Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bà lão nghèo “nhặt” cậu bé sida

Bà lão nghèo “nhặt” cậu bé sida

Nguồn: Báo Giáo dục

Sau một thoáng suy nghĩ, bà quyết định nhận một thằng bé không thân thuộc về nhà cưu mang bất chấp lời đàm tiếu của láng giềng. Bởi cậu bé ấy đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ - AIDS!
Chấp nhận “rước” cái khó về nhà
Ngày cha mẹ mất, Nguyễn Danh (ngụ P.2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) chỉ mới vừa bước sang tuổi thứ tư. Cha Danh quê ở Trà Vinh. Nhà nghèo lại đông anh em nên khi vừa bước sang tuổi 15, cha Danh đã phải bôn ba khắp nơi để mưu sinh. Từ việc làm công nhân, bốc vác cho đến cu li, phụ hồ… tất cả đều có dấu tay của cha em. Trong khi đó mẹ em có gia cảnh tương đối khá. Trong những ngày phiêu bạt, hai người đã gặp nhau và đem lòng yêu thương. Kết quả của mối tình ấy là Danh được sinh ra. Tuy nhiên bi kịch đã xảy ra trong lần vượt cạn đầu tiên, hai vợ chồng được bác sĩ cho biết cả hai đã bị nhiễm HIV/AIDS trước đó. Đau lòng hơn khi Danh cũng không thoát khỏi được “lưỡi hái” của căn bệnh thế kỷ. Bị gia đình hai bên từ chối, cả gia đình em phải ra ngoài thuê nhà ở trọ. Nghèo nàn, bệnh tật, bị kỳ thị - tất cả hòa quyện và kết thành một hòn đá tảng đè nặng lên vai đôi vợ chồng trẻ. Vượt quá sức chịu đựng, ba năm sau mẹ Danh qua đời và một năm sau đến lượt ba em rời xa nhân thế.
Không được gia đình nội ngoại chấp nhận, Danh trở thành trẻ mồ côi. Ngày ba em mất, người ta mang em ra ngoài đầu con hẻm 10 (P.2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) để chờ cán bộ xã hội mang vào trại trẻ mồ côi. Nhìn cậu bé bốn tuổi gầy trơ xương, thân hình đầy ghẻ lở ngồi gục lên túi đồ nhiều người thương cảm cho số phận của đứa bé. Một số khác không hiểu chuyện thì lạnh lùng nhìn thằng bé với ánh mắt đầy nghi ngại và kỳ thị bởi… “nó là con của đôi vợ chồng vừa chết bởi căn bệnh sida (AIDS)”!
Cách đó không xa, trong căn nhà nhỏ tường vách đổ nát, một người phụ nữ tuổi đã ngoài 50 đứng ngồi không yên. Nhìn cảnh thằng bé nhỏ xíu như con mèo ướt nằm đó côi cút, nước mắt bà cứ lăn dài. Mấy lần bà dợm bước ra định bế nó vào nhà nhưng rồi lại thôi. Bà nghĩ: Mình già rồi cũng chẳng sợ “sida, si điếc” gì nữa. Nhưng điều bà lo nhất là gia cảnh mình bữa rau bữa cháo thì làm sao nuôi và chăm sóc tốt một đứa trẻ bệnh nặng như vậy. Khi nghe người con trai độc nhất lên tiếng: “Tội quá, hay là mẹ cứ bế nó vào. Chắc nó sống cũng không lâu đâu…”, như được tiếp thêm sức mạnh bà vội chạy ào ra bế thốc thằng bé tội nghiệp mang vào nhà trong con mắt đầy kinh ngạc của những người hàng xóm.
Từ buổi sáng định mệnh đó, cuộc sống nghèo khó nhưng yên bình của bà bị đảo lộn hoàn toàn. Bởi nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó huống hồ đây lại là một đứa trẻ mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Do thời gian dài sống trong cảnh thiếu thốn nên Danh bị suy dinh dưỡng trầm trọng, ngoài ra em còn bị sốt, tiêu chảy hành hạ. Rất nhiều đêm bà thức trắng nhưng sáng ra vẫn phải đi làm thuê để kiếm tiền bồi bổ thuốc thang cho Danh.
Ngoài những giờ cày ải để kiếm tiền nuôi “người dưng” ra, bà tranh thủ lên Ủy ban Phòng chống AIDS của tỉnh lãnh thuốc điều trị, học cách chăm sóc, phòng tránh bệnh cho mình và cho mọi người. Chỉ trong thời gian ngắn, từ một người không có chút kiến thức gì, bà trở thành người tuyên truyền về cách phòng tránh căn bệnh thế kỷ cho bà con lối xóm. Chính nhờ sự chăm sóc, yêu thương ân cần ấy sức khỏe thằng bé dần dần hồi phục rất nhanh. Người con trai của bà có máu lãng tử bỏ nhà đi biền biệt nhưng bà không cảm thấy cô độc, bởi giờ đây căn nhà nhỏ luôn vang tiếng trẻ bi bô…
Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu mà chúng tôi vừa đề cập trong câu chuyện trên có tên là Huỳnh Thị Năm, 63 tuổi, hiện đang sống tại hẻm 10, P.2, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang.
Nghị lực của cậu bé 13 tuổi
Trở lại với câu chuyện về nghị lực vượt khó phi thường của Danh, em cho biết, những ngày mới đi học là những ngày tháng đầy cực hình. Bởi ngoài sức khỏe ra hàng ngày em phải đối mặt với những biểu hiện kỳ thị đến từ bạn học, phụ huynh. “Lúc nhỏ vì chưa ý thức được căn bệnh mà mình mang phải nên em sống rất vô tư. Chỉ thi thoảng em mới tức giận khi các bạn nói không chơi với  “thằng sida” mà thôi. Nhưng đến năm lớp 3, khi bị bạn bè lớp học thêm tiếp tục tránh né “thằng sida” thì em mới thực sự buồn…”, Danh thổ lộ. Những lúc như vậy em chạy về nhà ôm bà Năm khóc ngất và nằng nặc đòi nghỉ học.
Được cô giáo giải thích, bà Năm khuyên can nên ngay sau đó Danh hiểu ra và hạ quyết tâm sống làm sao để mọi người hiểu và nhất định phải sống khỏe, sống tốt để không phụ công dưỡng dục, kỳ vọng của người bà đáng kính dành cho mình… Thương đứa cháu côi cút lại mang trong người trọng bệnh nên bà Năm không bao giờ để cháu làm việc nặng. Mỗi ngày đi làm công việc xay bột mướn được dăm bảy chục ngàn, bà dành phần lớn mua những món ngon bồi bổ cho cháu. Bà luôn thủ thỉ với Danh: “Chỉ cần con ăn và uống thuốc đúng như bác sĩ dặn là bà vui rồi, nhỡ mà con có bề gì thì bà sống với ai?”.
Gần đây, một người em thứ bảy của bà Năm về ở chung, thấu hiểu hoàn cảnh đáng thương của Danh nên bà cũng thông cảm. Nhờ có dì Bảy giúp sức, công việc chăm sóc Danh trở nên nhẹ nhàng hơn. Mặc dù hai bà không cho Danh làm việc nhà nhưng cậu phụ bà quét dọn, nấu cơm.
Suốt tám năm đi học, dù căn bệnh hiểm nghèo bào mòn sức khỏe từng ngày nhưng chưa bao giờ Danh nghỉ học (trừ một ngày duy nhất trong tháng phải lên TP.HCM lấy thuốc điều trị). Do thành tích học tập tốt nên Danh được tuyển vào một trong những ngôi trường thuộc hàng “tốp” của TP.Mỹ Tho. Mặc dù học chung với những người may mắn hơn mình nhưng em vẫn học rất giỏi. Năm học vừa rồi, điểm tổng kết cuối năm lớp 8 của Danh là 8,9, trong đó cao nhất là môn sinh học với 9,8  điểm, xếp thứ 3 trong lớp. Suốt 8 năm qua, năm nào cậu cũng giành danh hiệu học sinh giỏi và xếp hàng “tốp” của lớp. Một giáo viên của Danh cho biết: “Lúc chưa biết Danh mang bệnh, cô đã rất yêu quý đức tính cần cù thông minh đặc biệt là sự ngoan hiền lễ phép của em, sau này biết được lại càng thương hơn. Hoàn cảnh như em mà vươn lên học giỏi như thế quả là một kỳ tích!”.
Nhiều phụ huynh ngày trước còn e dè thì giờ đây tỏ ra thông cảm. Thậm chí nhiều người còn đem câu chuyện của “Danh sida” ra làm bài học thực tế để giáo dục con em mình về tinh thần vượt khó. Danh cho biết thêm: “Trong trường cũng có nhiều bạn biết hoàn cảnh nhưng không hề e ngại, xa lánh em, thậm chí còn thân thiết hơn. Đôi lúc thấy em buồn ngồi thu lu trong lớp, các bạn còn rủ nhau tới làm trò, thọc lét sao cho em cười toe toét thì mới chịu…”.
Còn rất nhiều khó khăn phía trước song Danh vẫn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống. Danh bảo: “Được mọi người hiểu và cảm thông như vậy em thấy vui và tự tin hơn rất nhiều. Em sẽ cố gắng sống và học thật giỏi để sau này trả hiếu cho bà - người đã hi sinh rất nhiều thứ cho một đứa trẻ mồ côi như em…”. Trước sự hiếu thảo của Danh, bà Năm cười nói: “Được sống với cháu nó hơn 10 năm dù có những lúc cực khổ vô cùng nhưng tôi cảm thấy vui hơn buồn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì quyết định này. Nếu giờ đây gặp phải trường hợp như Danh, tôi dám mang về nuôi như thường…”.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh
* Tên nhân vật đã được thay đổi

Cảm nhận:
"Nhìn cậu bé bốn tuổi gầy trơ xương, thân hình đầy ghẻ lở ngồi gục lên túi đồ, bị mang ra đầu hẻm" khó có ai cầm được nước mắt. Nhưng để " chạy ào ra bế thốc nó vô nhà..." lại là một điều phi thường. Bà Năm quả là phi thường!
Mỗi khi làm một điều gì đó cho ai, chúng ta thường nghĩ ngợi, phán xét, đắn đo cân  nhắc..., sợ phiền hà, sợ dị nghị đàm tiếu, sợ ảnh hưởng sức khỏe, thanh danh...Những điều đó vây chặt, bóp nghẹt con người chúng ta, làm cho tâm hồn, trái tim chúng ta ngày càng bé lại, rồi một ngày nào đó sẽ dần trở nên vô cảm. Hy sinh mà cảm thấy mình bị mất mát...mới là hy sinh. Nói, bao giờ cũng dễ hơn làm...
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong con mắt con, bà Năm đẹp như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Xin cho con có được sức mạnh, sự can đảm, biết hy sinh để bắt đầu bằng những việc nhỏ...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN