Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Tiếng chuông- Giáo đường



"Thư thái trên sườn đồi, ngạo nghễ trên những ngọn núi cao, hay ẩn mình trong những cánh rừng sâu, những ngôi giáo đường đẹp như tranh vẽ
Nhìn xuống những mái nhà gỗ tranh là những ngọn tháp chuông hùng dũng. Từ phố chợ đến thôn quê, từ đỉnh tháp hướng về trời cao, những tiếng chuông không ngừng giục giã gọi nhau.
Từ thuở nào con người vẫn ích kỷ nhỏ nhen. Nhưng chiều về, khi tiếng chuông đổ hồi trên thôn xóm, trên đồng ruộng, trên núi rừng, người người dừng lại, ngẩng nhìn và ra khỏi cuộc sống thấp hèn của họ.
Cha ông của chúng ta đã để lại phần cao quý nhất của các Ngài. Mãi mãi, tâm tình của các Ngài vẫn còn ghi khắc trong những viên đá này, trong những tháp chuông này, cho đến mai sau…
Nhớ khi còn nhỏ, điều đọng lại trong ký ức tôi, nhiều nhất vẫn là ngôi Thánh đường, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Chiều xuống, thoảng trong tiếng gió đưa, tiếng chuông nhà thờ đổ vang một giai điệu trầm bổng, thiết tha, mời gọi cách kỳ diệu, làm trí tưởng tượng non nớt của tôi bay bổng. Khi thì tôi như đang lướt trên các tầng mây, mây hồng, mây trắng nhẹ như bông; khi thì tôi liên tưởng sau đám mây kia là Thiên đàng, Chúa Cha chắc phải uy nghi lắm, còn Đức mẹ và thánh Giuse chắc là hai bên Chúa Giêsu rồi. Chúa Giêsu chắc là mặc áo choàng bằng vàng, chắc là chói mắt lắm? Tự hỏi không biết rồi ba tôi, ông ngoại, bà ngoại, ông nội, bà nội tôi ở đâu, có nhận ra tôi không?
Những buổi sáng mùa giáng sinh,  trời còn tối, đã nghe tiếng chuông vang khi xa, khi gần bài thánh ca quen thuộc “ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…”Tôi cuộn mình trong chăn ấm áp, lắng tai nghe thích thú, nghĩ: “Tôi đang ở dưới đất hay trên trời”
Lớn lên, xa ngôi Thánh đường nhà mình, tôi như quên hẳn tiếng chuông vang. Nơi tôi ở, tiếng chuông nghe lạ và mỗi lần nghe, một nỗi nhớ nhà cứ dâng lên…Rồi lập gia đình, tiếng chuông nơi nào đi qua nghe cũng lạ, lạ nhất là tiếng chuông nhà thờ nơi nhà chồng. Tiếng chuông nhà mẹ tôi, thời con gái, đã làm cho tôi suýt đi tu, tiếng chuông ấy giờ đây tôi vừa nhớ, vừa như quên…
Rồi một ngày xa xưa trở về, một sớm mai thức giấc, nằm trong ngôi nhà của mẹ, tiếng chuông nghe thời con gái lại văng vẳng bên tai. Xa nhà nhiều năm, vậy mà khi trở lại, tiếng chuông vẫn ngân vang, thánh thót trong lòng tôi… Tôi lại trở về với ngôi giáo đường đã xa một thời, nơi có tiếng chuông mà nhiều lần tôi tự hỏi: “ Đây là đâu, tôi đang thức, hay mơ?”…
Ở bất cứ nơi nào trên thế giới, giáo đường vẫn luôn là biểu trưng của sự sống. Còn gì buồn thảm cho bằng một ngôi giáo đường biến thành bảo tàng viện hoặc không còn người lui tới.
Giáo đường là nhà của con người: gặp gỡ giữa trời cao và đất thấp, gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn cả, giáo đường chính là nơi gặp gỡ giữa người với người: gặp gỡ ở trong lời cầu nguyện, gặp gỡ nhau trong chia sẻ, gặp gỡ nhau trong lời chào bình an, trong cái bắt tay của tha thứ, của hòa giải, gặp gỡ nhau để nối kết vòng tay với người khác, gặp gỡ nhau để trở lại cuộc sống với hăng say và nhiệt thành hơn.
" Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa"
Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà vẫn khước từ gặp gỡ với tha nhân. Chúng ta không thể đến nhà thờ mỗi ngày mà lại không muốn gặp gỡ Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta không thể tách biệt nhà thờ ra khỏi cuộc sống. Bao lâu ngôi giáo đường còn đó, bấy lâu người Kitô hữu ­­vẫn được mời gọi để nối kết đức tin với cuộc sống hằng ngày.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN