Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Thánh Giáo Phụ - Thánh Tiến Sĩ

   Thánh Giáo Phụ - Thánh Tiến Sĩ


Hỏi: Ðọc sách báo công giáo, thỉnh thoảng con thấy nói đến các 'giáo phụ', 'thánh giáo phụ'. Các vị ấy là ai? Con cũng nghe nói đến các 'tiến sĩ hội thánh'. Ðó là bằng cấp gì? Phải học ngành gì và bao lâu để đạt được tước hiệu ấy?


Ðáp:
Các Giáo phụ Giáo hội (Fathers of the Church) là những mục tử hoặc học giả thông thái mà bút tích, tư tưởng đã góp phần giúp Hội thánh thời sơ khai và thượng cổ trong việc cắt nghĩa và bảo vệ giáo lý chân chính, hầu chống lại những thuyết lạc giáo. Ngoài việc hộ giáo ấy, những giảng dạy của các ngài cũng nhằm giúp Kitô hữu phát triển sự hiểu biết và sống đức tin cách khôn ngoan, xác tín.
Các vị này được gọi là 'giáo phụ' vì họ sống và giảng dạy trong 'thời các giáo phụ', ngay sau 'thời các tông đồ'. Các sử gia quy định 'thời các giáo phụ" của Giáo hội Latinh bắt đầu từ khi vị tông đồ sau cùng là Thánh sử Gioan qua đời (khoảng năm 100 AD), cho đến khi Thánh Ididore đệ Sêvin qua đời (năm 636 AD); và 'thời các giáo phụ' của Giáo hội Ðông phương kéo dài cho đến khi Thánh Gioan Damatsênê qua đời (năm 749 AD).
Có khoảng 100 vị được gọi là giáo phụ. Tuy nhiên, chỉ một số được Giáo hội phong thánh và được gọi là thánh giáo phụ. Trong số các thánh giáo phụ nổi tiếng vì đã để lại những giáo huấn giá trị, ta phải kể đến Clêmentê thành Roma, Inhaxiô thành Antiôkia, Irênê, Ambôsiô, Athanasiô, Augustinô, Basiliô Cả, Bênêdictô, Cyprianô, Grêgôriô Cả, Giêrônimô, Gioan Kim-khẩu, Justinô, Phêrô Crisôlôgô, Pôlycap.
Về phần các 'tiến sỹ hội thánh', thật ra tước hiệu này không cùng ý nghĩa như ta thường hiểu về danh từ 'tiến sỹ' ngày nay. Ðây không phải là một bằng cấp đời thường, và cũng không nhất thiết theo một học trình đời. Những 'tiến sỹ hội thánh' là những vị thánh đã góp phần thăng tiến đời sống đức tin của cộng đoàn Dân Chúa, qua việc suy tư, cầu nguyện, sống chứng tá và trình bày cách hệ thống một giáo huấn cụ thể nào đó về luân lý, tín lý, tu đức, v.v. Thời xa xưa, tước hiệu này thường được ban tặng cho một cá nhân qua sự công nhận cách chung chung giữa các giáo hội địa phương. Sau này, tước hiệu ấy được Ðức giáo hoàng tuyên bố cách trịnh trọng, với văn kiện và nghi thức thích hợp.
Ví dụ, Thánh Anphongsô đệ Ligoria là đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, được Ðức Thánh Cha Piô IX tôn phong tiến sỹ giáo hội năm 1871. Giáo huấn luân lý của ngài (Equiprobabilism - Cái-Nhiên Bình) đã giúp Kitô hữu thời đó tránh được những cạm bãy của cả phái Nghiêm nhặt (Jansenism) lẫn phe Cấp tiến (Laxism) để giữ được lương tâm bình an, chân thành trong việc xưng tội, rước lễ, thờ phượng Chúa.
Danh sách các thánh tiến sỹ trải dài và đánh dấu lịch sử mục vụ cũng như sự phát triển về suy tư thần học của Giáo hội. Trong thời các giáo phụ, có thánh Augustinô (354- 430) chẳng hạn, là vị thánh tiến sỹ và giáo phụ lẫy lừng với các tác phẩm tu đức, thần học (Confessio - Tự thú; De Doctrina Christian - Huấn giáo Kitô; De Beata Vita - Ðời Hạnh phúc; De Civitate Dei - Thành đô Thiên Chúa, v.v.). Thời trung cổ (năm 476 - 1500) có các thánh tiến sỹ trứ danh như Albertô Cả, Bonaventure, Thomas Aquinô, Catariana thành Siêna, Ansêmô, Antôn thành Padua, v.v.. Thời Cải cách và 'Kỷ nguyên Ánh sáng' (năm 1515-1890), có Phanxicô đệ Salêsiô, Gioan Thánh giá, Robertô Bêlaminô, Têrêsa thành Avila, Phêrô Canisius, Phêrô Clavơ, Anphongsô đệ Ligôria.
Trong thời đại chúng ta, thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu là vị tiến sỹ giáo hội vừa được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong tước vị này vào ngày 19-10-1997. Linh đạo 'Ðường thơ ấu thiêng liêng' (Enfance Spirituelle) của ngài chủ trương tinh thần đơn sơ, khiêm nhường và phó thác trọn vẹn nơi lòng thương xót Chúa. Linh đạo ấy được coi là một đóng góp quan trọng cho nền tu đức Kitô hữu thời nay.
(Nguồn:  Hiểu đạo- Sông đạo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN