Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Bảo vệ mầm sống.

Kính gửi những người đang được quyền sống. Kính gửi ông bà nội ngoại, cô bác cậu dì của con. Kính gửi ba má chưa lần nào con được nhìn thấy mặt. Xin hãy thay ba má con thương con. Ba má ơi đừng chối bỏ con mãi mãi. Ba má  hãy thương con dù chỉ một lần thôi. Xin hãy cho con một nấm mồ…"

Trên đây là một đoạn trong bức thư do Cha Nguyễn Văn Đông viết trong một đêm thao thức, tâm thư đọc lên nghe uất nghẹn, xót xa trước tình trạng các thai nhi bị vứt bỏ một cách bừa bãi. Đau đớn cho những sinh linh bé nhỏ không được làm người, không được chôn cất, Cha kêu gọi mọi người giúp sức và nghĩa trang đồng nhi Pleiku ra đời. Như một định mệnh, Cha Đông bước vào hành trình bảo vệ sự sống.

Nghĩa trang đồng nhi Pleiku
Cha Đông dẫn đoàn chúng tôi thăm nghĩa trang trong một buổi chiều. Nghĩa trang cách nhà thờ Đức An không xa. Chiều ở phố núi không như Sài Gòn, hoàng hôn xuống rất nhanh, bầu trời chuyển từ sắc đỏ, sang hồng rồi tím ngan ngát. Mới hơn 5 giờ mà sương đã từ từ xuống lưng chừng núi. Xa xa, mờ trong mây, những vạt trà, cà phê hoa nở trắng sườn đồi. Anh tài xế khéo léo đưa đoàn chúng tôi qua những con dốc quanh co, thanh vắng đến nghĩa trang. Vừa bước xuống xe, một hàng chữ “ chúng con tha thứ cho ba má” được khắc bằng xi măng, đập vào mắt chúng tôi. Cái gai gai, rợn rợn trong khung cảnh bóng ngã chiều tàn giữa những hàng mộ lãng  đãng nhang khói, làm cho lòng người chùng xuống. Chúng tôi đi bên nhau im lặng, nghĩ về những sinh linh nằm dưới những nấm mộ, không có được sự sống. Xa xa đằng kia, còn 2-3 người đàn ông lúi húi dọn dẹp. Cha bảo đó là anh Phụng, ông Tư, những người làm công việc từ thiện, chăm sóc mộ ở đây. Cha kể ngày Cha mới về đây, chổ này hoang vu lắm, đêm xuống, không ai dám qua lại.
Hồi trưa, khi đang ăn cơm, có người rỉ tai: “ chiều, có đi thăm mộ thì đi, nhưng nhớ đừng khen chê gì cả, đừng ghé mộ bé nào lâu, cũng đừng đọc tên, hạp là nó theo!” Tôi không tin những lời đồn thổi, mê tín, phóng đại mang sắc thái ma quái kiểu “hồn bướm mơ tiên” như trong truyện Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh. Nhưng tôi thật sự rùng mình sợ hãi khi đứng trước tội ác của con người, giết chết cái sinh linh bé nhỏ mà sự sống của nó tùy thuộc hết vào người mẹ, họ giết chết chính đứa con của mình. Họ đang phá hủy công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
Ngược về khoảng thời gian 1990, khi Cha Đông còn làm chánh xứ Đức An. Nhà thờ nhỏ, giáo dân trong xứ đều nghèo. Một chiều chạng vạng, anh bảo vệ xách một bịch nylon chạy vào sân nhà thờ hổn hển đưa cho Cha: “ Cha ơi, người ta bỏ con nít chết vào đây nè Cha, ghê lắm!” Cha khi ấy khá trẻ, sợ sệt biểu anh bảo vệ mở ra. Cha lạnh toát người, toàn thân bủn rủn. Một em bé đã chết, tím bầm, còn nguyên bọc. Đó là cái lần đầu tiên và là nỗi ám ảnh Cha đến tận bây giờ.
Trở về nhà thờ, nơi chúng tôi lưu lại đêm nay trong nhà khách. Cha nhờ chị bếp pha ấm trà. Ngồi ngoài hàng hiên bên ấm trà nóng, nhìn Cha loay hoay tráng ly trà, thấy nơi ngài một sự lẻ loi, cô quạnh, tôi buột miệng hỏi một câu vô duyên chỉ để phá tan cái không gian tĩnh mịch: Ở đây chắc buồn lắm hả Cha? Cha cười hiền hậu “Không buồn đâu, Cha quen rồi, người tu hành kể gì vui buồn!” Cha Đông lần hồi nhớ lại quá khứ, những câu chuyện đã trở thành nỗi ám ảnh và dấu ấn cuộc đời Cha khiến Cha buột miệng: “ Chắc đến chết Cha cũng không quên được!”
Nhìn ra khoảng không phía trước, Cha nhớ lại khoảng thời gian đó. Rồi cái mốc thời gian năm 2004, Cha gọi là năm hãi hùng, vì có những trường hợp quá ấn tượng khiến Cha không thể quên. Ngày nào cũng có thai nhi bị vứt bỏ. Có khi người ta vứt hồi tối, sáng ra vương vãi khắp nơi vì bị chó xé; Có khi, bệnh viện, phòng khám chui phá bỏ thai, 5-7 đứa nhét vô một bịch nylon  rồi thuê xe ôm đem phi tang, xe ôm đợi trời tối đem bỏ vô đây, đi đường buổi tối, ổ gà, cành cây xỉa vào, lôi rách, thế là rải rác dọc con đường mòn gập ghềnh dẫn lên đồi, đó đây mỗi đứa một nơi. 6-7 tháng thai đã quá lớn, các lò phá thai với những tay “đồ tể” cắt vụn thai nhi mới đem ra ngoài được. Bản thân đã không nguyên vẹn, thì giờ còn nát tan hơn, không biết tay này, chân này là của đứa nào…nhặt nhạnh về, đem lau rửa sạch sẽ, rồi mới sắp xếp lại tẩn liệm, đem chôn. Hớp ngụm trà, Cha cười nhớ lại: Có đợt, nhiều quá, sáng ra là gom không xuể. Một lần, anh Phụng gom về, đặt “phịch” cái bao xác xuống nền rồi òa khóc như đứa trẻ, miệng kêu trời “ác quá, tội quá, không làm nữa!” May mà Anh Phụng đã không bỏ cuộc, còn có cụ bà Tâm đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”mà Cha quen gọi bà là Bà Ngoại đồng nhi, đồng tâm, hợp sức lại, hàng ngày đi thu gom về. Còn có Anh Lễ, ông Tư chăm sóc mộ…
 Trăng lên cao, sáng vằng vặc. Tiếng chim heo, tiếng cú kêu giữa không gian phủ đầy sương lạnh làm cả đoàn chúng tôi cứ “dính” vào nhau, có muốn cũng không tách ra được. Cha giục chúng tôi đi nghỉ lấy sức để mai còn đi tiếp. Nói thì vậy, nhưng Cha gọi với chị bếp pha tiếp ấm trà nữa, từ sẫm tối đến giờ có lẽ đây là bình trà thứ 5 rồi. Thấy trăng lơ lửng trên đầu khuya vậy nhưng nhìn đồng hồ mới hơn 9g một chút. Chị bạn tôi ngoại đạo, cứ thúc vào sườn tôi hỏi: Bộ ông Cha, ổng không sợ hả? Để trả lời câu hỏi cho chị này, tôi gợi ý: Có khi nào tụi nhỏ “nhát” làm Cha sợ không, chôn hết từng ấy đứa trong một thời gian dài như vậy chắc mệt mỏi lắm?
Trầm ngâm, giọng Cha thoảng nhẹ như nói với chính mình. Cha thương tụi nhỏ, xét cho cùng chỉ là những đứa con nít vô cùng đáng thương, chưa được sống ngày nào trên đời. Cha sợ lòng dạ con người, họ độc ác đến nỗi không còn biết tội lỗi mình gây ra nữa. Rồi như một định mệnh, “người ta cứ vứt bừa bãi, Cha, anh Phụng, bà ngoại đồng nhi lại phải gom về đem chôn. Chôn nhiều quá, hết chỗ luôn.” Giọng Cha đều đều, khẽ nhíu mày, tôi bắt gặp trên gương mặt ấy ẩn chứa nỗi đau đớn khó tả, một nỗi ray rứt khó thoát ra. Nhiều quá như vậy sao Cha không cắm một cái bảng ghi dòng chữ: HẾT CHỖ CHÔN, cho người ta đừng đem vứt nữa. Cha cười, nụ cười hiền hòa. “ Nếu làm như vậy người ta lại vứt đi tầm bậy ở nơi khác, còn tội hơn. Cha lúc đó rối như mạng nhện, vì nhiều người chôn lén, rồi bão táp, mưa sa, một cơn mưa lớn, sang ra lộ hết tất cả những gì đã chôn ở dưới, lại phải chôn lại, tội lắm!”
Đau xót, trăn trở, “phải nhờ mọi người giúp thôi!”. Đó là khi dòng thư kêu gọi bật ra tận đáy lòng như lời Cha thổ lộ, đã thật sự chạm đến lòng người và được hưởng ứng. Nhờ vậy mà Cha Đông có thể xây được những ngôi mộ cho các cháu bé như mong ước. Trước khi về chổ nghỉ của mình tôi cố hỏi Cha một câu: Cha xây mộ đàng hoàng như vậy, người ta có cớ “yên tâm” vứt bỏ không nghĩ ngợi. Cha có thấy như vậy là vô lý không? Vẫn nụ cười hiền hậu, kèm theo một câu ngắn gọn, ẩn ý: “Vậy, khi chặt cây, chị chặt đằng ngọn hay đằng gốc?” Một câu trả lời bỏ ngỏ khiến tôi khó chợp mắt…

Ngôi nhà cho bà mẹ giữ gìn mầm sống
Sáng nay, đoàn chúng tôi đi thăm mái ấm dành cho các bà mẹ lầm lỡ. Đó chính là Ngôi nhà cho bà mẹ giữ gìn mầm sống.
Đứng trước thực tại là có nhiều cô gái trẻ phải bỏ con: người trót dại, người bị hoàn cảnh gia đình, bị tâm thần, bị nhiều thứ tập tục của dân tộc…các cô gái trẻ không còn sự lựa chọn. Như cô gái trẻ dân tộc là một ví dụ: trong đêm Noel, Cha đang tẩn liệm cho một thai nhi mà Cha đặt tên là Giáng Sinh, thì cô gái dân tộc Ja Rai lặn lội hàng chục cây số đến nhà thờ, đứng trước Cha, cô gái nói tiếng Kinh lơ lớ nhưng Cha Đông nghe rõ: “ Nghe nói ông Cha thương con nít, tui đem con cho ông!” Cha lạnh toát người khi cô gái nghiêng gùi lôi ra đứa bé đã chết tím bầm, nó to, đầy đủ, lành lặn. Hỏi ra, cô gái và anh chàng cùng bản yêu nhau, nhưng có bầu trước, theo tập tục là phải nộp phạt trâu rất nặng và bị bêu xấu, nên cô gái lẳng lặng, tự đỡ đẻ cho mình rồi đem đến nghĩa trang đồng nhi nhờ Cha Đông. Rồi đến một tết trung thu nọ, trong khi bao trẻ em được vui chơi, phá cỗ, rước đèn thì người ta “liệng” cho Cha một sinh linh nhỏ bé bị giết chết, họ tàn nhẫn bỏ em vào hộp bánh trung thu(chắc là vừa ăn xong) và vứt vào chổ Cha Đông. Anh Phụng là người đem em về. Khi phát hiện, kiến bu đen, ăn  hết phần dưới. Khi mở bọc ny lon, để em lên một tờ báo, thấy bàn tay em cứ huơ ra phía trước, cha Đông bất giác đưa tay. Thật bất ngờ, em níu luôn ngón tay Cha Đông. Cha lặng người, đau xót, đặt cho bé cái tên Trung Thu. Bé Giáng Sinh, Noel, Trung Thu và biết bao nhiêu  em khác như Bình An, Quốc Khánh…có hơn 10.000 sinh linh ra đời nhưng chưa bao giờ được sống.Trăn trở mãi, làm gì để giúp cho các bà mẹ lầm lỡ khi còn có thể cứu lấy con mình. Và sau khi bức tâm thư ra đời, được hưởng ứng, Cha lập tức thực hiện nỗi trăn trở của mình: cho các bà mẹ trẻ lầm lỡ một mái ấm.
Ngôi nhà đầu tiên nơi chúng tôi đến là ngôi nhà thứ 3, khá đặc biệt. Nằm cạnh bệnh viện Gia Lai, ngôi nhà đầy ắp sự nhộn nhịp. Chúng tôi đến vào giờ cao điểm. Các bà mẹ mang bầu ở đây đảm trách việc nấu nướng, chia cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận, cảnh đời đáng thương, mục đích là để đánh thức lòng trắc ẩn của các bà mẹ, biết thương người, thương mình, thương mầm sống đang dần lớn lên, chính là đứa con của mình mà biết nghĩ lại.
Trong hai ngôi nhà ở Pleiku, dòng nữ tu Chư Á là nơi đón nhận những bà mẹ đầu tiên. Ngôi nhà sống chan hòa, được các Sơ ân cần dạy bảo. Ban ngày họ chăm sóc các em mồ côi, công việc này khơi gợi tình mẫu tử sẵn có trong những người mẹ. Tối đến, họ cùng đọc kinh với các Sơ, được các Sơ chia sẻ những vướng mắc trong cuộc đời. Các Sơ nơi đây như là những người mẹ, người bạn cùng họ vượt qua những khắc nghiệt, lầm lỡ mà họ phải trả giá. Chính môi trường tuyệt vời này đã dần dà mang lại cho họ bản năng làm mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng, giúp họ nhận ra giá trị cuộc sống, nhận ra tình yêu thương với chính đứa con trong bụng mình. Từ đó, họ bỏ ý định phá thai.
Nhìn họ sinh hoạt, làm việc một cách cẩn thận, chu đáo và nghiêm túc, niềm vui lan tỏa đến những người chung quanh. Họ có được sự bình an vẹn toàn như đang ở chính trong ngôi nhà mình. Hạnh phúc hơn hết là bao nhiêu bà mẹ ở đây là bấy nhiêu đứa trẻ được chào đời. Chúng tôi vui lây với những cái tên tuyệt đẹp Trúc Linh, Thúy An, Hạnh Phúc, An Bình…mà các bà mẹ đã chuẩn bị sẵn cho con mình chờ ngày khai hoa.
Ba ngôi nhà đã đón nhiều người mẹ đến nương náu, sinh con. Người này đi rồi người sau lại tới. Người sau chăm sóc con của người trước. Tình mẫu tử thiêng liêng vốn có sẵn trong lòng người phụ nữ, nếu biết khơi dậy thì người mẹ sẽ không còn phá bỏ bào thai, hủy hoại cuộc sống của con mình.
Cứ như vậy, ngày nối ngày. Ba ngôi nhà đã đón nhiều người mẹ đến. Những người mẹ sinh con ra nếu không nuôi được thì cha Đông giữ lại nơi này nuôi. Các bà mẹ có thể ra đi làm lại cuộc đời mới. Sau này khi có thể, họ về đây nhận lại con của mình. Rồi những người mẹ mang bầu khác lại tiếp tục chăm sóc các bé này. Lớn lên một chút, các cháu được gửi đến các trường học, mái ấm khác để được đi học, sinh hoạt chung trong cộng đồng. Cha và các Sơ tạo mọi điều kiện, giúp sức, hỗ trợ bằng mọi cách tìm kiếm việc làm cho họ giúp họ vượt qua hoàn cảnh.
Hơn 20 năm trôi qua, Cha Đông giờ đây cũng đang bước vào tuổi “thất thập”. 20 năm, một chặng đường khá dài, một hành trình cam go không có điểm dừng. Với biết bao gồng gánh cùng thời gian đã làm Cha già hơn so với tuổi thật. Nhưng nhìn các cháu nhỏ cúi đầu lễ phép chào, quấn quýt, gọi tên Cha một cách trìu mến: “Ông Cố, ông ngoại”, tôi như thấy bình minh trên gương mặt hiền hòa của ngài, tôi như đọc được trong lòng ngài niềm vui lan tỏa. Vui vì giờ đây, tất cả mỗi bà mẹ đều có mái ấm để có thể làm mẹ, có thể đứng dậy vững vàng bước tiếp cuộc đời còn chờ họ phía trước. Và như vậy hành trình bảo vệ mầm sống của Cha Đông thật sự có ý nghĩa

Để kết thúc, chúng ta ngoái nhìn lại các em một lần nữa; những em được sống và những em  dưới những nấm mồ kia. Hãy để trái tim rung động, kinh sợ trước hành động dã man mất hết nhân tính. Cái tội ác giết người ghê tởm như vậy lại được xã hội chấp nhận, tiếp tay bằng các lò phá thai tràn lan. Chúng ta, hãy làm một điều gì đó, để ngăn chặn cái nền văn minh sự chết. Các bạn trẻ ơi, các bạn có muốn mình là tội nhân không? Hãy suy nghĩ trước những đam mê, hãy tự bảo vệ bản thân, để mình không phải  là tên đồ tể gớm ghiếc giết chết chính đứa con của mình. Hãy chung tay cùng cộng đồng bảo vệ sự sống trên hành tinh này từ ngay chính bản thân mình.
Bộ giáo luật hiện hành điều 1398 quy định “ Ai thi hành việc phá thai và việc phá thai có kết quả sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết( Latae sententiae)





1 nhận xét:

  1. Bài viết của em rất có ý nghĩa, em nên đưa vào facebook để mọi người xem. hy vong những ông bố , bà nào định dứt bỏ giọt máu của mình, hãy tự hỏi " nếu tôi trước đây cũng mang số phận của những thai nhi bị vứt bỏ cho đến chết, thì liệu tôi có còn hiện diện như ngày hôm nay?"

    Trả lờiXóa

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN