Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Đức Mẹ Sầu Bi


Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau khổ, thương khó, thống khổ... Đức Mẹ là mẹ Đức Chúa Giêsu, trong cuộc đời 33 năm của Đức Chúa Giêsu, Mẹ đã cảm nhận nhiều nỗi đau thương: Lời tiên báo của ông Simêon (x. Lc 2,34-35); Cuộc chạy trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-21); Lạc mất Chúa ba ngày (x. Lc 41,50); Vác thập tự giá lên đỉnh Calvê (x. Ga 19,17); Chúa bị đóng đinh và tử nạn trên thập tự giá (x. Ga 19,18-30); Tháo xác Chúa (x. Ga 19,39-40); Táng xác Chúa (x. Ga 19,40-42).
Và cho đến ngày hôm nay, tuy đã về trời, Đức Mẹ Maria vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh... giữa đoàn con cái của mình. Nhưng nỗi thống khổ lớn nhất của Đức Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hoả ngục. Lời tiên tri của cụ già Simêon khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Đức Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thấu, và người đâm thấu tâm hồn Đức Mẹ lại chính là những đứa con mà Đức Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng. Cuộc đời Mẹ luôn kết hợp với những nỗi khổ đau của Con. Có lẽ không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Đức Mẹ Thiên Chúa. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình.
Nếu ai đã chứng kiến cảnh người mẹ mất con, mới thấu hiểu được nỗi lòng đau đớn tột cùng của Đức mẹ khi đứng dưới chân thập giá chứng kiến cảnh con mình trút hơi thở cuối cùng. Cũng đau đớn khôn cùng, nhưng Mẹ đã đứng vững dưới chân thập giá một cách phi thường. Làm sao mà mẹ có thể đứng vững mà không ngã gục trong hoàn cảnh bi thương như thế?
Bởi vì mẹ đã thông phần kết hợp trọn vẹn nỗi đau đớn của Mẹ với sự đau thương của Chúa Giêsu. Vì Mẹ luôn tin tưởng tuyệt đối vào lời Chúa Giêsu- con Mẹ đã nói: “ Ngài sẽ từ cõi chết và sống lại trong vinh quang”
Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, ai rồi cũng có lúc gặp những đau khổ, thất vọng. Những lúc rơi vào hoàn cảnh như thế, chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh Đức Mẹ đứng kiên vững dưới chân thập giá; để rồi, chúng ta biết noi gương Mẹ, biết kết hiệp nỗi đau khổ của mình với cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, nhờ đó chúng ta mới có thể đứng vững trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc đời mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Mẹ: “Xin vâng!” trong suốt cuộc đời mình; như là một sự kết hiệp trung thành và mật thiết với Chúa, như là góp phần vào công trình cứu chuộc của Chúa hoàn tất. Nhờ đó, ngày sau chúng con cũng được Chúa ban cho triều thiên là vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa và Mẹ.
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN