mẹ nghỉ ngơi và sinh hoạt hằng ngày.
Theo những gì mà Emmerich kể lại, sau khi sinh sống tại vùng đất mới được chừng 3 năm, Mẹ Maria ngày càng tha thiết muốn trở về quê nhà ở Jerusalem, do đó mà Thánh John và Thánh Peter đã đưa bà quay trở lại.

Gian giữa ngôi nhà với ban thờ và tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria.
Chuyến hành hương vất vả đã khiến cho Đức Mẹ trở nên ốm yếu. Bà gầy xọp đi nhanh chóng và tất cả mọi người đều cho rằng sẽ không thể nào qua khỏi. Họ bắt đầu chuẩn bị một ngôi mộ cho bà.
Thế nhưng khi ngôi mộ được hoàn thành thì cũng chính là lúc Đức Mẹ dần dần hồi phục. Bà quyết định lại chuyển đến Ephesus. Cuộc hành trình, một lần nữa, lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của Người. Đức Mẹ Đồng Trinh Maria cuối cùng đã chết tại ngôi nhà mới, lúc đó bà 64 tuổi.
Các vị Thánh tông đồ đã tiến hành khâm liệm và làm lễ tang cho bà. Họ quàn thi thể Đức Mẹ vào một cỗ quan tài được chuẩn bị đặc biệt, sau đó đem quan tài đặt trong một hang động cách ngôi nhà chừng vài cây số.
Emmerich thậm chí còn trông thấy cảnh Thánh Thomas khóc thảm thiết vì không thể đến kịp đám tang. Những tông đồ khác chứng kiến Thomas quá đau buồn đã phải để cho ông trực tiếp vào trong hang mộ hành lễ.
Nữ tu sỹ kể lại: “Khi đến trước cửa hang, mọi người đều phủ phục xuống. Thomas và các tín hữu nôn nóng tiến về phía cửa. Thánh John theo sau họ. Hai vị tông đồ vạch những bụi cây chắn lối vào hang và quỳ xuống. Thánh John đến bên quan tài và mở nắp. Trong sự kinh ngạc của mọi người, tấm vải liệm vẫn y nguyên nhưng thi hài của Đức Mẹ không còn!”.
Sau sự kiện huyền bí đó, miệng hang quàn thi hài của Đức Mẹ được bít lại vĩnh viễn, còn ngôi nhà nhỏ trở thành nhà nguyện của các tông đồ.
Những câu chuyện của Emmerich sau đó đã được nhà văn Brentano viết lại thành cuốn sách nổi tiếng “Cuộc đời của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria” xuất bản vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên vào thời điểm đó vẫn chưa ai có thể xác định được ngôi nhà của Đức Mẹ còn tồn tại hay không.

Gian buồng nhỏ bên cạnh được cho là nơi mà Đức Mẹ từng nghỉ ngơi, sinh hoạt.
Năm 1881, một mục sư người Pháp tên là Julien Gouyet, sau khi đọc sách của Brentano đã quyết định đi đến khu vực thành phố Cổ Ephesus để tìm hiểu về những điều được kể trong câu chuyện. Ông đã gặp Tổng giám mục đương thời của địa phương là Monseigneur Timoni để trình bày ý tưởng và được vị này cho người giúp đỡ.
Sau một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm không biết mệt mỏi, cuối cùng Gouyet đã tìm thấy một ngôi nhà cổ mà ông tin rằng nó từng là nơi sinh sống của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Ngôi nhà nằm trên một ngọn núi nhìn ra biển Aegean và những tàn tích của thành cổ Ephesus.
Gouyet hào hứng gửi các báo cáo liên quan lên Tòa Giám mục Paris và thậm chí là đến Rome. Tuy nhiên, trái với sự mong đợi và kỳ vọng, công trình của ông đã không nhận được sự chú ý và quan tâm nào đáng kể.
Mãi cho đến mười năm sau, vào năm 1891, hai vị linh mục khác là Cha Poulin và Cha Jung đọc được những tài liệu liên quan đến cái chết của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria tại Ephesus. Họ quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu dưới sự bảo trợ của nữ tu sỹ Marie de Mandat-Grancey để xem xét lại địa điểm mà Gouyet đã nêu.
Dựa vào những ghi chép mà Gouyet để lại, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu tích của ngôi nhà vào ngày 29/7/1891. Tình trạng của ngôi nhà lúc đó chỉ còn lại những bức tường bằng đá rêu phong, phần mái đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tuy nhiên, giữa những đống đổ nát, họ tìm thấy một bức tượng Đức Mẹ vẫn đứng với một bàn tay bị vỡ.
Không một nơi nào khác trong khu vực có cảnh quan phù hợp với những mô tả trong truyền thuyết như vậy. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu cũng được biết rằng phế tích vừa tìm thấy đã được người dân địa phương tôn kính từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ gọi ngôi nhà này là Panaya Kapulu, nghĩa là “ô cửa đến với Đức Mẹ Đồng Trinh”.

“Bức tường ước”, nơi khách hành hương ghi những điều mong muốn của mình rồi treo lên để hy vọng Đức Mẹ ban phước tác thành.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu bắt đầu được giới chức Nhà thờ chú ý. Họ tiếp tục tiến hành các nghiên cứu mang tính khoa học. Vị tổng giám mục của Izmir là Monseignor thậm chí còn tổ chức hẳn một nhóm gồm bảy linh mục và năm chuyên gia để ghi chép lại và cho ra đời cuốn sách “Lịch sử của Panaya Kaplu” vào tháng 12/1892.
Thời gian sau đó, nữ tu sỹ Marie de Mandat-Grancey, người bảo trợ cho nhóm nghiên cứu và cũng rất tin tưởng vào câu chuyện, đã bỏ rất nhiều công sức để có được quyền quản lý khu di tích. Bà cũng nỗ lực hết mình để có thể trùng tu và phục dựng lại những ngôi nhà và các công trình khác.
Quần thể di tích được phục dựng hoàn tất vào năm 1894. Mẹ Marie được ghi nhận là người sáng lập, bà quản lý khu di tích này cho đến khi mất vào năm 1915.
Ngày nay, Nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trở thành một địa điểm hành hương linh thiêng đối với giáo đồ Đạo Thiên Chúa. Ngôi nhà được phục dựng dựa trên những bức tường bằng đá cổ, trở thành một nhà nguyện linh thiêng.
Chính giữa, ngay lối vào nhà nguyện là căn phòng lớn nhất với ban thờ và tượng của Đức Mẹ Đồng Trinh Maria. Phía bên phải là một căn phòng nhỏ được cho là nơi mà Đức Mẹ đã từng nằm nghỉ. Dòng nước mà Người từng rửa ráy nay được sử dụng cho một đài phun nước bên ngoài.
Đáng chú ý hơn cả chính là “Bức tường ước” nằm ngay bên ngoài nhà nguyện. Khách hành hương có thể ghi những điều mong muốn vào giấy hay là một mảnh vải sạch rồi treo lên bức tường. Người ta tin rằng quyền năng của Đức Mẹ có thể giúp họ hoàn thành điều ước.
Ngoài ra họ cũng rất tin tưởng rằng việc uống nước lấy từ những suối khe trong khu vực, nơi mà Đức Mẹ Đồng Trinh sử dụng từ hàng ngàn năm trước, có tác dụng điều trị bệnh thần kỳ, hay chí ít cũng mang lại sức khỏe cho bản thân.
Giáo Hội Công giáo Roma chưa bao giờ tuyên bố về tính xác thực của khu di tích do chưa có chứng cứ khoa học nào đáng kể. Tuy nhiên có thể thấy họ cũng coi trọng Nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh không kém gì các tín đồ mà bằng chứng là rất nhiều những cuộc hành hương thăm viếng của các vị Giáo Hoàng.
Chuyến thăm đầu tiên là của Giáo Hoàng Leo XIII vào năm 1896, chỉ 2 năm sau khi nơi này được trùng tu. Tiếp đó là lần lượt các cuộc hành hương ban phước của Giáo Hoàng Pius XII (1951), Giáo Hoàng Paul VI (1967), Giáo Hoàng John Paul II (1979) hay gần đây nhất là Giáo Hoàng Benedict XVI vào ngày 29/11/2006.
Câu chuyện về Ngôi nhà của Đức Mẹ Đồng Trinh hiện vẫn còn gây rất nhiều tranh cãi, và có lẽ cũng chẳng ai dám chắc là đúng hay sai.
Tuy nhiên, giữa một thế giới hiện đại ngày càng rối ren phức tạp, sự hiện diện của nơi đây vẫn có thể giúp cho con người ta nhớ về những điều thánh thiện và trong sáng nhất. Điều đó thiết nghĩ còn có giá trị hơn rất nhiều so với những sự đúng – sai!( St trên internet)
Nhiều lần trong đời, tôi khẩn cầu, nài nỉ xin ơn Mẹ mà không cần đứng trước "bức tường ước". Nghe đâu đó người ta thấy Đức Mẹ hiện ra chổ này, chổ khác, tôi cũng thầm ước được Mẹ hiện ra với mình một lần. Nhưng nhìn lại tháng ngày đã sống, tôi thực sự thấy mình đã "gặp" Mẹ, không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Vì vậy, đối với tôi, nơi nào cũng có Mẹ hiện diện; nơi nào có sự cứu giúp khi tôi cầu khẩn, thì đó chính là ngôi nhà của Mẹ vậy.

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

Hạt Thủ Đức: “Tiếp Sức Mùa Thi”


Hạt Thủ Đức: “Tiếp Sức Mùa Thi”
Hưởng ứng chương trình “Tiếp sức mùa thi” của Ban Caritas TGP TPHCM, nhằm giúp các thí sinh ở những vùng sâu, vùng xa đến Thành phố dự thi vào các trường Đại học, Cao đẳng năm 2014. Hạt Thủ Đức đã khởi động chương trình TSMT( tiếp sức mùa thi) vào sáng nay 2/7/2014. Chương trình năm nay tiếp nhận 3 đợt( từ ngày 02/07 đến 16/07/ 2014) được trải đều vào các giáo xứ của hạt như: GX Thủ Đức, GX Châu Bình, GX Thánh Khang, GX Tam Hải… Các thí sinh được đảm bảo chổ nghỉ ngơi, ôn bài, ăn uống, sinh hoạt và một số hoạt động khác… Ban tổ chức các giáo xứ đảm trách việc này một cách chu đáo để đảm bảo sức khỏe, tinh thần thật tốt cho các thí sinh. Công việc này hoàn toàn tự nguyện và thường được các ban trong giáo xứ phụ trách, không kể riêng ai. Ngoài ban Caritas, đáng quan tâm còn có sự tham gia nhiệt tình của các hội đoàn, từ các bà, mẹ trong các ban, hội cho đến các bạn trẻ sinh viên công giáo trong giáo xứ, các bạn giáo lý viên, ca đoàn, lễ sinh tích cực hưởng ứng. Các thí sinh có nơi ăn, chổ ở rất sạch sẽ, vệ sinh; có giờ ăn, ngũ, ôn bài cũng như các sinh hoạt bồi dưỡng tinh thần; được đưa đến các địa điểm thi an toàn, đúng giờ, tạo sự an tâm tuyệt đối cho các thí sinh.
Các thí sinh năm nay đến từ nhiều vùng khác nhau: Long Thành, Long Khánh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai… và nhiều Tôn giáo khác nhau như: Công giáo, Tin Lành, thờ Ông bà…đều được các giáo xứ tiếp đón niềm nở, lo lắng chu đáo.
Bạn Joni Trinh, giáo xứ Thủ Đức làm công việc TSMT hàng năm, năm nay vì công tác nơi xa, đã bộc bạch trên facebook: “Coi hình, muốn nghỉ làm chạy về ghê nơi!” Đa số các em tình nguyện viên khi được hỏi động lực nào mà em đăng ký làm tình nguyện viên, thì được trả lời rất hồn nhiên: “muốn giúp cho các em thí sinh mới có được điều kiện tốt nhất trong kỳ thi.”
Khi hỏi tâm trạng một phụ huynh ở Bình Phước dẫn con gái đi thi, anh này nói liền một mạch: Bước xuống xe, cũng sợ lắm chớ! Lạ nước, lạ cái, rồi hổng biết đường, may mà có các cháu TNV( tình nguyện viên) giúp đỡ. Tui thở phào nhẹ cả người. Con tui phấn chấn tinh thần, có vậy cháu mới làm bài thi tốt được. Tui đạo thờ cúng ông bà, nhưng cũng cám ơn nhà thờ rất nhiều!”Đó là do ban tổ chức đã điều một số TNV ở bến xe đón các thí sinh lạ, còn khi họ đã quen rồi, bạn này “bày”cho bạn kia, trong cùng xóm, ấp ở quê. Thế là các bạn chỉ việc liên hệ đăng ký và đến đúng nơi mình cần đến một cách thoải mái và an tâm.
“Sáng nay đón bao nhiêu thí sinh rồi?” Anh Tuấn phụ trách giáo xứ Thánh Nguyễn Duy Khang chỉ tay vào số thí sinh đông đảo đứng ngồi đang chờ đăng ký: “ chưa tổng kết được, còn đang làm hồ sơ, năm nay đông quá!”
Thiết nghĩ, chương trình đã là rất hay rồi, nhưng dầu vậy, vẫn ước mong được nhiều người quan tâm hơn nữa để có thể đóng góp sức mình một cách thiết thực và có ý nghĩa.










ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN