Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Cảm nhận từ một chuyến hành hương.

Trong những năm gần đây, nhà thờ Sông Xoài; một nhà thờ nhỏ đơn sơ nằm ở ngã 3 sông Xoài, bên triền sông Vàm Cỏ Tây ( thuộc giáo phận Mỹ Tho), được nhiều người biết đến như là một địa danh hành hương vào những dịp lễ về Đức Mẹ. Được biết, nơi đây có Linh đài Đức Mẹ “ ngập nước sông” lâu năm và rất thiêng.
Kiệu Đức Mẹ trên sông  là một nét đẹp độc đáo mà cha chánh xứ nhà thờ Sông Xoài Phêrô Ký Ngọc Tuấn đã tổ chức thành công; là dịp tạ ơn trong ngày lễ bổn mạng của giáo xứ mừng kính Mẹ Mân Côi và cũng là một cơ hội để những đứa con yêu mến Mẹ khắp nơi xa gần quy tụ về đây tôn kính, tạ ơn người Mẹ rất đỗi yêu mến của mình.
Hiện diện đặc biệt có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc,Tổng Giám mục Tổng Giáo phận TP.HCM, cha Phaolô Trần Kỳ Minh Tổng Đại diện giáo phận Mỹ Tho, cha Đôminicô Trần Văn Dũng dòng Chúa Cứu Thế , Quý tu sĩ nam nữ, đông đảo giáo dân xa gần trong và ngoài giáo phận đến tham dự như GP Sài Gòn, GP Xuân Lộc, GP Phú Cường, GP Buôn Mê Thuột…
Buổi lễ gồm 2 phần: Rước kiệu Đức Mẹ trên sông và Thánh Lễ đồng tế.
Rước kiệu Đức Mẹ trên sông
 Đúng 8 giờ, mé sông trước mặt nhà thờ vang dậy tiếng kèn, tiếng trống, hơn 15 chiếc xà lan sẵn sàng chở đoàn rước. Sau khi thắp nhang dâng Mẹ, cộng đoàn cùng hát vang: “ Mẹ ơi, trước nhan Mẹ con dâng về Mẹ, một tràng hoa Mân Côi…” Cha chánh xứ ra hiệu bắt đầu. Chiếc xà lan cung nghinh Đức Mẹ được trang trí cờ hoa lộng lẫy dẫn đầu. Đoàn xà lan từng chiếc theo cờ hiệu được đánh số thứ tự đi theo đội hình… Xà lan của đội trống lân, đội sắc tộc cồng chiêng và những đội khác như cứu hộ, y tế theo sát những xà lan giáo dân thành đội hình bao quanh phía sau kiệu Đức Mẹ.
Điểm đến của đoàn là Linh đài Đức Mẹ ở ngay ngã ba sông Xoài, cách nhà thờ Sông Xoài hơn 30 phút xà lan đi ngược dòng nước. Mùa này là mùa nước lên, dòng nước chỉ chảy vào mà không đi ra, cả mặt sông dềnh nước. Ẩn hiện trong những lùm cây hai bên bờ rải rác những ngôi nhà nhỏ nhắn. 30 phút ngồi xà lan khác hẳn 30 phút ngồi trên xe, tôi quyết định làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi.
Ngày trước cách đây hơn 3 năm, khi cha Phêrô Tuấn đến xứ này, thì tượng Mẹ đã có ở đó. Tượng được đặt trên bệ thờ giản dị. Mẹ đứng đó đìu hiu, ngập trong nước, giữa năm này qua tháng kia, giữa những ngày mưa bão trắng xóa mặt sông… Cha trăn trở, ước ao xây mới Linh đài Đức Mẹ trong lúc tài chính ngặt nghèo, giữa bộn bề khó khăn…Như ngài đã trải lòng: ” Xứ này nghèo lắm, giáo dân chỉ khoảng 650 người, đa phần sống bằng nghề chài lưới trên ngã 3 sông này. Cha kiên trì cầu nguyện cùng Mẹ:" Mẹ ơi, con không biết làm cách nào, xin Mẹ giúp con!”
…Rồi một ngày 15 tháng 08 năm 2012, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, cha Phêrô đã bắt tay vào việc. Đó là một công việc quá sức mà giáo dân cũng lo lắng chung với ngài. Đài Mẹ được xây mới ngay vị trí đó. Việc xây dựng trên bờ đã tốn kém, nói gì đến việc xây trên sông nước. Dẫn lên Linh Đài Đức Mẹ là một chiếc cầu dài bằng bê- tông. Công trình tạm xong sau một thời gian khá dài vì thiếu nguồn tài chính, tuy không phải đồ sộ nhưng là tâm huyết của cha sở Phêrô và là niềm tự hào của giáo dân xứ này với bao yêu thương mà họ đã dành cho người cha đáng kính của họ.
Tương truyền rằng, tượng Mẹ đứng đó đã rất lâu rồi, không ai biết chính xác khi nào. Nhưng một số người lớn tuổi như bà Chín ( người lương giáo) xác định: “Tui nay 78 tuổi, có trí khôn là tui đã thấy “Bà Thánh” đứng ở đó rồi!“. bác Ba, người xa quê mấy chục năm, 3 năm nay, năm nào cũng về kiệu Mẹ, ngồi cùng chuyến xà lan bộc bạch: “ Hồi Mậu Thân năm 68, pháo kích rần trời, vợ chồng tui đang bơi chèo qua đây, sợ pháo trúng lật đật nép vô Đức Mẹ, vậy mà Mẹ che chở bình an.”
Mới đây, khi cha Phêrô Tuấn về quản xứ tháng 05/ 2010, giáo dân xứ này nhiều hoàn cảnh lắm. Một hôm, có gia đình ngoại đạo đến thổ lộ với cha rằng: “ Cha ơi, vì làm ăn thua lỗ nên con phải đòi nợ, mà người thiếu nợ con cũng làm ăn thua lỗ, biết tính sao đây cha?” Sau khi nghe ngọn nguồn câu chuyện, hiểu ra cha cũng đang loay hoay không biết khuyên nhủ họ thế nào thì cha chợt nhớ tới Đức Mẹ, vừa lâm râm cầu xin Đức Mẹ cha vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ: “ Người ta thua lỗ hết rồi, còn có một chiếc xe để làm phương tiện nuôi sống gia đình, chị lấy đi rồi người ta lấy gì nuôi mẹ già, vợ, 3 đứa con… Còn chị, nếu còn xoay sở được thì cố gắng. Cha nghe ngoài mé sông có Đức Mẹ linh lắm, thôi chị ra ngoài đó cầu nguyện xin Mẹ đi, thế nào rồi Mẹ cũng lo liệu cho!” Thế rồi, Chị đó nghe lời cha, ra Đức Mẹ bị ngập nước cầu xin, không biết Chị cầu xin thế nào mà trúng mấy tờ vé số độc đắc…Chị mua heo quay, chạy đến gặp cha để tạ ơn và để khoe niềm vui với cha. Cha mừng quá liền tạ ơn Đức Mẹ đã thương ban ơn cứu 2 gia đình, cha vui vẻ nhận tấm lòng của Chị rồi bảo Chị mang heo quay về xẻ ra chia cho khắp xóm. Câu chuyện lan rộng và nhiều người đến xin Mẹ đều được ơn, bệnh tật được Mẹ chữa khỏi, kể cả người lương giáo…
Đoàn rước viếng Linh đài giờ đã được xây cao như một ngọn núi nhỏ bên sông. Mẹ ung dung, thư thái, nhìn các con khắp nơi đến xin ơn, tạ ơn và vinh danh Mẹ.
Sau khi cha sở dâng lời tạ ơn, cộng đoàn hiệp ý dâng lên Mẹ những bài hát chúc tụng, những gùi hoa tươi thắm, đoàn cúi chào Mẹ, rời Linh đài trở về nhà thờ hiệp dâng Thánh lễ.
Thánh lễ đồng tế.
Như thư mời của chương trình, đón tiếp Đức Cha Phaolô và thánh lễ sẽ cử hành lúc 10 giờ, nhưng mới 9 giờ 30, ngài đã đến. ngài xuống xe, bằng một phong thái hết sức thong thả, thân thiện, tươi cười vẫy tay chào mọi người và nhanh nhẹn đi vào nhà thờ. Ngài có thói quen rất hay, đến nhà thờ là ngài vào ngay, quỳ trước cung thánh cầu nguyện ít phút rồi mới vào nhà xứ. Ở đây, ngài dùng nước, nói chuyện với cha Tổng đại diện, với các cha vài phút, rồi Ngài thay phẩm phục dâng thánh lễ. Trước khi đội nón Giám mục và bước ra ngoài với đoàn thánh giá nến cao và các em lễ sinh, ngài đứng trước tượng Đức Mẹ trong nhà xứ cầu nguyện. Một hình ảnh rất đẹp của vị mục tử nhân lành.
Trong bài giảng, Phúc âm kể về sự biết ơn của 1 người phong cùi, và sự vô ơn của 9 người phong còn lại là dân Do Thái đã cùng được Chúa Giêsu chữa lành. Nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa, lại là người Samari, dân ngoại. Đức Cha nhắc nhở về thái độ vô ơn của chúng ta với Thiên Chúa: “ Nước, thức ăn chúng ta có, không khí chúng ta hít thở…vạn vật trong trời đất đều do Chúa ban cho tất cả chúng ta. Vì thế, chúng ta phải biết chia đều, san sẻ cho nhau. Người giàu thì có tất cả, người nghèo thì chẳng có gì.” Đức Cha vừa chỉ tay vào cha sở Phêrô vừa nói vui “Ổng như con gà mẹ, đi tha mồi về cho đàn con.” Ngài nói thêm: Hôm nay, tổ chức buổi lễ rước kiệu long trọng như vầy, tôi biết cha Phêrô muốn điều gì? ngài tiếp: “Muốn là chúng ta tập thói quen cám ơn Chúa.” Lời Ngài giảng đơn sơ, không cầu kỳ. Phong thái cởi mở, vui tươi đã làm cho bầu khí trong nhà thờ nhỏ tưởng như sẽ nóng bức, hóa ra mát mẻ. Lời Chúa nhẹ nhàng thấm vào từng người.
Đức Cha ban phép lành và kết thúc thánh lễ.
 Ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi - bổn mạng giáo xứ đã khép lại với cảm nhận sâu sắc của tất cả mọi người: lòng yêu mến, tôn sùng Đức Mẹ đã tỏa sáng trong tâm hồn của những người tham dự buổi lễ đặc biệt này cũng như nhen nhóm đốm lửa, khơi gợi những tâm hồn còn bỏ ngõ.
 Kiệu trên sông
 Quang cảnh rước kiệu trên sông Vàm Cỏ Tây

Linh đài Đức Mẹ ngã ba Sông Xoài
 Nhóm sắc tộc dâng hoa kính Đức Mẹ

 Nhà thờ Sông Xoài
 Rước kiệu Mẹ vào nhà thờ
 bên trong nhà thờ Sông Xoài
 Đức Cha đến...
 Tân PhóTổng giám mục Tổng giáo phận TP.HCM- Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc
 Ngài quỳ gối cầu nguyện trước thánh lễ

 Bắt đầu thánh lễ


 Ngồi thư thái nghe cha sở Sông Xoài nói lời cám ơn
 Cha Phêrô Ký Ngọc Tuấn, cha sở nhà thờ Sông Xoài nói lời cám ơn...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ÊM ĐỀM TRIỀN MIÊN