Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta.

Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta

Khi 18, 19 tuổi, tôi có dạy kèm cho con bà chủ nhà Phật giáo, cũng là hàng xóm, thằng bé học lớp 5. Đến nay, nó cũng đã 36 tuổi. Hôm ghé chơi nhà, bà than phiền nhiều về nó, suốt ngày không lo làm ăn. Lớn rồi mà không chịu cưới vợ, bà ưng đứa nào, nó cũng chê, còn nói lẫy: “ Má chịu thì má cưới, con không thích, con không cưới!” Tuyên bố ngang như cua vậy, bà nổi nóng la nó tơi bời, kết cục là nó bỏ nhà bà tới ở nhà bạn. Nó đi, bà buồn, đổ bệnh. Thật ra, câu chuyện không đến nỗi trầm trọng như vậy. Con bà làm nghề tự do, mua bán xe. Nó lại ít tâm sự với bà, nên chuyện bà cưới vợ cho nó, nó không chịu vì nó đang để ý một cô, quận kế bên.
Tôi hàn huyên với bà như những người “bạn”, như đứa con trong nhà, như chị gái nó. Tôi với bà cùng nấu cơm ăn, cùng “ tám” mọi chuyện trên trời, dưới đất.Tôi kể bà nghe câu chuyện:

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó, chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếp sống xa đọa đã đưa đẩy chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.
Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý. Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.
Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một chiếc áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả bờ dậu trước ngõ.

Và tôi kể câu chuyện dụ ngôn “đứa con hoang đàng”
Dù đi đạo Phật, bà cũng chăm chú khi tôi kể. Tôi lấy bài học vỡ lòng còn bé của tôi ra kể cho bà nghe. Tôi đố bà: tại sao tôi ngoan, tôi hiền, tôi  học giỏi hơn anh tôi mà mẹ tôi vẫn thương anh tôi hơn? Bà dễ dàng trả lời: “ Vì mầy ngoan, nên má mầy đâu có lo làm chi!”
Tôi thầm thỉ với bà về thái độ người cha trong dụ ngôn:
“ Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải mở tiệc và vui mừng, vì em con đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.”
Thật dễ thương khi bà nói trong ánh mắt ngời sáng: “ Nhưng mà, tao chỉ có một mình nó!” Tôi khấp khởi mừng vì có một ánh sáng lóe lên cho bà và cho tôi. Tôi ra về...
 Hôm khác tôi đến, không đá động gì tới đạo hạnh, sợ tấn công quá bà sợ, tôi chỉ loanh quanh câu chuyện về thằng con trai của bà, về những chuyến đi từ thiện không phân biệt lương giáo, về những vùng dù cũng đi nhiều mà bà chưa từng tới.
Kể chỉ để bà vui, và cũng lo bà chỉ có một mình, đêm hôm…có gì biết ai hay. Bà đắn đo rồi buột miệng “ Vậy, phải kêu nó về hả con? Bà hỏi và như trả lời. Tôi mừng ra mặt nhưng cố trấn tĩnh“ Vậy mình đâu có lo gì nhiều, vì đâu có ai tị nạnh với nó như thằng anh cả trong câu chuyện con kể hôm nọ…”
Tháng rồi, tôi có vinh dự được đi với bà sang ăn hỏi nhà con dâu duy nhất của bà. Điều làm tôi sung sướng hơn cả buổi nói chuyện hôm trước ở nhà bà về; là bà để cho con trai bà; thằng con duy nhất, thằng con đích tôn, gánh gồng hai bên nội ngoại giữ nhà thờ tự, theo đạo Thiên Chúa.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình Yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai mở tiệc ăn mừng.

Điều Chúa làm thật lạ lùng, tôi chỉ biết sung sướng mà cảm ta Chúa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN